Tại sao PepsiCo vẫn hả hê khi loạt sản phẩm từ khoai tây chiên Lay's, trà Lipton, Pepsi, 7 Up bị ngừng bán tại các siêu thị ở nhiều quốc gia?

18/01/2024 09:08 AM | Kinh doanh

Sự xuất hiện của nhân tố thứ 3 khiến cuộc chiến PepsiCo-Carrefour trở nên đầy kịch tính bất ngờ.

(Vân) Tại sao PepsiCo vẫn hả hê khi loạt sản phẩm từ khoai tây chiên Lay's, trà Lipton, Pepsi, 7 Up bị ngừng bán tại các siêu thị ở nhiều quốc gia? - Ảnh 1.

Tờ Financial Times (FT) cho hay chẳng doanh nghiệp nào thích bị "đá", nhất là những thương hiệu quốc tế như PepsiCo.

Thế nhưng trong cuộc chiến với chuỗi siêu thị Carrefour của Pháp, tập đoàn giải khát, thực phẩm và đồ ăn nhẹ này lại chẳng mấy vội vàng giải quyết tình hình khi bên PepsiCo mới là bên đang hưởng lợi.

Sự xuất hiện của nhân tố thứ 3

Trên thực tế, PepsiCo đã ngay lập tức thanh minh sau khi Carrefour – đơn vị điều hành hàng nghìn cửa hàng tại hơn 30 quốc gia cho biết họ sẽ ngừng bán Pepsi, Doritos và các sản phẩm khác ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Bỉ.

Thông tin từ tờ Wall Street Journal (WSJ) cho thấy Carrefour không còn bán các mặt hàng như khoai tây chiên Lay's, Doritos và Cheetos, đồ ăn nhẹ Benenuts, Alvalle gazpacho, trà Lipton, Pepsi, nước ngọt 7 Up và thực phẩm Quaker.

(Vân) Tại sao PepsiCo vẫn hả hê khi loạt sản phẩm từ khoai tây chiên Lay's, trà Lipton, Pepsi, 7 Up bị ngừng bán tại các siêu thị ở nhiều quốc gia? - Ảnh 2.

Thế nhưng PepsiCo cho biết chuỗi siêu thị này vẫn bám sản phẩm của hãng tại Pháp dù đã qua vài ngày kể từ tuyên bố không chấp nhận mức giá cung ứng của hãng.

Thậm chí PepsiCo còn cho hay chính họ mới là bên "đá" Carrefour, quyết định ngừng cung cấp cho các cửa hàng tại châu Âu của chuỗi siêu thị này vì hai bên chưa đạt được thỏa thuận về một hợp đồng mới, qua đó chấp nhận mất 0,25% doanh thu toàn cầu.

Câu chuyện đến đây sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không xuất hiện nhân tố thứ 3, đó là chính phủ Pháp.

Đầu tiên, chính quyền Paris đã yêu cầu các bên phải đạt thỏa thuận vào cuối tháng này thay vì tháng 3 như kế hoạch trước đó. Điều này làm khó cho Carrefour khi PepsiCo có thể chấp nhận mất 0,25% doanh thu để giữ giá.

Hiện Pháp đang nỗ lực hạ nhiệt thị trường khi lạm phát giá thực phẩm tăng mạnh lên mức hai chữ số vào năm 2022 và đạt gần 16% vào tháng 3/2023.

Tiếp đó, Pháp đã thông qua bộ luật mới nhằm hạn chế tìm nguồn cung sản phẩm của các nhà bán lẻ, đồng thời hạn chế mức giá sàn cho nhiều mặt hàng. Quy định mới thậm chí hạn chế mức giảm giá bán lẻ tối đa cho sản phẩm sức khỏe, sắc đẹp và vệ sinh ở 34%.

Mục đích của luật mới là nhằm bảo hộ các nhà cung ứng nhỏ địa phương khỏi bị các hãng phân phối lớn như Carrefour chèn ép. Đồng thời với đó, chính quyền Paris cũng muốn hạ giá nhu yếu phẩm xuống nhằm đối phó với áp lực từ cử tri.

Lạm phát ở Pháp đã lên mức cao kỷ lục trong năm 2023 và không một chính trị gia nào muốn chứng kiến hàng loạt các vụ bạo động, biểu tình như hồi năm 2018-2020.

Chính việc đẩy nhanh áp lực hạ giá trên nhằm đối phó với cử tri đã khiến Carrefour gặp khó khăn. Chuỗi siêu thị này sẽ bị phạt nặng nếu không tuân thủ quy định, nhưng lại chẳng thể ép buộc những nhà cung ứng như PepsiCo hạ chi phí.

(Vân) Tại sao PepsiCo vẫn hả hê khi loạt sản phẩm từ khoai tây chiên Lay's, trà Lipton, Pepsi, 7 Up bị ngừng bán tại các siêu thị ở nhiều quốc gia? - Ảnh 3.

Quyền lực của PepsiCo

Theo FT, các nhà bán lẻ tại Pháp bị ràng buộc bởi quá nhiều quy định khắt khe, khiến những nhà cung ứng như PepsiCo trở nên đầy quyền lực.

Với danh tiếng của mình, PepsiCo có lượng lớn khách hàng trung thành và có thể tăng giá để bù đắp chi phí, để mặc các nhà bán lẻ phải tự giải quyết với chính phủ.

Số liệu của Kantar cho thấy giá khoai tây chiên Lay’s-PepsiCo đã tăng 25% trong 12 tháng, tính đến tháng 9/2023.

Hiện PepsiCo đang yêu cầu tăng tiếp 7% giá sản phẩm của họ và điều này khiến Carrefour không thể chấp nhận khi bị kẹp giữa 2 đầu, một bên là nhà cung ứng còn bên kia là chính phủ.

Nguồn tin của FT cho hay sản phẩm khoai tây chiên Lay’s này đã tăng tổng cộng 30% trong vòng 2 năm qua, làm xói mòn lợi nhuận của những nhà bán lẻ như Carrefour.

Giám đốc điều hành (CEO) Alexandre Bompard của Carrefour cho biết các nhà cung ứng hưởng tỷ suất lợi nhuận trên 15% trong khi phía bán lẻ phải vật lộn với con số dưới 5%, tạo nên sự bất công trên thị trường.

Vào tháng 9/2023, hãng Carrefour đã đính kèm nhãn cảnh báo người mua hàng về "shrinkflation" khi các mặt hàng bị thu nhỏ về kích cỡ hoặc số lượng, hoặc thậm chí đôi khi thay đổi công thức, giảm chất lượng trong khi giá của mặt hàng trên vẫn như cũ hoặc tăng thêm.

Trong số đó bao gồm các sản phẩm của PepsiCo như khoai tây chiên Lay's hay trà Lipton.

Sản phẩm của PepsiCo bị dán nhãn "shrinkflation" tại Carrefour 

Theo WSJ, Carrefour và PepsiCo đã đàm phán trong suốt 6 tháng qua. PepsiCo cảnh báo Carrefour rằng nếu hai bên không có hợp đồng vào cuối năm 2023, PepsiCo sẽ ngừng cung cấp cho Carrefour và nguồn cung sẽ cạn kiệt vào ngày 31/12.

Theo FT, dù kêu ca là vậy nhưng cuối cùng có lẽ Carrefour sẽ phải cúi đầu trước PepsiCo.

Người tiêu dùng nếu không mua được sản phẩm của PepsiCo tại Carrefour thì sẽ chuyển sang nhà bán lẻ khác và đây mới thực sự là cơn ác mộng cho hãng siêu thị Pháp.

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên PepsiCo ngưng cung cấp cho một nhà bán lẻ trong quá trình đàm phán về giá. PepsiCo đã tạm ngừng chuyển hàng cho Loblaw ở Canada trong hơn một tháng vào năm 2022.

Năm 2022, Kraft Heinz tạm ngừng cung cấp đậu, súp và sốt cà chua cho Tesco, một trong những nhà bán lẻ lớn nhất thế giới.

Trong khi cuộc chiến này vẫn chưa được kết thúc, Mars tạm ngừng cung cấp cho Tesco thức ăn cho mèo Whiskas, thức ăn cho chó Pedigree và các thương hiệu chăm sóc thú cưng khác.

*Nguồn: FT, WSJ

Băng Băng

Từ khóa:  pepsi , siêu thị
Cùng chuyên mục
XEM