Tại sao Thái Lan sản lượng nhiều nhất Đông Nam Á nhưng chưa bao giờ phải 'giải cứu' lợn?

01/09/2017 10:40 AM | Xã hội

Nếu đem ra so sánh, năm 2012 Thái Lan chỉ cần 15 triệu con lợn để sản xuất 1,1 triệu tấn thịt lợn trong khi Việt Nam cùng với số lợn tương đương chỉ thu về được 0,9 triệu tấn thịt lợn năm 2013. Như vậy, ngành chăn nuôi lợn của Thái cho hiệu quả cao hơn so với Việt Nam.

Năm 2017, Thái Lan là nước chủ nhà của Diễn đàn nông nghiệp chăn nuôi Châu Á (VIV Asia) và không phải ngẫu nhiên quốc gia này được chọn. Trên thực tế, nền nông nghiệp Thái Lan có sự phát triển vượt bậc tại Đông Nam Á, đặc biệt là trong chăn nuôi lợn với khá nhiều hãng nông nghiệp lớn.

Ngành chăn nuôi lợn và buôn bán thịt lợn tại Thái Lan đã được thương mại hóa cao với rất nhiều trang trại lớn tham gia hoạt động. Thậm chí có 2 tập đoàn lớn trong ngành đã đủ tiềm lực cũng như đang có kế hoạch tiếp cận các thị trường láng giềng.

Hơn nữa, sự bùng nổ của ngành du lịch khiến nhu cầu thịt lợn tại Thái Lan cũng đi lên, qua đó cải thiện thu nhập của những người chăn nuôi. Ngành du lịch Thái đã đem về 20% GDP, tương đương 72 tỷ USD và 5,4 triệu việc làm và đây là một trong những yếu tố chủ chốt hỗ trợ ngành thịt lợn.

Dẫu vậy, dù có hệ thống cung cấp và phân phối lớn nhưng ngành chăn nuôi lợn ở Thái Lan vẫn còn gặp nhiều khó khăn do biến động về giá thịt lợn, nguồn cung thức ăn cho lợn cũng như tình hình phòng chống dịch bệnh.

Tại sao Thái Lan sản lượng nhiều nhất Đông Nam Á nhưng chưa bao giờ phải giải cứu lợn? - Ảnh 1.

Tăng trưởng xuất khẩu thịt lợn của Thái Lan (%)

Sự trái ngược giữa Việt Nam và Thái Lan

Tại Thái Lan, thịt lợn được phân chia làm 2 loại chính là lợn thả rông và lợn công nghiệp. Trong khi những con lợn thả rông được chăn nuôi chủ yếu bởi các hộ cá thể nhỏ lẻ thì lợn công nghiệp được nuôi tại những trang trại chăn nuôi lớn với công nghệ hiện đại.

Theo một số ước tính, lợn công nghiệp chiếm từ 50-80% thị trường thịt lợn, cao hơn rất nhiều so với mức dưới 10% của Việt Nam và Campuchia. Điều trớ trêu là trong khi lợn thả rông của Thái Lan chỉ chiếm chưa đến 10% thị trường do các hộ gia đình chủ yếu sử dụng cho nhu cầu cá nhân thì tỷ lệ này lại chiếm tới gần 90% tại các nước như Việt Nam.

Sản lượng của các trang trại cỡ lớn tại Thái Lan đương nhiên cao hơn các hộ gia đình manh mún và đây mới là nguồn cung thịt lợn chính cho thị trường, tạo điều kiện cho các cơ quan dễ quản lý và thống nhất chính sách, giá cả.

Số liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ lợn con trên mỗi lợn cái hàng năm của các trang trại cao hơn 25-50% so với các hộ gia đình, trong khi sản lượng thịt lợn trên mỗi con lợn cái hàng năm cao hơn 100%.

Nếu đem ra so sánh, năm 2012 Thái Lan chỉ cần 15 triệu con lợn để sản xuất 1,1 triệu tấn thịt lợn trong khi Việt Nam cùng với số lợn tương đương chỉ thu về được 0,9 triệu tấn thịt lợn năm 2013. Như vậy, ngành chăn nuôi lợn của Thái cho hiệu quả cao hơn so với Việt Nam.

Năm 2015, tổng sản lượng thịt lợn trong nước của Thái Lan đạt 1,06 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2014 và cao hơn nhiều so với mức 0,92 triệu tấn năm 2009. Năm 2016, dịch bệnh và hạn hán khiến tỷ lệ tăng trưởng sản lượng chỉ đạt xấp xỉ 3% và xuất khẩu thịt lợn nửa đầu năm 2016 chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, do thị trường nội địa chiếm tới hơn 95% lượng tiêu thụ nên những yếu tố này chỉ tác động ngắn hạn lên ngành thịt lợn chứ không tạo nên cơn sốc về giá so với Việt Nam khi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường xuất khẩu.

Nói đến ngành chăn nuôi, không thể không nói đến tập đoàn CPF nổi tiếng kinh doanh trong nhiều mảng nông sản. Tập đoàn này hiện kinh doanh trên 14 quốc gia với tổng doanh số năm 2015 đạt 12 tỷ USD. Một công ty khác cũng không kém cạnh là SDF với hoạt động tại 30 quốc gia khác nhau, doanh thu đạt 3 tỷ USD năm 2015.

Tại sao Thái Lan sản lượng nhiều nhất Đông Nam Á nhưng chưa bao giờ phải giải cứu lợn? - Ảnh 2.

Xuất khẩu thịt lợn chế biến và chưa chế biến của Thái Lan (tấn)

Tại sao Thái Lan không cần trợ giá thịt lợn?

Trong khi người chăn nuôi Việt Nam đang phải chịu thiệt hại nặng nề do những biến động về giá thịt lợn cũng như nhu cầu từ thị trường Trung Quốc, ngành chăn nuôi Thái Lan lại được dự đoán có sự tăng trưởng đầy tiềm năng.

Giá thịt lợn tại Việt Nam đã giảm từ 1,07 USD/pound (tương đương 0,45kg) vào tháng 5/2016 xuống chỉ còn 0,37 USD/pound vào tháng 5/2017. Như vậy, với mức chi phí sản xuất 1,7 USD/pound, giá thịt lợn hiện nay chưa bằng 1 nửa số tiền người chăn nuôi bỏ ra.

Trong khi đó, tại các nước như Philippines, giá thịt lợn lại khá cao, lên tới 1,16 USD/pound. Thậm chí do thiếu nguồn cung, chính phủ Philippines đã quyết định nhập khẩu thêm 7.000 tấn thịt lợn để bình ổn giá cả.

Tại Thái Lan, giá thịt lợn ngoài các chợ dao động trong khoảng 1,49-1,72 USD/pound. Nguyên nhân của việc giữ giá này là do chính phủ Thái Lan kiểm soát chặt chẽ giao dịch thịt lợn với biên giới Lào, Campuchia. Việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu thịt lợn Việt Nam cũng như dư thừa cung trong nước, thịt lợn từ Mỹ tràn sang đã khiến các thương lái Việt Nam xả hàng sang Lào, Campuchia và hướng đến Thái Lan.

Tại sao Thái Lan sản lượng nhiều nhất Đông Nam Á nhưng chưa bao giờ phải giải cứu lợn? - Ảnh 3.

Giá thịt lợn Việt Nam thấp hơn so với rất nhiều quốc gia (USD/pound)

Bên cạnh đó, việc các nông trại lớn là nguồn cung chính trên thị trường khiến chính phủ dễ dàng kiểm soát giả cả hơn. Tất cả lợn trong những trang trại này đều được theo dõi và đánh dấu, khiến cơ quan dễ dàng truy xuất nguồn gốc thịt lợn khi có biến động giá cả. Hơn nữa, những trang trại lợn tại Thái không thể bán phá giá cho các lò mổ do chính phủ thường xuyên kiểm tra và sẵn sàng rút giấy phép nếu phát hiện các trường hợp vi phạm.

Với một thị trường nội địa ổn định cả về nguồn cung lẫn nhu cầu, người chăn nuôi Thái Lan hoàn toàn yên tâm cho sản xuất mà không phải lo lắng nguồn tiêu thụ.

Nhờ những chính sách chặt chẽ này mà các chuyên gia dự đoán ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn của Thái Lan sẽ còn tăng trưởng tốt trong các năm tới bất chấp những biến động trên thị trường thịt lợn khu vực.

BT

Cùng chuyên mục
XEM