Tại sao Trung Quốc vỗ tay ăn mừng Brexit?

25/06/2016 15:19 PM | Kinh tế vĩ mô

Việc cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ rời Liên minh Châu Âu (EU) đã khiến nhiều người chịu thiệt, từ ngành tài chính của nước này cho tới Thủ tướng David Cameron, hay thậm chí là toàn Châu Âu. Tuy nhiên, có lẽ Trung Quốc là người được hưởng lợi lớn nhất từ chiến thắng của Brexit.

Dĩ nhiên, trong ngắn hạn kinh tế Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ Brexit và những biến động của EU, đối tác thương mại lớn thứ 2 của nước này.

Một thị trường biến động sẽ khiến người tiêu dùng EU ít chi tiêu hơn và đây không phải tin tốt chon những nhà xuất khẩu Trung Quốc. Tuy nhiên, xét về dài hạn thì Brexit sẽ đem lại những lợi ích cả về kinh tế lẫn chính trị cho Trung Quốc.

Trước hết, một Liên minh Châu Âu lâm vào khủng hoảng nợ, chế độ quan liêu và tính cạnh tranh kém đã tạo điều kiện cho sự bành trướng của Trung Quốc cả về kinh tế lẫn chính trị. Giờ đây, một EU đang trong nguy cơ tan rã sẽ phù hợp hơn với những lợi ích của cường quốc Châu Á và Trung Quốc sẽ bớt thêm đi một chướng ngại trên con đường thực hiện “giấc mơ Trung Hoa”.

Nguyên nhân chủ yếu khi EU được thành lập là thúc đẩy hòa bình và dân chủ, đồng thời tăng cường ảnh hưởng, sức mạnh và vị thế kinh tế của toàn khối trên thế giới. Các nhà lãnh đạo Châu Âu hiểu rằng họ sẽ mạnh hơn nếu đứng chung một chiến tuyến, có cùng một thị trường và thậm chí là một đồng tiền chung Euro. Rõ ràng, việc đứng đơn lẻ và cạnh tranh lẫn nhau không đem lại lợi ích nào cho các nước thành viên EU.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Anh David Cameron

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Anh David Cameron

Liên minh EU cũng hy vọng việc tập hợp sức mạnh của các thành viên sẽ trở thành một đối trọng đáng kể với các cường quốc trên thế giới, bao gồm Nga, Mỹ và gần đây nhất là Trung Quốc.

Tuy nhiên, Châu Âu đã phải vật lộn với ý tưởng trên khi chủ nghĩa dân tộc nhiều lần thách thức sự đoàn kết của cả khối cũng như giới hạn khả năng thực sự của Eu cả về chính trị lẫn thương mại.

Sự giới hạn này được thể hiện vô cùng rõ trong quan hệ với Trung Quốc. Theo lý thuyết, EU nên sử dụng vị thế và sức mạnh thị trường của mình để buộc chính quyền Bắc Kinh mở cửa hơn nữa và chơi công bằng trong giao dịch thương mại.

Hiện các công ty Trung Quốc đang tha hồ mua lại những công ty công nghệ cao và tiếp cận người dùng Châu Âu, nhưng thị trường Trung Quốc lại bị kiểm soát và tạo lợi thế bất công cho những doanh nghiệp nội địa.

Trên thực tế, các thành viên EU lại bỏ mất vị thế của mình để cạnh tranh nhau giành những khoản đầu tư từ Trung Quốc cũng như những ưu đãi kinh tế mà chính quyền Bắc Kinh cam kết.

Sau khi Thủ tướng Anh Cameron có chuyến thăm Chủ tịch Tập Cận Bình vào năm ngoái, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đến Bắc Kinh nhằm tìm kiếm các giao dịch thương mại và ưu đãi kinh tế cho nước mình.

Rõ ràng, động thái của Trung Quốc đã gián tiếp khiến EU bị phân tán về lợi ích cũng như gây bất đồng quan điểm trong khối. Hay nói cách khác, việc Trung Quốc đối xử với EU như một nhóm các thị trường thay vì là một khối thống nhất đã gián tiếp làm liên mình này đi đến sự rạn nứt.

Các doanh nghiệp Châu Âu đáng lẽ ra đã có lợi thế hơn nếu EU làm tốt vai trò của mình hơn khi đi đến một chính sách chung đối phó với Trung Quốc. Trong khi những công ty Trung Quốc đang tha hồ mua sắm và sáp nhập tại Châu Âu thì Thủ tướng Merkel đã đến Bắc Kinh và chỉ yếu ớt đưa tuyên bố muốn các doanh nghiệp quốc tế có quyền lợi công bằng tại thị trường Trung Quốc.


Nữ hoàng Anh Elizabeth và Chủ tịch Tập Cận Bình

Nữ hoàng Anh Elizabeth và Chủ tịch Tập Cận Bình

Câu chuyện này khá buồn cười khi đáng lẽ ra cả bà Merkel và toàn thể lãnh đạo EU có thể có những biện pháp cứng rắn hơn để buộc Trung Quốc tôn trọng luật chơi thương mại và giành thêm lợi thế cho các công ty nước mình.

Hiện nay, sự kiện Brexit đang làm EU rạn nứt và ảnh hưởng đến hàng loạt các doanh nghiệp cũng như ngân hàng tại đây, qua đó khiến những công ty Trung Quốc ngày càng có lợi thế hơn trên thị trường Châu Âu.

Về chính trị, Brexit đã gián tiếp tăng cường hỗ trợ Trung Quốc bành trướng trên toàn cầu. Hãy lấy Ngân hàng đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) làm ví dụ. Khi Trung Quốc lên kế hoạch thành lập AIIB làm đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB), phía Mỹ đã tích cực phản đối nhưng những nhà lãnh đạo Châu Âu lại vui vẻ gia nhập, qua đó làm giảm khả năng nhượng bộ cũng như tăng vị thế đàm phán của chính quyền Bắc Kinh trước sức ép từ Mỹ.

Với việc bỏ phiếu ủng hộ Brexit, cử tri Anh đã cho thấy một cái nhìn thiển cận về xu thế thay đổi của toàn cầu cũng như không nhận thức hết được những khó khăn khi một quốc gia muốn “chơi một mình”.

Rõ ràng, Brexit không chỉ chỉ khiến Anh và EU mất tình đoàn kết mà còn khiến cả 2 mất đi vị thế vốn có, cả về kinh tế lẫn chính trị, trên toàn cầu.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM