Tại sao chúng ta thấy đau trong mơ, và vẫn còn đau ngay cả khi đã thức dậy?

07/06/2019 08:59 AM | Khoa học

Một lần nọ, tôi mơ thấy một đàn ong bắp cày tấn công chân tôi. Khi thức dậy, chân tôi vẫn còn nóng rát và đau nhói.

Ánh nắng hoàng hôn tràn vào mọi ngóc ngách của ngôi nhà xa lạ. Tôi đang đứng trong đó, đối mặt với một hành lang dài, trống trải. Không có lấy một ô cửa sổ hoặc lối đi nào khác. Chỉ có những bức tường trắng và một cánh cửa ở phía đối diện. Tim tôi đã nhảy loạn lên cả cổ họng. Tôi cần phải rời khỏi đây.

Câu chuyện nghe có vẻ giống bất kỳ giấc mơ nào mà một người bình thường có thể gặp. Ngoại trừ một điểm, giấc mơ của tôi có một nút thắt: ở đó một nỗi đau thể xác ghê gớm sẽ xuất hiện.

Trong khoảnh khắc mà tôi cố chạy thật nhanh xuống cuối hành lang, cứ mỗi bước chân đặt xuống thì cánh cửa dường như lại trượt ra xa. Tôi càng cố chạy nhanh hơn nữa, tập trung hơn nữa để đánh bại bất cứ trò chơi nào mà giấc mơ này đang bày ra.

Nhưng tôi vẫn không thể để ý thấy một thứ gì đó đang rình rập tôi trong bóng tối, cho đến khi quá muộn. Nó nhảy bổ ra, nắm lấy mắt cá nhân của tôi. Cả cơ thể tôi xoài ra nền nhà, tôi thấy mặt mình cà trên mặt đất.

Tại sao chúng ta thấy đau trong mơ, và vẫn còn đau ngay cả khi đã thức dậy? - Ảnh 1.

Cứ mỗi khi tôi chợp mắt và mơ, giấc mơ sẽ gài vào đó một tình huống đau đớn khủng khiếp

Lúc này, hoàng hôn đã rút xuống chỉ để lại một thứ ánh sáng le lói mờ dần vào nền trời đầy sao. Tôi cảm thấy một cơn đau dữ dội đi xuyên qua đầu mình, từng cơn gió thổi qua, đâm vào và xé toạc những dây thần kinh ra một cách đau đớn.

Một thứ gì đó ấm áp nhỏ giọt xuống mặt tôi. Máu. Tôi thức dậy, không thể thở được và vẫn đắm chìm trong những cảm xúc. Giữa mớ hỗn độn đó, vẫn còn một cảm giác nổi bật: Tôi cảm thấy cơn đau vẫn còn chưa tan hết.

Những trải nghiệm của tôi - cảm giác đau đớn về thể xác trong giấc mơ – không thực sự phổ biến, Benjamin Baird, nhà nghiên cứu tại Trung tâm giấc ngủ và ý thức tại Đại học Wisconsin-Madison nói.

Cảm giác đau đớn ngay cả khi đã thức dậy thậm chí còn hiếm hơn nhiều - nhưng điều đó vẫn xảy ra với tôi và với một số người khác.

PiroLargo, một tài khoản Reddit cũng kể về nó trong một chủ đề thảo luận liên quan đến giấc mơ. Anh ấy nói trong mơ hàm răng mình đã bị rơi ra từng mảnh: "Tôi có thể cảm thấy những chiếc răng bật ra, đau nhói. Tôi cũng có thể cảm nhận được sức nóng của dòng máu đỏ sẫm chảy ra từ miệng mình".

Một số người dùng khác hưởng ứng câu chuyện bằng cách kể lại trải nghiệm của chính họ về cảm giác đau đớn trong giấc mơ, thứ vẫn còn có thể cảm thấy được sau khi họ thức dậy.

"Một lần nọ, tôi mơ thấy một đàn ong hay ong bắp cày gì đó tấn công chân tôi. Khi tôi thức dậy, chân tôi nóng rát và đau nhói. Cảm giác ấy rất đau", Piper Andrew, một người dùng Reddit sở hữu tài khoản SpiderWifey cho biết.

Tại sao chúng ta thấy đau trong mơ, và vẫn còn đau ngay cả khi đã thức dậy? - Ảnh 2.

Nhưng nỗi đau mà chúng ta cảm thấy trong giấc mơ là có thật, hay tất cả chỉ là tưởng tượng của chúng ta?

Tần suất và bản chất của nỗi đau trong giấc mơ vẫn là điều bí ẩn ít được biết đến. Một nghiên cứu từ năm 1998 đã yêu cầu 185 người tham gia ghi lại giấc mơ của họ trong hai tuần liên tiếp.

Tổng cộng có 3.045 giấc mơ đã được báo cáo. 18 trong số những giấc mơ này chứa đựng những tham chiếu rõ ràng đến trải nghiệm đau. Những nỗi đau mà người tham gia cảm thấy được mô tả là dữ dội. Chúng thường tấn công một khu vực cụ thể trên cơ thể, và thường là kết quả của một cuộc gặp gỡ bạo lực với một nhân vật khác trong mơ.

Nhưng nỗi đau mà chúng ta cảm thấy trong giấc mơ là có thật, hay tất cả chỉ là tưởng tượng của chúng ta?

"Tôi cho rằng ngay cả những cơn đau "thật nhất" trong mơ cũng chỉ là thứ gì đó bên trong đầu bạn mà thôi", Erin Wamsley, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Furman Nam Carolina cho biết.

Trải nghiệm có ý thức về cơn đau xảy ra khi các khu vực liên quan đến cơn đau trong vỏ não của bạn - lớp ngoài cùng của não chịu trách nhiệm cho ý thức và các quá trình suy nghĩ cao hơn – bật dậy hoạt động.

Ví dụ, khi bạn bị chấn thương trong mơ rồi đột ngột thức dậy, như bị dập ngón chân chẳng hạn, điều này thường kích hoạt các thụ thể đau trong hệ thống thần kinh ngoại biên. Nói cách khác, bạn cảm thấy đau trong não chứ không phải ở ngón chân.

Trong khi bạn ngủ các vùng cảm giác của não sẽ hoạt động mà không cần đầu vào từ các cơ quan khác. Đây là lý do tại sao khi mơ, bạn có thể nhìn thấy mà không có photon nào đập vào võng mạc ở mắt, có thể nghe mà không có sóng âm nào làm rung màng nhĩ, Wamsley nói.

Từ quan điểm này, không có gì đáng ngạc nhiên khi mọi người nói rằng mình cảm thấy đau đớn trong giấc mơ.

Tại sao chúng ta thấy đau trong mơ, và vẫn còn đau ngay cả khi đã thức dậy? - Ảnh 3.

Trong khi bạn ngủ các vùng cảm giác của não sẽ hoạt động mà không cần đầu vào từ các cơ quan khác.

Vậy là trải nghiệm cơn đau – cả khi thức hay trong giấc mơ – đều là kết quả của não bộ. Nhưng khoa học về cơn đau đó vẫn là một vùng đất hoang dã chưa được khám phá. Theo Baird, các chuyên gia gọi đây là vấn đề khó khăn của ý thức.

"Nghiên cứu gần đây của chúng tôi ủng hộ suy nghĩ rằng hoạt động thần kinh liên quan đến cảm giác hoặc trải nghiệm đau đớn trong giấc mơ có thể giống hệt, hoặc ít nhất là rất giống với hoạt động thần kinh liên quan đến cảm giác đau đớn ngoài đời thực", Baird nói.

Sự khác biệt chính giữa hai cảm giác này, đó là trong giấc mơ, bạn không thực sự đốt ngón chân của mình và do đó không có thiệt hại vật lý nào.

Nhưng tại sao một số người có những giấc mơ sống động như vậy, bao gồm cả cảm giác về nỗi đau, trong khi những người khác thì không, họ còn chẳng nhớ nổi mình đã mơ và cảm thấy gì?

Wamsley nói rằng không ai biết chính xác lý do tại sao một số giấc mơ sống động hơn những giấc mơ khác, nhưng có một số yếu tố ảnh hưởng đến trải nghiệm mơ, bao gồm thời gian của đêm, giai đoạn ngủ và lịch sử giấc ngủ.

Những giấc mơ vào đêm muộn, gần sáng sớm và những giấc mơ xảy ra trong giai đoạn ngủ REM có xu hướng sống động hơn. Giấc mơ trong giấc ngủ phục hồi, xảy ra sau một thời gian bạn thiếu ngủ cũng có xu hướng dữ dội.

"Những yếu tố này có thể đặt trong mối liên quan với nhau, chỉ ra thời gian ngủ nào kích hoạt vỏ não ở mức dộ lớn hơn, liên quan đến những giấc mơ sống động hơn", theo Wamsley nói.

Tại sao chúng ta thấy đau trong mơ, và vẫn còn đau ngay cả khi đã thức dậy? - Ảnh 4.

Hoạt động thần kinh liên quan đến trải nghiệm đau đớn trong giấc mơ có thể giống hệt ngoài đời thực

Đối với tôi, liên tục gặp những giấc mơ đau đớn, và phải trải nghiệm cảm giác ấy ngay cả khi thức dậy đã khiến tôi thấy lo lắng và sợ hãi. Có những đêm, tâm trí tôi cứ loạn lên không ngủ được. Và tôi cảm thấy lồng ngực mình thắt chặt lại. Tôi hoang mang về những gì sẽ diễn ra khi tôi ngủ thiếp đi.

Gardner Eeden, tác giả của cuốn sách "Giấc mơ Lucid: Thức tỉnh trong thế giới của những giấc mơ", đã viết rất nhiều về những giấc mơ lặp đi lặp lại có thể ảnh hưởng đến sức khỏe cảm xúc của chúng ta như thế nào.

"Trải nghiệm trong giấc mơ chắc chắn có thể khiến cơ thể bạn phản ứng. Bạn có bao giờ thức dậy sau cơn ác mộng với trái tim đập loạn hay bạn đổ mồ hôi không?", Gadner cho biết những cảm giác vật lý ấy có thể thay đổi khác nhau tùy từng người.

Nỗi đau mà tôi cảm thấy khi cạ mặt mình xuống sàn nhà trong giấc mơ là vô cùng mãnh liệt và rất thật. Nó bắt đầu như một tác động đau đớn và tiếp tục nhói lên cho đến khi tôi thức dậy trong đau khổ.

Đôi khi, tôi vẫn có thể cảm nhận được cảm giác nhói ở trán trong khoảng nửa giờ sau khi thức dậy. Nỗi thống khổ về tinh thần khi trải qua một cuộc tấn công, và sự nhầm lẫn khi mang một vết thương từ trong mơ ra ngoài đời thực còn khó chịu hơn cả bản thân nỗi đau ấy.

May mắn thay Baird nói có một liệu pháp được gọi là hành vi nhận thức (CBT), một loại trị liệu nói chuyện phổ biến có thể điều trị những cơn ác mộng kinh niên và tỏ ra khá hiệu quả. Hay liệu pháp luyện tập hình ảnh (IRT), một phương pháp điều trị nhận thức hành vi, trong đó bạn nhớ lại những cơn ác mộng của mình và thay đổi đoạn kết của chúng theo hướng ít đáng sợ hơn, có thể làm giảm bớt các dạng ác mộng và sự đau khổ.

Tại sao chúng ta thấy đau trong mơ, và vẫn còn đau ngay cả khi đã thức dậy? - Ảnh 5.

Trong một giấc mơ sáng suốt hay giấc mơ Lucid, bạn nhận thức được rằng mình đang mơ và có thể kiểm soát và thay đổi môi trường của bạn.

Bên ngoài môi trường lâm sàng, Gadner gợi ý sử dụng một kỹ thuật mà bản thân anh áp dụng và thấy có hiệu quả: kiểm soát trải nghiệm mơ thông qua các kỹ thuật để có giấc mơ Lucid .

Trong một giấc mơ sáng suốt hay giấc mơ Lucid, bạn nhận thức được rằng mình đang mơ và có thể kiểm soát và thay đổi môi trường của bạn.

"Bạn thấy mình đang ở trong một ngôi nhà tối, nhưng bạn có thể làm cho nó sáng lên. Nếu có một thứ gì đó vươn ra định tóm lấy bạn. Hãy bắt nó, đập nó, la mắng nó. Hãy tưởng tượng nó thực sự có thể là gì và gán cho nó một khuôn mặt. Đừng hoảng sợ. Hãy đứng vững và đối đầu với nó. Thay đổi nó. Hãy tự thuyết phục bản thân rằng nó không có quyền lực điều khiển bạn", Gadner nói.

Sau khi tìm hiểu và biết được rằng trải nghiệm về nỗi đau - cả bên trong và bên ngoài giấc mơ - chỉ là thứ sinh ra trong đầu tôi mà thôi, tôi cũng đã cảm thấy nhẹ nhõm khi biết rằng những phản ứng cảm xúc và thể chất của tôi là thứ có thật và được khoa học giải thích.

Tôi cũng thấy hết sức an ủi khi biết rằng nhiều người khác cũng đang tìm cách để chống lại điều này. Nhưng rốt cuộc cơn đau là một trải nghiệm rất khó chịu. Tôi chỉ ước đầu óc mình đừng vẽ ra những hình ảnh như trong truyện của Stephen King nữa.

Theo ZKnight

Cùng chuyên mục
XEM