Tạm gác bún chả sang một bên, chuyến thăm của ông Obama cho thấy Việt Nam đang là điểm sáng tự do thương mại

24/05/2016 10:57 AM | Kinh tế vĩ mô

Việc Việt Nam tích cực mở rộng thương mại và phát triển giao thương thực sự đang là một điểm sáng trên thế giới khi nhiều quốc gia hiện nay e ngại quá trình toàn cầu hóa sẽ ảnh hưởng xấu đến đất nước họ.

Không có gì là đáng ngạc nhiên khi trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong tuần này, hàng loạt các thỏa thuận thương mại đã được ký kết. Hãng hàng không Vietjet của Việt Nam đã đặt hàng 100 máy bay từ nhà sản xuất Boeing với tổng giá trị hơn 11 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Tổng thống Obama cũng tuyên bố Mỹ sẽ hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí đã tồn tại trong 50 năm qua đối với Việt Nam.

Những động thái tích cực trong quan hệ ngoại giao và thương mại này giữa Việt Nam và Mỹ là điều dễ hiểu khi riêng trong năm 2015, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 30 tỷ USD sang phía Mỹ.

Đổi lại, phía Mỹ cũng mong muốn một mối quan hệ thương mại song phương giữa 2 nước và cho rằng Việt Nam cũng là một thị trường hấp dẫn cho các hàng hóa Mỹ.

Qua chuyến thăm của Tổng thống Obama, rõ ràng Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có sự tăng cường về thương mại cũng như tích cực mở cửa nền kinh tế trên thế giới hiện nay.

Điểm sáng của tự do thương mại

Một cuộc khảo sát năm 2014 của Viện nghiên cứu Pew cho thấy Việt nam là quốc gia ủng hộ nhiệt tình nhất cho hợp tác thương mại đầu tư trong số những thành viên Hiệp định Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo đó, có khoảng 95% số người khảo sát cho rằng các hiệp định thương mại tự do sẽ đem lại công ăn việc làm, tăng lương cũng như những tác động tích cực đến đời sống xã hội.


Tỷ lệ người ủng hộ tự do thương mại tại Việt Nam cao nhất trong các thành viên TPP

Tỷ lệ người ủng hộ tự do thương mại tại Việt Nam cao nhất trong các thành viên TPP

Cách đây một thập kỷ, hầu như không có nhiều người nghĩ rằng Việt Nam có thể mở cửa kinh tế và đạt được những thành tựu như ngày nay. Tuy nhiên, nhờ những chính sách đúng đắn, kinh tế và đời sống xã hội Việt Nam đã có những cải biến vượt bậc so với trước đây.

Việc Việt Nam tích cực mở rộng thương mại và phát triển giao thương thực sự đang là một điểm sáng trên thế giới khi nhiều quốc gia hiện nay e ngại quá trình toàn cầu hóa sẽ ảnh hưởng xấu đến đất nước họ.

Tại Liên minh Châu Âu (EU), các cuộc khủng bố Paris và Brussels đã làm gia tăng quan điểm phản đối dòng người di cư cũng như sự mở cửa tự do về thương mại, kinh tế.

Trong khi đó, các cử tri Anh đang sắp bước vào cuộc bỏ phiếu quyết định liệu nước này có muốn ở lại EU hay không, và kết quả cuộc trưng cầu dân ý này có thể sẽ làm rung chuyển quá trình hội nhập kinh tế tại Châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II.

Ở Trung Quốc, những cam kết mở cửa thị trường của chính quyền Bắc Kinh đang dần bị phai mờ bởi hàng loạt các quy định kiểm soát tài chính, thị trường cũng như những điều luật có lợi cho doanh nghiệp trong nước. Hậu quả là các dòng vốn đang dần rút khỏi thị trường này sau những năm bùng nổ đầu tư và tăng trưởng.


Một nhà máy dệt may tại Bắc Giang

Một nhà máy dệt may tại Bắc Giang

Trở lại thị trường Mỹ, chính ứng cử viên Đảng Cộng hòa, ông Donald Trump cũng có quan điểm cực kỳ bảo thủ về các hiệp định thương mại tự do. Tỷ phú Trump đổ lỗi cho Trung Quốc, các thỏa thuận thương mại tự do và những người nhập cư là nguyên nhân khiến nền kinh tế Mỹ chịu thiệt hại, và thật đáng ngạc nhiên là khá nhiều người Mỹ đồng tình với quan điểm này khi họ bỏ phiếu cho ông.

Riêng tại Việt Nam, thị trường này có một lực lượng lao động giá rẻ lớn và rõ ràng nền kinh tế tại đây sẽ được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa cũng như tự do thương mại. Chi phí nhân công thấp đã thu hút hàng loạt các nhà máy sản xuất từ những công xưởng quốc tế trước đó như Trung Quốc trong những năm gần đây.

Thêm vào đó, các dòng vốn nước ngoài cũng đang đổ vào Việt Nam, đặc biệt là khi Nhật Bản tài trợ một loạt các hoạt động công nghiệp. Kết quả là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã nhảy vọt còn tỷ lệ nghèo đói giảm mạnh từ 60% năm 1993 xuống 14% hiện nay theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).


Tỷ lệ GDP bình quân đầu người của Việt Nam (USD)

Tỷ lệ GDP bình quân đầu người của Việt Nam (USD)

Còn nhiều khó khăn

Dẫu vậy, Việt Nam không thể liên tục nâng cao mức sống của người dân nếu nền kinh tế không thể đa dạng hóa các sản phẩm sản xuất cũng như thoát khỏi sự phụ thuộc vào ngành sản xuất giá trị thấp.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần có các biện pháp nhằm đối phó với tình trạng giảm tốc tăng trưởng ở Trung Quốc, đối tác thương mại lớn của đất nước cũng như quan điểm bài tự do thương mại tại các nền kinh tế lớn.

Hiện cả 2 ứng cử viên sáng giá là ông Donald Trump và bà Hillary Clinton đều phản đối những thỏa thuận trong bản Hiệp định TPP đã được ký kết. Trong khi đó, nhiều khả năng việc bỏ phiếu thông qua hiệp định TPP sẽ không được tổ chức trước khi cuộc bầu cử bước vào cuộc đua chính vào tháng 11 tới đây.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM