Tâm sự của một bà mẹ 8X: Dù rất muốn dùng tã Việt nhưng tôi vẫn phải chọn bỉm ngoại để... bảo vệ con

12/09/2016 14:52 PM | Kinh doanh

Với các bà mẹ Việt, việc tìm mua tã bỉm Việt không dễ như mua các sản phẩm nước ngoài,. Vì thế, dù rất muốn ủng hộ hàng Việt Nam nhưng có lẽ tôi sẽ chọn những sản phẩm cho bản thân mình hơn là mua cho con.

Sau khi tốt nghiệp đại học vài năm đi làm, cuối cùng tôi cũng yên bề gia thất như bất kỳ cô gái nào. Niềm vui gia đình tiếp tục nhân lên khi thiên thần nhỏ chào đời sau 9 tháng ôm ấp chở che.

Mẹ “bỉm sữa” là biệt danh mới của tôi. Chăm sóc, lo lắng cho con từ bữa ăn, giấc ngủ đến chuyện nhỏ như dùng bỉm gì, sữa nào cho con trở thành câu chuyện thường nhật. Thế nhưng, dù là người ưa chuộng hàng Việt Nam nhưng tôi cũng không thể chọn cho con bỉm nội. Tại sao vậy?

Ai cũng muốn những thứ tốt nhất, ‘xịn’ nhất cho con

Cách đây gần 30 năm khi thế hệ chúng tôi chào đời, tã vải là thứ mà các bà các mẹ thường sử dụng cho lũ trẻ con. Thậm chí tã của các anh chị còn được giặt giũ cẩn thận để cho đứa em sinh sau dùng. Tuy nhiên, đó là chuyện của thập niên 80-90.

Ngày nay, phần lớn trẻ em hiện nay không sử dụng loại tã này mà chuyển sang dùng tã giấy hay bỉm. Đây cũng là xu hướng tất yếu khi xã hội ngày càng phát triển, phụ nữ gia nhập vào lực lượng lao động xã hội ngày càng nhiều hơn.

Theo khảo sát của Kantar Worldpanel, tính riêng ở nhóm các gia đình có trẻ dưới 3 tuổi tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, trung bình mỗi hộ sử dụng khoảng 58 miếng tã giấy một tháng với tần suất mua 3 tuần một lần. Như vậy riêng khoản chi này cũng ‘ngốn’ không ít tiền của các ông bố bà mẹ trẻ.

Như bất cứ ông bố bà mẹ nào, tôi cũng muốn dành mua sữa tốt nhất, bỉm xịn nhất cho con, kể cả gia đình phải bớt đi nhiều nhu cầu chi tiêu khác. Tôi chắc chắn các bậc phụ huynh trẻ sẽ chẳng tiếc gì bớt 300-500 nghìn trong ngân sách gia đình để mua bỉm cho con cái họ đâu.

Lần đầu làm mẹ không tránh khỏi nhiều điều bỡ ngỡ, tôi đi tìm lời khuyên từ bạn bè đi trước hoặc tham khảo từ các hội nhóm trực tuyến, quảng cáo truyền hình. Và khi hỏi đến bỉm, có vẻ như tất cả những lời tư vấn này đều hướng đến nhóm sản phẩm ngoại.

Trước khi sinh, một chị bạn đồng nghiệp đã giúp tôi lên danh sách những vật dụng cần thiết chăm sóc trẻ sơ sinh, trong đó có thương hiệu miếng lót sơ sinh của một thương hiệu ngoại P. Một số bạn bè khác theo kinh nghiệm lại chia sẻ khuyên tôi nên dùng tã giấy M. của Nhật.

Theo khảo sát, hiện gần 80% thị trường tã bỉm nằm chủ yếu trong tay 3 doanh nghiệp ngoại gồm Unicharm (thông qua việc mua lại công ty Diana của Việt Nam) chiếm 36%, Kimberly-Clark với 28% và P&G với 15%.

Nhiều nỗi nghi ngại

Bên cạnh những thương hiệu tã bỉm ngoại phổ biến hiện nay, thương hiệu tã Việt Nam Bino khá xa lạ với tôi cũng như nhiều bà mẹ trẻ.

Bino do công ty KyVy sản xuất. Đây là công ty cũng đã có mặt 15 năm trên thị trường. Nhưng vì ít đầu tư cho quảng cáo nên Bino không được nhiều người biết đến. Thông tin về KyVy khá ít ỏi đối với phần lớn người tiêu dùng.

Quan tham khảo giá, Bino rẻ hơn khá nhiều so với các thương hiệu bỉm ngoại khác, giá bán chỉ bằng 1/3-1/4.

Tã bỉm Việt Nam không đa dạng, phổ biến và dễ tìm mua như các sản phẩm nước ngoài. Và tôi, dù rất muốn ủng hộ hàng Việt thì có lẽ vẫn không đủ dũng cảm chọn những sản phẩm ít tên tuổi, thậm chí là khó tìm mua. Những sản phẩm quảng cáo hàng ngày trên tivi, bày bán ê hề ở khắp các kệ siêu thị, tạp hóa, và được đông đảo bạn bè đánh giá và kiểm chứng, chắc chắn giúp chúng tôi an tâm hơn nhiều.

Thật đáng tiếc cho thương hiệu Việt, nhưng đó là hiện thực đang diễn ra với những ai tôi, một bà mẹ điển hình thế hệ 8X, có công việc ổn định, thu nhập trung bình và sinh sống ở đô thị.

Liệu đến bao giờ những bà mẹ như tôi có thể tự tin an tâm sử dụng hàng nội, thay vì dốc tiền mua hàng ngoại như hiện nay?

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM