Tâm sự của du học sinh Anh sau 10 năm theo nghiệp dạy học “ngoài Nhà nước”: Không được nhiều học sinh chúc mừng trong ngày 20/11 nhưng chỉ cần "các cháu điểm cao là vui rồi"

20/11/2018 08:13 AM | Kinh doanh

Thầy giáo Nguyễn Hữu Tuấn cho biết niềm vui của anh là giúp học sinh xây dựng cách tư duy hợp lý. Kể cả khi khoá học kết thúc thì học sinh vẫn có thể tiếp tục tự mình tìm hiểu, chọn lọc sách vở dựa trên những kiến thức, kinh nghiệm mà anh và đồng nghiệp đã truyền đạt.

Chúng tôi gặp Nguyễn Hữu Tuấn, giảng viên toàn thời gian, một trong hai người sáng lập đầu tiên của trung tâm luyện thi 7Astar, khi anh vừa kết thúc ca dạy lúc 4h chiều và đang chuẩn bị cho một ca tiếp theo lúc 6h tối.

Anh tâm sự suốt từ tháng 4 đến nay, chỉ trừ nửa đầu tháng 6 và 5 ngày nghỉ của đợt mùng 2/9 thì hầu như ngày nào anh cũng dạy. Ít thì 1 ca, nhiều thì vài ba ca, mỗi ca kéo dài 2 tiếng. Nguyên nhân là do khoảng thời gian này rơi vào đợt cao điểm, học sinh cần ôn luyện để thi vào trường quốc tế hay tham gia các kỳ thi SAT 2.

"Thường mùa hè tôi hay dạy các ca liền, ví dụ 2h-4h, 4h-6h nên không có thời gian nghỉ giữa giờ ấy. Mệt lắm, mệt kiểu gom góp vào nhau chứ không phải chỉ mệt trong một ngày đâu", thầy giáo Tuấn cho biết.

Chặng đường 10 năm từ du học sinh Anh thành thầy giáo dạy Toán

Sinh năm 1985 nhưng Nguyễn Hữu Tuấn đã có kinh nghiệm với nghề giảng dạy lên tới gần 10 năm. Kể lại chặng đường bắt đầu của mình, thầy giáo 8x cho biết anh từng du học tại đại học Nottingham của Anh, chuyên ngành toán cao cấp. Giai đoạn 2008 chương trình kết thúc cũng trùng với giai đoạn khủng hoảng kinh tế nên giống với nhiều du học sinh ngày ấy, anh quyết định về nước.

Tuy nhiên những người học toán như anh có nhiều bất lợi tại Việt Nam bởi họ chỉ có thể lựa chọn hai con đường, hoặc là nghiên cứu, hoặc đi dạy. Nếu đi dạy, đa phần sẽ chọn đại học thay vì cấp 3, nhưng Tuấn mới học xong đại học, chưa có bằng tiến sĩ nên anh về làm trong khối song ngữ của trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội).

Khoảng 2011, Tuấn chuyển sang một trường khác trên khu đô thị Ciputra nhưng không trực tiếp dạy mà chỉ làm trợ giảng cho người nước ngoài. Quá trình làm việc tại đây giúp anh học được rất nhiều từ cách chuẩn bị bài, giảng dạy, cho đến xây dựng trò chơi để thu hút học sinh.

Khát khao được đứng lớp thay vì chỉ trợ giảng khiến anh quyết định nghỉ việc và tự mình mở lớp dạy học bên ngoài. Được khoảng 2 năm, đến cuối 2014, Nguyễn Hữu Tuấn gặp Trần Việt Hưng, cựu sinh viên Cambridge trước đây, thời điểm ấy đang đi dạy CFA. Hai con người với những ý tưởng tương đồng trong suy nghĩ, quyết định cũng làm gì đó liên quan đến giáo dục.

"Chúng tôi nói chuyện từ 10h sáng đến 3 rưỡi chiều và không cả ăn trưa. Chúng tôi chia sẻ các trải nghiệm với nhau và cảm thấy có nhiều chuyện mình có thể làm cùng nhau để đưa đến giá trị cho học sinh. Và ý tưởng của 7Astar ra đời", Tuấn nhớ lại.

Tâm sự của du học sinh Anh sau 10 năm theo nghiệp dạy học “ngoài Nhà nước”: Không được nhiều học sinh chúc mừng trong ngày 20/11 nhưng chỉ cần các cháu điểm cao là vui rồi - Ảnh 1.

Một lớp học tại 7Astar,

Khác với các mô hình giáo dục trên thị trường hiện nay, 7Astar khá đặc biệt. Theo anh giải thích, mô hình của họ không đơn thuần dạy tiếng Anh mà thực chất là dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh, chuẩn bị cho các kỳ thư như ACT (chứng chỉ giống với SAT nhưng có số lượng người dự thi trên thế giới nhiều hơn), AP (kì thi dành cho học sinh phổ thông có kế hoạch vào đại học ở Mỹ) hay CFA (chứng chỉ dành riêng cho các nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp),…

Và như vậy, thầy giáo Tuấn không phải chỉ là giáo viên dạy Toán hay dạy tiếng Anh thông thường. Anh sẽ dạy các môn Toán bằng tiếng Anh, chuẩn bị hành trang cho những học sinh có ý định thi vào trường quốc tế, thi lấy chứng chỉ hay học trước một số môn trong chương trình du học sắp tới.

Nhưng không được nhiều học sinh chúc mừng trong ngày 20/11

Với một công việc khá đặc thù so với các giáo viên truyền thống hiện nay, Nguyễn Hữu Tuấn thừa nhận mô hình này khiến anh cũng đồng nghiệp không phải đắn đo quá nhiều về kinh tế hay cố gắng tìm công việc dạy thêm, làm thêm để duy trì cuộc sống. Nhưng đi kèm đó là những áp lực, mệt mỏi mà ít người muốn nói ra.

Anh kể có một trường hợp học sinh luyện tập rất tốt nhưng khi thi thật thì điểm số lại không như mong đợi. Sau này tìm hiểu anh mới biết học sinh ấy có tâm lý kém, lúc nào cũng sợ mẹ, sợ áp lực điểm số. Kết quả là lúc thi không có đủ tự tin để làm bài.

"Không nhiều nhưng vẫn có những học sinh như thế. Đó là một dạng áp lực, lo lắng cho cả học sinh và giáo viên nữa. Dành nhiều thời gian, công sức rồi đến lúc kết quả không như mong đợi là điều làm tôi trăn trở", thầy giáo 8x cho hay.

Tính ra từ 2009 đến nay, Nguyễn Hữu Tuấn đã có gần 10 năm làm trong nghề giáo, đào tạo khoảng 1.000 học sinh. Dù dạy trong trường, dạy ngoài một mình hay làm ở 7Astar thì niềm vui lớn nhất với anh vẫn là được truyền cho học sinh cách tư duy, suy nghĩ, "để sau này, các em biết cách tự học, tự tìm hiểu chứ không phải đến phải đến đây dạy xong rồi thôi".

Thầy giáo 8x cho biết có những học sinh đã học xong 1, 2 năm rồi nhưng thỉnh thoảng vẫn hỏi thăm thầy hoặc nhờ thầy chỉ các bài toán khó của chương trình đại học. Số khác thậm chí còn tâm sự với thầy về chuyện thất tình khi sang đến đến được ngoài.

"Đó là những giá trị không biết bao nhiêu tiền mới mua được, và tôi nghĩ không phải giáo viên nào cũng có được".

"Đó là những giá trị không biết bao nhiêu tiền mới mua được, và tôi nghĩ không phải giáo viên nào cũng có được".

Tuy nhiên Tuấn thừa nhận, mối quan hệ của một giáo viên dạy thêm ngoài như anh với học sinh không thể gắn bó bằng các giáo viên truyền thống. Bởi phần đông mọi người vẫn coi công việc của anh là một loại hình dịch vụ, còn những giáo viên như anh là người cung cấp dịch vụ. Không nhiều học sinh chúc mừng anh vào những ngày 20/11 ngoại trừ một số em thật sự thân thiết.

"Tôi vẫn còn đỡ vì bạn bè nhiều người biết mình là giáo viên full-time nên vẫn chúc mừng. Chứ một số đồng nghiệp không được chúc mừng nhiều đâu vì họ chỉ làm thêm, không ai thực sự nghĩ họ là giáo viên. Lạ thật đấy".

Trước câu hỏi có chạnh lòng không khi không được nhiều học sinh quan tâm, anh thừa nhận có "hơi buồn chút". Nhưng bản thân anh xác định đa phần các em học sinh còn trẻ, không thể để ý hết được.

"Ngay cả tôi hồi xưa tặng thầy cô ở trường vì trách nhiệm thôi, chứ không thật sự quý. Ví dụ tặng 5, 7 thầy cô nhưng chỉ quý 1 người thôi, còn lấy cớ đi chơi sau đấy là chính. Vậy nên khó hy vọng các cháu dành thời gian cho 1 chỗ học thêm như thế này được".

Buồn, vui với nghề đã gần 10 năm, nhiều giai đoạn mệt mỏi, áp lực cũng đã trải qua nhưng Tuấn xác định giáo viên thực sự là công việc phù hợp với bản thân anh, là công việc anh muốn gắn bó cả cuộc đời. Lớn hơn cả vấn đề thu nhập, "lâu lâu thấy các cháu đạt được điểm thi như mong muốn hoặc cảm thấy nhờ mình mà các cháu đã thay đổi phần nào cuộc sống", với thầy giáo Nguyễn Hữu Tuấn vậy là đã vui rồi.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM