Tại sao nhiều người lại chi tiêu quá tay trong kỳ nghỉ của họ?

15/10/2017 10:54 AM | Sống

Nhiều người trở về từ những kỳ nghỉ với các hóa đơn thẻ tín dụng cao hơn dự kiến. Theo thống kê năm 2017 của trang web về tài chính cá nhân Learnvest, ở Mỹ, mức chi tiêu quá mức chiếm một phần không nhỏ trong thu nhập gia đình. 74% người Mỹ thừa nhận rằng đã nợ hơn 1100 USD sau khi trở về từ kỳ nghỉ lễ. Có nhiều nguyên nhân khiến cho nhiều người tiêu dùng quá mức trong những chuyến du lịch của họ.

Theo nghiên cứu thực hiện bởi Hiệp hội các công ty du lịch của Anh, ở quốc gia này, nhiều du khách đã chi tiêu trung bình 718 USD/người trước khi họ rời khỏi đất nước cho bất cứ thứ gì từ các sản phẩm miễn thuế cho đến quần áo liên quan đến chuyến đi.

Brad Klontzm, một nhà tâm lý học và cố vấn tài chính ở Hawaii làm việc với khách hàng về vấn đề chi tiêu, cho biết: “Tôi đã tiếp xúc với nhiều người không gặp vấn đề gì về tài chính – trừ khi họ đi du lịch.”

Tại sao nhiều người lại chi tiêu mất kiểm soát khi đi du lịch?

Theo Klaus Wertenbroch, giáo sư marketing tại trường kinh doanh INSEAD ở Singapore, cho rằng có rất nhiều nguyên nhân mang tính tiềm thức đằng sau việc chi tiêu nhiều vào các kỳ kỳ nghỉ và khó có thể kiểm soát chúng.

Thứ nhất, sự khác biệt về tiền tệ có thể đánh lừa bạn chi tiêu nhiều hơn ở nước ngoài. Một nghiên cứu vào năm 2007 do ông đồng tác giả tìm ra rằng giá trị danh nghĩa của tiền mặt ảnh hưởng đến cách mọi người nhận thức giá trị thật của nó. Nếu bạn đang ở một quốc gia nơi mệnh giá của đồng ngoài tệ chỉ bằng một phần của nội tệ, bạn dễ chi tiêu nhiều hơn.

Ví dụ, nếu bạn du lịch từ Canada đến Indonesia, một đồng đôla Canada có giá trị khoảng 10.800 rupiah. Theo Wertenbroch, bạn có xu hướng chi tiêu quá tay với một chiếc ví đựng những tờ tiền có mệnh giá cao, vì bạn có xu hướng đánh giá thiên vị mệnh giá trên những tờ ngoại tệ hơn giá trị thực của chúng.

Điều này đồng nghĩa với việc dù cùng giá trị là 100 CAD, thì du khách Canada sẽ thấy việc tiêu 1.080.000 rupiah rẻ hơn tiêu tiền nội tệ.

“Malleable mental accounting” (kế toán nhận thức dễ bị tác động) là nguyên nhân thứ hai khiến du khách thường chi tiêu quá mức trong kỳ nghỉ. Khách du lịch dễ đặt ra một ngân sách không thực tế, quá thấp hoặc quá cao, khiến cho họ dễ chi tiêu nhiều hơn. Chúng ta có xu hướng biện minh cho việc chi tiêu của mình bằng cách đổ cho hoàn cảnh thay vì bám vào một kế hoạch kiểm soát chi tiêu đã được định sẵn.

Ví dụ, bạn lên kế hoạch chỉ chi tiêu 100 USD/ngày vào kỳ nghỉ, bạn có thể chi thêm 30 USD cho thực phẩm bằng cách coi thực phẩm là mặt hàng tiêu dùng hàng ngày chứ không phải mặt hàng chỉ được mua trong kỳ nghỉ lễ. Kết quả là nhiều người đã tự bào chữa cho hành động chi tiêu vượt ngân sách này mà không nhận ra rằng họ đã chi tiêu nhiều hơn khi ở nhà.

Theo Esta Shah, giáo sư marketing tại trường đại học Cincinnati, kể cả những người đặt ra ngân sách chặt chẽ cho kỳ nghỉ cũng thất bại trong việc kiểm soát chi tiêu của mình. Ví dụ, một người dành ra 1000 USD cho một chuyến đi kéo dài một tuần. Do người đó dành ra quá nhiều tiền để chi tiêu và vẫn còn 500 USD vào ngày cuối cùng, hiệu ứng ‘cấp phép’ hay cảm giác ‘chưa đạt chỉ tiêu’ khiến cho việc vung tiền chi tiêu vào ngày trước khi bay về nhà trở nên dễ xảy ra hơn.

Thêm vào đó, theo Deepak Chhabra, phó giáo sư về du lịch tại trường đại học bang Arizona, cảm giác chịu áp lực về mặt thời gian trong các tình huống đòi hỏi quyết định nhanh chóng cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định chi tiêu của bạn. Cho dù đó là tìm kiếm một món quà lưu niệm độc nhất hoặc phung phí vào một bữa ăn tối, thì chính quan điểm sống ngắn hạn trong kỳ nghỉ có thể khiến bạn chi tiêu quá tay.

Nơi bạn sinh sống cũng ảnh hưởng đến độ dài kỳ nghỉ hay thời gian chi tiêu trong kỳ nghỉ của bạn. Theo một nghiên cứu năm 2016 của Expedia, những người dân Mỹ, Nhật và Hàn Quốc ít sử dụng hết các ngày nghỉ phép của họ hơn so với người châu Âu. Và Chhabra cho rằng những người dành ra ít thời gian cho các kỳ nghỉ thường chi tiền phung phí hơn so với những người có kỳ nghỉ lễ dài hơn.

Cuối cùng, việc theo dõi các chuyến đi của bạn bè/người thân thông qua các phương tiện truyền thông xã hội có thể thôi thúc một dạng của hội chứng FOMO (Fear of missing out – sợ bị bỏ lỡ). Hội chứng này có thể ảnh hưởng đến những khách du lịch, đặc biệt là những người trẻ tuổi, khiến họ chi tiêu quá mức vì nhóm tuổi này có xu hướng coi trọng trải nghiệm nhiều hơn các thế hệ khác.

Ngoài ra, theo Chhabra, việc chứng kiến người quen bỏ tiền để du lịch có thể là một động lực lớn hơn để chi tiêu quá tay khi đi du lịch hơn là khi nhìn những mẩu quảng cáo, vì bạn muốn ‘ngang tầm’ với những người khác.

Làm thế nào để kiểm soát chi tiêu trong kỳ nghỉ?

Shah gợi ý rằng thay vì tạo ra một ngân sách dựa trên những gì bạn sẽ định chi tiêu, hãy coi kỳ nghỉ như những ngày thường.

Làm quen với đồng ngoại tệ và giá cả của một số mặt hàng ở quốc gia đó trước khi chuyến đi bắt đầu. Đọc về chi phí phương tiện di chuyển, thực phẩm và giải trí có thể biến giá cả quen thuộc với bạn khi chuyến đi thực sự bắt đầu. Thiết lập ngân sách hằng ngày thay vì một tuần dựa vào tìm hiểu của bạn về chi phí thực phẩm, đi lại, các hoạt động khác và đồ bạn định mua trong khi đi du lịch để dễ dàng theo dõi ngân sách hơn.

Cuối cùng, theo Shah, cố gắng chi trả tín dụng cho kỳ nghỉ trong một khoảng thời gian ngắn, các khoản chi phí bay và chỗ ở, nếu để kéo dài trong một vài tháng, làm cho bạn dễ quên đi bao nhiêu tiền bạn đã chi tiêu cho kỳ nghỉ của mình.

Theo K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM