Tại sao Việt Nam lại bùng nổ các công ty khởi nghiệp công nghệ?

16/10/2019 08:47 AM | Xã hội

"Thậm chí có thể lập luận rằng hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam - trong Đông Nam Á, đang ở vị trí tốt nhất về mặt cơ hội với rất ít rào cản gia nhập", Reid Kirchenbauer, nhà đầu tư kiêm sáng lập InvestAsian viết trên chính trang InvestAsian.

Reid Kirchenbauer cho rằng các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam có khả năng tiếp cận tất cả các điều kiện cần thiết để sản sinh ra các công ty công nghệ trị giá hàng triệu đô la.

Là một nước nhận được lượng lớn đầu tư của các "tay chơi" trên toàn cầu, Việt Nam và thị trường statup xứng đáng nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa. "Thậm chí có thể lập luận rằng hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam -  trong Đông Nam Á đang ở vị trí tốt nhất về mặt cơ hội với rất ít rào cản gia nhập", anh nói.

Việt Nam, theo Reid, từ lâu đã là điểm đến của các doanh nghiệp đổi mới hàng đầu như LG Electronics, Panasonics, Toshiba. Việt Nam cũng đang trở thành trung tâm sản xuất cho gã khổng lồ Samsung tại Đông Nam Á.

Tuy nhiên, giới khởi nghiệp địa phương tại Việt Nam chỉ mới bắt đầu thu hút được nhà đầu tư từ châu Á và một số nước khác. Sau khi hội nhập vào Cộng đồng kinh tế ASEAN, cùng với sự hiện diện ngày càng tăng của các công ty công nghệ toàn cầu, có vẻ, hơn bao giờ hết, các nhà đầu tư muốn rót tiền vào startup Việt.

Năm 2016, Goldman Sachs và Standard Chartered đã cùng đầu tư 28 triệu USD vào hệ thống thanh toán điện tử Momo. Khoản đầu tư thành công này đã giúp startup có được hơn 2 triệu khách hàng cùng mức tăng trưởng hơn 30%. Trong khi đó, quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups có trụ sở tại California cũng tuyên bố "rót" 10 triệu đô la tập trung vào các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam.

Các nhà đầu tư tương tự cũng đang đặt cược vào một "mỏ vàng" khác tại Việt Nam, khi xem xét đến các startup trong lĩnh vực thương mại điện tử. Mảng này được xem là lĩnh vực bùng nổ với mức tăng trưởng 35% vào năm ngoái, đạt giá trị 4 tỷ USD.

"Bạn có thể bị bối rối về việc Việt Nam đã đi xa đến mức nào về mặt công nghệ", Reid nói và chỉ ra một số tiến bộ mà quốc gia 96 triệu dân đã đạt được so với các nước láng giềng.

Trước tiên, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại mới, bao gồm cả Hiệp định TPP – nay là CPTPP, bất chấp Mỹ "rút chân". Nhờ vậy, Việt Nam đã có lợi thế cạnh tranh so với những nước láng giềng, như Lào hay Campuchia.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tự hào có chất lượng nguồn nhân lực rất cao trong ngành khoa học máy tính. Một kỹ sư phần mềm của Google đã nói rằng Việt Nam sở hữu những sinh viên khoa học máy tính có hiệu suất cao nhất thế giới, nhiều bạn chinh phục các câu hỏi phỏng vấn về xử lý vấn đề xuất sắc.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng xếp hạng thanh thiếu niên Việt Nam cao về toán và khoa học.

Chi phí lao động của Việt Nam cũng rẻ hơn so với Trung Quốc. Khi chi phí lao động tăng lên, nhiều công ty đa quốc gia cũng đã dịch chuyển sang các quốc gia lân cận như Việt Nam, Philippines, Campuchia. Sự tăng đột biến về đầu tư sản xuất, chi phí thấp, các quy định ở mức tối thiểu nhằm thu hút FDI đã trở thành động lực không nhỏ cho các nhà đầu tư tiềm năng.

Việt Nam cũng là một thị trường lớn cho các sản phẩm công nghệ. Đất nước này có dân số trẻ, am hiểu công nghệ với độ tuổi trung bình là 30. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ chấp nhận các sản phẩm công nghệ ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các quốc gia khác.

Cuối cùng, nhưng không kém quan trọng, Reid nói rằng Việt Nam có tỷ lệ dân số khởi nghiệp cao hơn so với Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc.

Với bối cảnh công nghệ phát triển được xem là nhanh nhất ở châu Á, các công ty khởi nghiệp ở Việt Nam nhiều khả năng sẽ nhận được số tiền đầu tư ngày càng tăng trong thập kỷ tới.

Theo Hà Thu

Cùng chuyên mục
XEM