Tầm nhìn quy hoạch cấp quốc gia sẽ nâng lên từ 30 đến 50 năm

25/10/2017 10:19 AM | Kinh tế vĩ mô

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng đang có thời kỳ là 10 năm. Quy hoạch là việc cụ thể hóa mục tiêu, định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc quy định thời kỳ quy hoạch 10 năm cùng với thời kỳ của Chiến lược để đảm bảo sự thống nhất giữa chiến lược và quy hoạch.

Dự thảo Luật Quy hoạch Chính phủ trình lên Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV được kỳ vọng sẽ tạo ra các bước thay đổi quan trọng trong hoạch định không gian phát triển cho đất nước, tạo ra các dư địa, các động lực phát triển mới; loại bỏ những cản trở phát triển và sự mâu thuẫn, không đồng bộ của hệ thống quy hoạch hiện hành. Trong kỳ họp trước, dự thảo Luật quy hoạch được Quốc hội thống nhất hoãn thông qua bởi còn nhiều ý kiến khác nhau cũng như tính khả thi của Dự thảo.

Một trong những ý kiến được đặt ra là thời kỳ quy hoạch. Cụ thể trong phiên họp ngày 26/5, đại biểu Nguyễn Thanh Phương đoàn Cần Thơ cho rằng thời kỳ 10 năm là quá ngắn, phải có tầm nhìn xa, ổn định mới có hiệu quả lâu dài. Theo ông quy hoạch quốc gia nên có thời kỳ tối thiểu là 20 năm, tầm nhìn 30 năm, quy hoạch cấp tỉnh có thời kỳ 10 năm, tầm nhìn 20 năm.

Lý giải cho thời kỳ quy hoạch 10 năm, tại kỳ họp này, ông Vũ Hồng Thanh, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, quy hoạch là cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và phải phù hợp với chiến lược. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội hiện nay đang có thời kỳ là 10 năm. Quy định thời kỳ quy hoạch 10 năm cùng với thời kỳ của Chiến lược để đảm bảo sự thống nhất giữa chiến lược và quy hoạch; tầm nhìn quy hoạch sẽ dài hơn từ 20-50 năm nhằm đảm bảo cho việc xác định tính ổn định, tính kế thừa của quy hoạch, nhất là đối với các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật phải có tầm nhìn dài hơn để giảm thiểu tình trạng điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thường xuyên, nhiều lần, gây xáo trộn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật quy hoạch của Ủy ban thường vụ Quốc hội kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV cho biết tiếp thu ý kiến của đại biểu, Điều 8 của dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng điều chỉnh tầm nhìn của các quy hoạch dài hơn, cụ thể tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm; tầm nhìn của quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh là từ 20 năm đến 30 năm để đảm bảo tính kế thừa, ổn định lâu dài của quy hoạch.

Không quy định cụ thể quy hoạch vùng

Góp ý cho Dự thảo, có ý kiến cho rằng điểm b, Khoản 1 về quy hoạch vùng chưa quy định rõ vùng nào phải lập quy hoạch và quy hoạch vùng đó là quy hoạch gì. Tại Mục c, Khoản 1 quy hoạch tỉnh cần làm rõ quy hoạch tỉnh với các tỉnh thuộc trung ương và quy hoạch tỉnh với các thành phố trực thuộc trung ương.

Tuy nhiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc phân định các vùng phụ thuộc vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng trong từng thời kỳ nhằm kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Mặt khác, vùng hiện nay không phải là 1 cấp hành chính. 

Vì vậy, việc không quy định cụ thể các vùng ngay trong Luật để đảm bảo việc phân vùng sẽ phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở từng giai đoạn phát triển và tính linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, phù hợp với quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong quản lý và phát triển kinh tế. Các vùng lập quy hoạch sẽ giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Dự thảo Luật Quy hoạch quy định ở cấp vùng sẽ có Quy hoạch vùng để xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường có tính liên ngành, liên tỉnh và liên vùng.

Đối với các thành phố trực thuộc trung ương sẽ chịu sự điều chỉnh của cả Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, trong đó, các quy định của Luật Quy hoạch đô thị sẽ liên quan đến việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị.

PV

Cùng chuyên mục
XEM