Tại sao tiếng Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành cầu nối giữa các quốc gia?

27/09/2016 13:39 PM | Xã hội

Những tranh cãi liên quan đến tiếng Trung trong thời gian này đang ngày một gia tăng khi vai trò, vị thế của Trung Quốc trong kinh tế, chính trị ngày một lớn hơn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng thứ ngôn ngữ này vẫn không thể thay thế được tiếng Anh để trở thành một ngôn ngữ chính trên toàn cầu, một “Lingua Franca”.

Tiếng Anh vẫn chiếm ngôi vương

Hãy tưởng tượng một người Nga, một người Hàn Quốc, một người Mexico gặp nhau, họ chắc chắn sẽ giao tiếp bằng tiếng Anh dù đây không phải tiếng mẹ đẻ. Nói cách khác tiếng Anh là “Lingua Franca”, thứ ngôn ngữ mọi người dùng rộng rãi khi không có cùng tiếng mẹ đẻ.

Lấy một ví dụ cụ thể hơn, hội nghị hợp tác kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) tại Trung Quốc năm 2014 cũng sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính khi các nguyên thủ nói chuyện. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức tại hội nghị APEC này dù chúng được tổ chức tại Bắc Kinh-Trung Quốc.

Có lẽ, chính những động thái gần đây của các doanh nhân, chính trị gia về tầm quan trọng của Trung Quốc đã khiến nhiều người lầm tưởng tiếng Trung có thể thay thế được tiếng Anh, nhưng điều đó không đúng.

CEO Mark Zuckerberg đã từng gây ấn tượng lớn khi nói bằng tiếng Trung trong chuyến thăm Bắc Kinh. Khi đó, truyền thông dậy sóng về khả năng kinh tế Trung Quốc bùng nổ sẽ thúc đẩy sự lan rộng của tiếng Trung và có thể trở thành đối thủ của tiếng Anh trong vai trò “Lingua Franca”.

Thực tế cho thấy biết tiếng Trung sẽ giúp ích rất nhiều cho các doanh nhân, chính trị gia khi đến làm ăn hay quan hệ với quốc gia này. Điều này cũng tương tự như khi bạn biết tiếng Bồ Đào Nha và đến Brazil làm ăn.

Tuy vậy, vai trò của tiếng Trung chỉ có thể dừng lại ở đó và ngôn ngữ này không thể cạnh tranh được với tiếng Anh, khi Mỹ và các nước Phương Tây vẫn đóng vai trò vô cùng to lớn cũng như có cả một quá trình ảnh hưởng sâu rộng, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, khoa học.

Nhờ sự bành trướng của đế quốc Anh trước đây, tiếng Anh đã được phổ biến ra toàn cầu. Cúng chính nhờ sự phát triển của Anh, Mỹ mà giờ đây nhiều ngôn ngữ sử dụng từ tiếng Anh mà không thèm dịch ra tiếng mẹ đẻ, như “Internet”, “Text”, “Hashtag”...

Một số nghiên cứu cho thấy vào năm 2020, khoảng 2 tỷ người sẽ nói tiếng Anh và hầu hết trong đó được học ngôn ngữ này từ trường lớp chứ không phải là tiếng mẹ đẻ.

Ngoài yếu tố lịch sử, một số chuyên gia cho rằng việc tiếng Anh có tính cân bằng, trung lập cao khiến ngôn ngữ này phát triển hơn so với nhiều thứ tiếng khác. Trong tiếng Anh, sự phân biệt về giới tính, tuổi tác, sự quen thân hay những yếu tố xã hội như thể hiện sự tôn kính, chế giễu... không ảnh hưởng nhiều đến ngữ pháp cũng như cách hành văn.

Trên thực tế, tiếng Anh khá trực tiếp, đơn giản chứ không có quá nhiều quy tắc cũng như lưu ý khi sử dụng.

Thậm chí, nhiều khu vực Hồi giáo, vốn có tư tưởng bài Mỹ cũng sử dụng một phần tiếng Anh bởi sự tiện lợi.

Nói cách khác, việc suy giảm vị thế của Mỹ hay Anh về kinh tế, chính trị thay vì làm giảm tầm quan trọng của tiếng Anh mà lại khiến mọi người nhận ra thứ ngôn ngữ này đã tự động trở thành “Lingua Franca” mà không cần sự tác động từ Phương Tây nữa.

Thậm chí tiếng Pháp, thứ ngôn ngữ được nhiều người Châu Âu sử dụng và là đối thủ tiềm năng của tiếng Anh cũng chưa đủ khả năng để thay thế thứ ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới này. Hàng loạt các công ty Pháp phải đồng ý sử dụng tiếng Anh như là ngôn ngữ quốc tế, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Pháp.

Tiếng Trung không có cửa

Đối với nhiều quốc gia, việc học tiếng Trung quá khó do không dùng cùng hệ thống bảng chữ cái, ngôn ngữ hay khác biệt quá xa về văn hóa. Thậm chí, chính tại Trung Quốc cũng có nhiều thứ tiếng Trung địa phương khác nhau như Hokkien (Phúc Kiến), Cantonese (Quảng Đông)... và tiếng Trung phổ thông (Mandarin) vẫn chưa thể phủ sóng hết toàn bộ đất nước.

Khảo sát của viện nghiên cứu Pew cho thấy các nước láng giềng Trung Quốc như Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản cảm thấy thoải mái khi dùng tiếng Anh hơn tiếng Trung. Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chứ không phải tiếng Trung, dù Trung Quốc được nhiều chuyên gia đánh giá là thành viên không chính thức thứ 13 của tổ chức này.

Một số chuyên gia cho rằng sự bành trướng của Trung Quốc khiến nhiều người quên mất rằng tổng dân số và kinh tế của tổng các nước làng giềng xung quanh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và cộng đồng ASEAN lớn hơn nhiều so với cường quốc này. Do đó không dễ để tiếng Trung có thể ảnh hưởng đến các nước này như thời kỳ đế quốc Anh đã làm để truyền bá ngôn ngữ của họ.

Rõ ràng, tiếng Trung không phải là thứ ngôn ngữ chiếm ưu thế lớn hơn so với tiếng Anh tại các nước làng giềng trên. Vì vậy, dù Trung Quốc có ảnh hưởng thế nào về văn hóa, kinh tế, chính trị, tiếng Trung vẫn khó có khả năng thay thế được vai trò của tiếng Anh.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM