Tại sao châu Âu muốn chấm dứt áp dụng giờ mùa hè?

08/04/2019 10:33 AM | Xã hội

Ý tưởng về quy ước giờ mùa hè ra đời từ thế kỷ 18, được áp dụng trong thực tế từ chiến tranh thế giới thứ nhất. Nhưng gần đây, EU đã quyết định chấm dứt áp dụng quy ước lâu đời này kể từ năm 2021.

Đôi khi quyết định thay đổi múi giờ có thể mang tính chất chính trị. Bất chấp lãnh thổ rộng thổ rộng lớn của mình, Trung Quốc chỉ có một múi giờ theo thời gian của Bắc Kinh, một quyết định được Mao Trạch Đông đưa ra vào năm 1949 để đảm bảo sự thống nhất. Trong gần 3 năm gần đây, Triều Tiên sử dụng múi giờ của riêng mình, chậm hơn 30 phút so với nước láng giềng ở phía nam.

Nhưng thông thường, các quốc gia thay đổi múi giờ vì lý do thực tế. Khoảng 70 quốc gia, chủ yếu ở châu Mỹ và châu Âu, áp dụng Quy ước giờ mùa hè (Daylight Saving Time – DST) trong những tháng mùa hè. Những đồng hồ ở châu Âu vừa tiến về phía trước thêm 1 giờ vào ngày 31/3. Tuy nhiên, EU đã bỏ phiếu chấm dứt áp dụng quy ước lâu đời này từ năm 2021.

Vào thế kỷ 18, Benjamin Franklin đã đưa ra ý tưởng chỉnh đồng hồ tiến về phía trước vào mùa hè. Nhưng quy ước này lần đầu được đưa vào thực tế trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Đức, Pháp và Anh đã tính toán rằng bằng cách thêm 1 giờ ánh sáng ban ngày vào buổi tối, than có thể sẽ được tiết kiệm, hỗ trợ quá trình chiến đấu.

Các lợi ích sau này bao gồm gia tăng chi tiêu của người tiêu dùng, vì người mua hàng được khuyến khích ở lại muộn hơn vào buổi tối. Quy ước giờ mùa hè cũng được cho rằng có liên hệ với giảm tỷ lệ phạm tội.

Bất chấp những lợi ích đó, quy ước giờ mùa hè không được lòng người dân. EU tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến người dân, thu về gần 5 triệu phản hồi. Hơn 80% muốn loại bỏ quy ước giờ mùa hè.

Một số lý do đã được đưa ra dù chưa được chứng minh một cách thuyết phục. Nhiều nhà khoa học cho rằng thay đổi múi giờ gây rối loạn nhịp sinh học của con người, giống như “một liều nhỏ jetlag”. Điều này có thể làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Nó cũng có thể tăng khả năng tai nạn ô tô, vì các tài xế thường đi lại vào ban ngày, nhưng đột nhiên phải lái xe trong bóng tối (hoặc ngược lại). Thêm vào đó, năng suất có thể đi xuống.

Có lẽ, bất tiện nhất cho các doanh nghiệp là các quốc gia có thể thay đổi đồng hồ của họ tại các thời điểm khác nhau. Nước Mỹ đã thay đổi múi giờ từ 3 tuần trước, trong khi châu Âu mới chỉ làm điều đó vào 31/3. Bất cứ người châu Âu nào chạy deadline theo giờ Mỹ sẽ phải sắp xếp lại công việc của họ để hoàn thành sớm hơn 1 giờ so với thông thường trong khoảng thời gian chênh lệch này và quay trở lại bình thường sau chủ nhật cuối cùng của tháng 3.

Vậy người châu Âu sẽ chọn gắn bó với thời gian mùa đông hay màu hè? Điều này chưa được quyết định. Có thể, mỗi quốc gia sẽ chọn cho mình một quy ước thời gian, mặc dù họ sẽ phải lưu ý đến quyết định của các nước láng giềng. Lợi ích dường như không nằm ở quyết định xem buổi tối hay buổi sáng kéo dài bao lâu mà nằm ở sự cố định về thời gian trong suốt cả năm.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM