Tấm Cám - Chuyện chưa biết: Ai là Tấm, ai là Cám?

24/08/2016 10:44 AM | Kinh doanh

Giọt nước mắt của Ngô Thanh Vân là que diêm thổi bùng những tranh cãi đã âm ỉ lâu nay giữa CGV và các nhà phát hành phim Việt.

Trong cuộc tranh cãi giữa CGV và BHD, tôi chỉ ấn tượng nhất một điều: Hình ảnh Ngô Thanh Vân bật khóc.

Giọt nước mắt ấy có lẽ là sự tiếc nuối vì mất đi cơ hội được quảng bá rộng rãi tâm huyết của mình ra công chúng.

Nó cũng có thể là sự sắp đặt để đẩy truyền thông lên cao trào.

Nhưng chắc chắn một điều, nó là que diêm thổi bùng những tranh cãi đã âm ỉ lâu nay giữa CGV và các nhà phát hành phim Việt.

Tôi tin rằng quyết định không chấp nhận đòi hỏi từ phía CGV hẳn là một quyết định khó khăn, bởi vì với mức doanh thu như CGV cam kết đã đủ để chi trả một nửa chi phí làm phim.

Câu chuyện giữa CGV và phần còn lại không có gì mới.

Ta có thể bắt gặp ở mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội, khi một bên nắm giữ lợi thế cố gắng chèn ép các đơn vị khác để giữ thị phần.

Nó giống như cuộc chiến của taxi truyền thống với Uber, Grab, cuộc đấu khẩu của K+ với các đơn vị truyền hình, hay gần đây nhất là tranh cãi quanh thông tư 20 về việc nhập khẩu ô tô.

Sẽ chẳng có ai thắng ai thua trong chuyện này vì ai cũng tự nhận mình là bị hại. Thiệt thòi sẽ thuộc về công chúng khi sẽ không có điều kiện tiếp cận những dịch vụ tốt nhất một cách rộng rãi.

Tuy nhiên, dường như CGV vô tình bị cuốn vào cuộc tranh cãi do bên kia khơi mào, để giãi bày những bức xúc bị dồn nén lâu nay.

Và kết quả thấy rõ: Các nhà làm phim hưởng lợi lớn khi khán giả ùn ùn tới rạp để xem một tác phẩm điện ảnh Việt Nam có gì hay mà cãi nhau ầm ĩ, để rồi khi ra về cũng gật gù, ừ thôi cũng coi như là giải trí.

Tấm Cám sẽ là một tác phẩm thành công về mặt thương mại, dù nó chưa được làm tới. Giống với phim trước do Ngô Thanh Vân làm đạo diễn kiêm nữ chính là "Ngày nảy ngày nay", cả hai đều theo mô típ: giải trí, hài hước, trai xinh gái đẹp, kỹ xảo tàm tạm và truyền thông tập trung vào các diễn viên tham gia ngay từ giai đoạn bấm máy.

Cả hai cũng đều có bài hát chủ đề vui nhộn, được giới thiệu dồn dập gần ngày công chiếu. Và cả hai cũng chỉ khiến gây cười cho khán giả và dễ dàng quên sau đó.

Nói vậy để thấy rằng, thành công của bộ phim sẽ đến từ cách quảng cáo, truyền thông, và về mặt này Tấm Cám đã làm tốt hơn bộ phim trước.

Tôi khâm phục đội ngũ phát hành của BHD khi họ biết điểm dừng, không biến những câu chuyện trở nên quá lố bịch.

Tố CGV ưu ái văn hóa Hàn nhưng khi bị phản đối, họ không sa đà vào tranh cãi. Khi bị CGV dọa kiện họ mềm dẻo thông báo lại là hiểu nhầm và mong muốn không đẩy câu chuyện đi xa hơn.

Bộ phim cũng không bị biến thành đối tượng chỉ trích, cũng chỉ khiến cho khán giả cười khi xem Hạ Vi mặt "đơ", hơn là tìm cách bới móc các chi tiết yếu trong khâu kịch bản và hình ảnh.

Mọi người sẽ vẫn tiếp tục xếp hàng mua vé xem Tấm Cám trong những ngày tới, có thể vì nhiều lý do. Muốn xem một câu chuyện cổ tích Việt Nam phiên bản điện ảnh, muốn ủng hộ phim Việt hay đơn giản vì không có lựa chọn nào khác khả dĩ hơn. Nhưng tôi tin rằng sẽ có nhiều người như tôi, xem vì tò mò. Và vì thế thay vì đến CGV như thói quen, tôi sẽ buộc phải tìm một rạp chiếu khác.

Nguyên Linh

Cùng chuyên mục
XEM