Tắm 'Onsen' kiểu Nhật: Ngành kinh doanh tỷ USD đang thịnh hành tại châu Á

24/04/2019 08:57 AM | Kinh doanh

Bồn tắm nước nóng Nhật Bản (Onsen) đang trở thành hiện tượng khắp Đông và Đông Nam Á khi các công ty “chào hàng” về những điều kỳ diệu của việc ngâm mình trong suối nước nóng.

Khái niệm “tắm chung” ngày càng trở nên phổ biến do nhiều người dần biết đến văn hóa furo (tắm) của Nhật Bản sau khi đến thăm đất nước này.

Theo Viện Sức khỏe Toàn cầu, nơi nghiên cứu các vấn đề liên quan đến sức khỏe, thị trường suối nước nóng toàn cầu trị giá 56 tỷ USD trong năm 2017, tăng khoảng 10% so với năm 2013. Trong đó bao gồm chi tiêu cho chỗ ở, thực phẩm và đồ uống, và các dịch vụ tương tự.

Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đang thúc đẩy tăng trưởng thị trường này. Viện Sức Khỏe Toàn Cầu dự đoán quy mô thị trường sẽ tăng gần 40%, lên 77 tỷ USD vào năm 2022. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương chỉ chiếm hơn một nửa tổng số đó. Các ông lớn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này đang có một cuộc đua khốc liệt trong bối cảnh chính quyền địa phương tìm cách khuyến khích người dân đến với dịch vụ tắm đặc biệt.

Gokurakuyu Holdings, công ty quản lý khoảng 40 nhà tắm trên khắp Nhật Bản, đã mở một "siêu sento " ở Trường Xuân, đông bắc Trung Quốc vào cuối tháng 1. Sento là từ tiếng Nhật để chỉ nhà tắm công cộng.

Cùng với "siêu sento" ở Trường Xuân, Gokurakuyu vận hành 8 phòng tắm ở Trung Quốc, trực tiếp hoặc nhượng quyền thương mại tại Thượng Hải, Vũ Hán, Thanh Đảo và các nơi khác. Công ty Nhật Bản này có kế hoạch nâng con số đó lên 14 vào cuối năm nay, mở thêm các phòng tắm công cộng ở Thượng Hải, Tô Châu và các địa điểm khác.

Cơ sở rộng 14.500 m2 ở Trường Xuân có nhiều cách để giữ nhiệt độ cao đảm bảo cho việc tắm nóng, ngoài phòng tắm tiêu chuẩn. Ngoài ra còn có một phòng tắm hơi và một "bồn tắm đá gốc" - thực sự không phải là một bồn tắm, mà là một phiến đá nóng. Nó cũng có một nhà hàng và phòng chờ. Phí vào cửa là 108 nhân dân tệ ( khoảng 16 USD) mỗi người.

Một khách hàng trải nghiệm dịch vụ này đã bày tỏ sự hài lòng của mình khi viết nhận xét trên một nền tảng trực tuyến: “Được massage bằng dòng nước trong bồn tắm đem lại cảm giác thật tuyệt vời.”

Để tạo lại luồng nước mềm mại giống ở Nhật Bản, bồn tắm Trường Xuân được trang bị các công nghệ do Nhật Bản sản xuất, có khả năng loại bỏ các khoáng chất.

Một công ty Trung Quốc cũng tham gia vào ngành dịch vụ mới nổi nhưng nhiều tiềm năng này. Tập đoàn phát triển công nghiệp suối nước nóng và nước khoáng nóng Hakone Trùng Khánh được thành lập từ sự đam mê với suối nước nóng Nhật Bản của lãnh đạo công ty.

Công ty mở các cơ sở gồm nhiều phòng tắm khác nhau với nhiều tiện ích và dịch vụ ở Bắc Kinh, Thiên Tân và các thành phố khác. Doanh nghiệp thực hiện 70 dự án năm 2018, thuê các nhà thiết kế và cố vấn Nhật Bản để tạo ra một trải nghiệm tắm theo phong cách Nhật Bản đích thực.

Ở Đài Loan, các khách sạn lấy suối nước nóng là điểm thu hút chính của họ, đã có những bước phát triển nhất định. Khu nghỉ dưỡng Hoshino dự kiến mở một không gian nghỉ dưỡng nước nóng vào mùa hè này. Suối nước nóng nghỉ dưỡng có tên là Hoshinoya Guguan tọa lạc tại Đài Trung, miền trung Đài Loan. Đây là bước đột phá đầu tiên Hoshino.

Tất cả 50 phòng khách của Hoshinoya Guguan đều có phòng tắm ngoài trời, lấy trực tiếp nước từ suối. Được bao quanh bởi những ngọn núi, khu nghỉ mát có một con đường đi bộ và một bể bơi. "Phòng tắm chung lớn được thiết kế cho phép mọi người thư giãn, trong đó có cả một không gian nghỉ ngơi sau khi tắm", một quản lý của Hoshino Resorts cho biết.

Tắm Onsen kiểu Nhật: Ngành kinh doanh tỷ USD đang thịnh hành tại châu Á - Ảnh 1.

Thị trường bồn tắm nóng theo quốc gia.

Tháng 5/2018, Tập đoàn Forte Hotel có trụ sở tại Đài Bắc khai trương Yamagata Kaku- một khách sạn suối nước nóng với thiết kế lấy cảm hứng từ Nhật Bản tại quận Yilan, đông bắc Đài Loan.

Chuỗi khách sạn Mỹ International Marriott cũng mở một khách sạn có suối nước nóng dưới thương hiệu Westin ở Yilan vào tháng 9/2017.

Đài Loan đang tăng cường hỗ trợ tài chính cho các suối nước nóng như một phần trong nỗ lực thúc đẩy ngành du lịch của mình. Theo Bộ Giao thông Vận tải Đài Loan, 125 nhà khai thác kinh doanh suối nước nóng đã nhận được một khoản hỗ trợ từ năm 2010 đến 2015.

Các khách sạn có suối nước nóng hoặc phòng tắm chung lớn sẽ đông khách vào mùa đông khi nhiệt độ giảm. Nhưng kể cả với thời tiết ấm áp ở Đông Nam Á, các nhà đầu tư cũng không e ngại mà thực hiện các dự án về suối nước nóng.

Siam Wellness Group, một công ty Thái Lan kinh doanh trong lĩnh vực spa ở Thái Lan, Campuchia và các nơi khác, đã mở một cơ sở suối nước nóng với bồn tắm bằng đá và phòng khách trải chiếu ở Bangkok vào năm 2016. Tại Singapore, một công ty Nhật Bản đã mở Yunomori Onsen & Spa cùng năm.

"Ngay cả ở những nước nhiệt đới, mọi người có thể đổ mồ hôi trong bồn tắm và cảm thấy tốt hơn. Điều này rất phổ biến, đặc biệt là với những người giàu có", Tomonori Maruyama, một nhà nghiên cứu spa Nhật Bản cho biết.

Theo Trang Trang

Cùng chuyên mục
XEM