Tâm sự của người mang bánh tráng Củ Chi đi hơn 30 nước: Làm thủ công giữ được mùi nhưng xuất khẩu lại không đạt, nên chỉ có thể làm công nghiệp

26/09/2018 09:19 AM | Kinh doanh

Trong chương trình mang tên Chuẩn Chất là số 1 của Đài truyền hình Đồng Nai vừa qua, anh Lê Duy Toàn, Giám đốc công ty TNHH XNK thực phẩm Duy Anh, đã chia sẻ về câu chuyện làm bánh tráng ở quê hương Củ Chi.

Khi xuất khẩu, sản phẩm phải khác

Anh Duy Toàn cho biết, sau 8 năm thành lập công ty đến nay, có rất nhiều khó khăn để Duy Anh phát triển từ một làng nghề truyền thống đi lên, bởi khi mang sản phẩm đi xuất khẩu, tiêu chuẩn, chất lượng phải khác.

Cụ thể, khác ở đây là người chủ phải có một tư duy mở, liên tục học hỏi, chấp nhận thử thách, vì khi mở rộng, tiếp cận thị trường quốc tế, không những phải cạnh tranh mà phải đổi mới, làm mới mình liên tục để nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thống làng nghề lên.

"Ở Việt Nam, theo tôi hiện nay nhiều người làm làng nghề thủ công truyền thống nhiều người suy nghĩ chỉ làm theo hướng đó, theo cách ông bà để lại từ nhiều năm trước".

Nếu làm theo cách truyền thống trong thời buổi hội nhập cạnh tranh với các nước, ngay như với Thái Lan, Indonesia… thì không thể làm được, chỉ luẩn quẩn trong giới hạn nhỏ.

Tâm sự của người mang bánh tráng Củ Chi đi hơn 30 nước: Làm thủ công giữ được mùi nhưng xuất khẩu lại không đạt, nên chỉ có thể làm công nghiệp - Ảnh 1.

Anh Lê Duy Toàn, Giám đốc công ty TNHH XNK thực phẩm Duy Anh.

Toàn cho rằng, cái khó của nhiều làng nghề, trong đó có nghề làm bánh tráng ở Củ Chi quê anh là làm theo kiểu thời vụ, nắng làm, mưa nghỉ, đa phần là sản xuất bằng tay và phơi nắng ngoài trời.

Cũng có người xuất khẩu cho người Việt muốn “cảm” cái hương vị truyền thống đó nhưng rất ít. Còn để xuất vào các siêu thị thì sẽ không đạt tiêu chuẩn, vì nhiều yếu tố, như vấn đề côn trùng, độ ẩm…

“Thực tế, nhiều người Việt hiện nay vẫn thích sản phẩm truyền thống làm theo phương pháp thủ công, nhưng khi xuất đi nước ngoài họ xét, phân tích các chỉ tiêu, kiểm nghiệm lại không đạt”, Toàn nói.

Làm theo phương pháp thủ công thì giữ được mùi nhưng khi xuất khẩu, phân tích các chỉ tiêu thì lại không đạt.

Cụ thể là các yếu tố vi sinh, yếu tố mùi. Nếu bánh tráng sản xuất thủ công và phơi ngoài nắng mùi rất nặng, khi cuộn ăn gỏi cuốn hoặc chiên chả giò có mùi nồng… Những mùi này các nước Nhật Bản, Hàn Quốc họ không chấp nhận.

Giám đốc công ty Duy Anh chia sẻ rằng, “đối tác họ nghĩ mùi đó là do nguyên liệu không chuẩn, bảo quản không đúng cách hoặc quá trình sấy khô độ ẩm quá nhiều”…


“Làm công nghiệp, mùi sản phẩm có thể thay đổi một chút nhưng như vậy mới đáp ứng được số đông người nước ngoài”

Từ những lý do trên, anh Toàn đã chuyển qua làm công nghiệp, sấy bằng máy để cải thiện về mùi, nhằm đưa sản phẩm đi toàn cầu cho tất cả người tiêu dùng quốc tế.

Mặt khác, nhờ đầu tư công nghệ sản phẩm của Duy Anh còn bảo quản được lâu hơn rất nhiều, từ vài tháng, đến cả năm trong các chuỗi siêu thị nước ngoài so với sản phẩm truyền thống.

Toàn cho hay, dù sản phẩm truyền thống chuyển qua làm công nghiệp, mùi vị có thể thay đổi một chút, nhưng đó là cách để đáp ứng được số đông người tiêu dùng quốc tế.

“Như thế mình mới có cơ hội giới thiệu các sản phẩm truyền thống của mình ra thế giới với bạn bè năm châu”, Lê Duy Toàn nói.

Hiện Duy Anh đã mở rộng sản phẩm. Ngoài bánh tráng, công ty còn cung cấp các loại bún khô, phở...

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM