Tại sao buổi sáng, không khí ở Hà Nội thường ô nhiễm nặng?

27/09/2019 14:56 PM | Xã hội

Khói bụi, khí thải từ bếp than của các nhà hàng hay thói quen đốt rơm rạ của người dân là nguyên nhân khiến không khí Hà Nội ô nhiễm nặng vào sáng sớm.

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ - công tác tại khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, việc xác định nguyên nhân gây ô nhiễm thời điểm sáng sớm ở Hà Nội rất khó, bởi thành phố có rất nhiều nguồn phát sinh ảnh hưởng tới chất lượng không khí.

Ngoài những nguyên nhân như khói bụi, khí thải từ ô tô, xe máy và các máy móc ở công trường thì việc các hộ kinh doanh có thói quen mở cửa hàng sớm, dùng bếp than đun cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí .

“Các hộ bán hàng ăn như bún, phở, đồ ăn sáng đều dậy rất sớm để nhóm bếp. Khí thải từ than của một số khu vực bay lên đồng loạt nên không thoát ra ngay được. Trong khi trạm quan trắc đo chất lượng không khí lại đặt cạnh đó thì việc đo được chỉ số AQI cao là điều dễ hiểu”, GS Cơ nói.

Cũng theo GS Cơ, hiện miền Bắc và ngoại thành Hà Nội nói chung đang vào mùa lá khô, cây cối, rơm rạ đều dồn lại và đem đốt vào sáng sớm để tránh ảnh hưởng đến xung quanh. Vì vậy hệ thống đo vào thời điểm này luôn phản ánh chỉ số chất lượng không khí ở mức cao, tức là không khí ô nhiễm nặng.

Tại sao buổi sáng, không khí ở Hà Nội thường ô nhiễm nặng? - Ảnh 1.

Ô nhiễm, khói bụi ở Hà Nội đang khá phức tạp.


Vị chuyên gia môi trường cũng cho biết, kết quả AQI vừa qua tại Hà Nội được đưa trên trang Airvisual là chỉ số sẽ thay đổi liên tục hàng giờ, hàng ngày. Chỉ số đó thời điểm này có thể cao, nhưng lúc khác lại xuống thấp. Vì vậy, theo ông chưa thể khẳng định chắc chắn Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

“4h sáng, thời điểm nhiều người nghĩ trong lành nhất, nhưng chỉ số AQI lại cao, bởi có thể trạm đo đặt gần khu vực nhiều công trường đang hoạt động, gần đường quốc lộ có nhiều  phương tiện qua lại, hoặc sát khu dân cư có thói quen đốt rơm rạ", giáo sư Cơ nói.

Chỉ số Airvisual đưa ra là để cảnh báo người dân rằng tại địa điểm nào đó đang có chất lượng không khí thấp, người dân cần cẩn trọng và có các biện pháp bảo vệ an toàn, chứ không phải để khẳng định chắc chắn toàn thành phố chỗ nào cũng ô nhiễm như nhau.

Theo số liệu từ Air Visual, hệ thống đo chất lượng không khí 10.000 thành phố trên toàn cầu thời điểm 11h38 trưa 26/9, Hà Nội đứng đầu về chỉ số AQI là 182, trên cả Hàng Châu, Trung Quốc (AQI là 160) và thủ đô Jakarta của Indonesia (AQI là 155). Trang Air Visual lấy duy nhất số liệu quan trắc không khí từ trạm Đại sứ quán Mỹ.

Cụ thể hơn, tại Hà Nội, lần lượt các khu vực đều cho chỉ số chất lượng không khí ở mức cao, như đường Tô Ngọc Vân - Tây Hồ (182), Bắc Từ Liêm (175), Thành Công (174), khu vực Hàng Đậu (174), Láng Hạ (179), Tây Mỗ (163)...

Lúc 8h50 sáng 26/9, chỉ số AQI ở Hà Nội cũng vượt qua cả Jakarta của Indonesia với chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên ngưỡng 204. Trước đó, ngay cả vào khung giờ sáng sớm từ 7h30 đến 9h, Hà Nội vẫn có chỉ số AQI cao khi lần lượt AQI đo được đạt ngưỡng từ 150 - 180.

Theo quy chuẩn của hệ thống đo chất lượng không khí tại Việt Nam, chỉ số AQI ở mức 0 - 100 (xanh và vàng) là ngưỡng tốt và trung bình; từ 101 - 200 (da cam) mức kém; 201 – 300 là mức xấu và trên 300 là nguy hại.

Như vậy, với bảng đo được của Airvisual, các khu vực ô nhiễm không khí của Hà Nội đang ở ngưỡng kém, khuyến cáo nhóm người nhạy cảm như trẻ em, người già, người có tiền sử mắc bệnh về hô hấp mạn tính cần thở nhiều nên hạn chế ở ngoài.

Theo Khả Minh

Cùng chuyên mục
XEM