Tại sao mùa hè chúng ta nằm trong điều hòa mà vẫn khó ngủ?

07/07/2018 15:40 PM | Xã hội

Theo David Brodner, một chuyên gia hàng đầu về giấc ngủ tại Florida, thì mùa hè có thể ảnh hưởng xấu đến nếp ngủ của chúng ta theo nhiều cách, cả về mặt sinh học lẫn mặt xã hội.

Mùa hè thật là tuyệt. Chúng ta có thể nằm phơi mình bên bể bơi hoặc trên bãi biển cả ngày (miễn là bạn có bôi kem chống nắng) và mọi người nhìn chung đều cảm thấy vui vẻ, phấn khởi hơn.

Nhưng mùa hè cũng mang đến nhiều vấn đề. Những ngày dài nóng bức rất tuyệt với cuộc sống xã hội nhưng lại gây khó khăn cho giấc ngủ của chúng ta.

Theo David Brodner, một chuyên gia hàng đầu về giấc ngủ tại Florida, thì mùa hè có thể ảnh hưởng xấu đến nếp ngủ của chúng ta theo nhiều cách, cả về mặt sinh học lẫn mặt xã hội.

Ánh sáng và hormone

Lý do đầu tiên gây khó ngủ trong mùa hè chính là hormone của chúng ta. Đặc biệt, quá trình sản xuất melatonin (hormone được cơ thể tạo ra để khiến chúng ta buồn ngủ khi trời tối) chịu tác động của ánh sáng mặt trời, nó đi vào mắt chúng ta và bảo bộ não phải tỉnh táo.

Khi mặt trời lặn và trời tối dần, mức melatonin ở người tăng lên, chúng ta cảm thấy mệt mỏi và đó là dầu hiệu đã đến lúc cần đi ngủ.

"Vào mùa hè ngày dài hơn, vì thế dù muộn chúng ta vẫn bị kích thích bởi ánh sáng mặt trời", Brodner giải thích. "Do đó sự kích thích sản sinh melatonin bị đình trệ và cơ thể không cảm thấy muốn đi ngủ cho đến tận khuya".

Khi ngày dài ra, nếp ngủ tự nhiên của chúng ta, hay còn gọi là nhịp sinh học, bị trễ lại.

Tại sao mùa hè chúng ta nằm trong điều hòa mà vẫn khó ngủ? - Ảnh 1.

Các trang thiết bị máy móc trong nhà…

Lý do thứ hai chính là các loại thiết bị trong nhà – điện thoại, máy tính bảng và TV. Chúng không chỉ phát ra ánh sáng khiến ta không thấy buồn ngủ mà thứ ánh sáng xanh này còn là phần kích thích nhất của ánh sáng mặt trời, khiến cho bộ não bị ảnh hưởng và quá trình sản sinh melatonin cũng vậy.

Thứ ba, ở một số nơi trên thế giới, mọi người không phải ai cũng có điều hòa nhiệt độ để chống chọi với cái nóng. Trời nóng rất khó ngủ vì khi cơ thể sẵn sàng đi ngủ, nhiệt độ cơ thể còn giảm đi, vì thế ta càng thấy nóng hơn.

Lý do thứ tư là lịch sinh hoạt mùa hè. Khi các trường học nghỉ hè, những gia đình có con nhỏ sẽ cho chúng thức khuya hơn (vì không phải dậy sớm để đi học), nhưng lịch sinh hoạt và làm việc của cha mẹ thì vẫn vậy. Vì thế nếp sinh hoạt thường nhật sẽ bị đảo lộn vào mùa hè và cha mẹ cũng phải thức khuya hơn cùng lũ trẻ.

...và các loại đồ uống có cồn

Tinh thần phấn khởi và tâm lý nghỉ xả hơi vào mùa hè cũng khiến người ta uống rượu nhiều hơn, và đây cũng là lý do thứ năm gây khó ngủ.

Lý do sinh hóa cho hiện tượng này là vì chất cồn làm giảm chất lượng ngủ sâu. Đó là giai đoạn bộ não có cơ hội sắp xếp lại mọi thứ xảy ra trong ngày, lưu giữ các ký ức và loại bỏ những thứ không đáng nhớ.

"Khi bạn uống rượu, bạn thấy buồn ngủ và chìm ngay vào giấc ngủ", Brodner nói. "Nhưng khoảng 3-4 tiếng sau, lúc chất cồn đã tan bớt, lúc này nó có tác dụng ngược lại và khiến người ta thức giấc".

Người ta có thể thấy mình tỉnh dậy giữa đêm sau khi uống rượu và rất khó ngủ lại. Lúc đó họ cũng không cảm thấy dễ chịu: miệng khô, tim đập nhanh và đau đầu, vì thế việc đi ngủ lại càng khó.

Những điều bạn có thể làm để cải thiện tình hình

Bạn có thể cho rằng thiếu ngủ chỉ khiến bạn mệt mỏi, chậm chạp và cáu bẳn một chút. Nhưng thực ra thiếu ngủ ảnh hưởng rất mạnh đến sức khỏe và cơ thể chúng ta. Để tránh ở vào tình trạng đó, hãy tránh xa các loại màn hình vào buổi tối, hạn chế tiêu thụ các loại đồ uống có cồn và đảm bảo rằng phòng ngủ của bạn tối, có nhiệt độ vừa phải (16 đến 20 độ C).

"Nếu bạn phải thức dậy, hãy cố gắng lấp đầy không gian xung quanh bằng ánh sáng tự nhiên. Nếu mặt trời đã ló rạng thì tốt nhất nên ra ngoài đi dạo hoặc chạy bộ… Tôi thường khuyên mọi người đến phòng tập vì nó có rất nhiều tác dụng tích cực, cả những người xung quanh bạn nữa. Và đây cũng là một cách rất hay để khiến cơ thể tỉnh táo nhờ tăng cường trao đổi chất", Brodner nói.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM