Tại sao báo quốc tế đánh giá Việt Nam vượt qua Thái Lan, trở thành "người hùng điện gió" của Đông Nam Á?

21/11/2019 15:32 PM | Xã hội

Theo Eco-Business, Việt Nam đang dần vươn lên trở thành "người hùng điện gió" của Đông Nam Á, với các dự án lớn nhất thế giới dọc bờ biển.

Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia tiềm năng nhất trong khu vực về sản xuất điện gió cả trên bờ và trên biển, với công suất dự kiến 1GW sẽ được lắp đặt vào năm 2021, tăng từ mức 327MW ở hiện tại, vượt qua cả Thái Lan – đang đi đầu trong khu vực Đông Nam Á về công suất gió được lắp đặt.

Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong ASEAN đã triển khai khai thác năng lượng điện gió ngoài khơi, với công suất 99 MW. Trong kế hoạch tổng thể phát triển điện quốc gia mới nhất, Việt Nam đặt mục tiêu triển khai tổng công suất điện gió là 6.000 MW vào năm 2030.

Bên cạnh đó, vào tháng 7 năm nay, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt đánh giá khu vực ngoài mũi Kê Gà ở miền Nam Việt Nam để xây dựng trang trại gió ngoài khơi lớn nhất thế giới với công suất 3.400 MW. Sau khi hoàn thành, công suất điện của dự án sẽ vượt xa cả các trạm than, khí đốt và thủy điện lớn nhất đất nước.

Theo đánh giá của bà Liming Qiao - Giám đốc khu vực châu Á của Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC), Chính phủ Việt Nam đã tập trung vào bờ biển dài 3.300 km, nơi tự hào là một trong những nguồn tài nguyên gió lớn nhất, cả trên bờ và ngoài khơi ở Asean. Bằng cách khai khác nguồn tài nguyên tiềm năng này, Việt Nam ước tính có thể đạt công suất điện gió 309 GW, đủ để đáp ứng toàn bộ nhu cầu năng lượng trong nhiều thập kỷ tới.

Còn ông Olivier Duguet, người sáng lập và giám đốc điều hành của Nhà Phát triển Năng lượng Sạch có trụ sở tại Singapore, Blue Circle thì: "Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện ở miền Nam. Đây hầu như là khu vực có sự tăng trưởng kinh tế sôi động của nước này. Nguồn năng lượng thông thường đang vấp phải sự phản đối, bao gồm các cuộc biểu tình chống lại các dự án nhà máy nhiệt điện than, và sẽ không đủ nhanh để tránh khỏi nguy cơ thiếu điện trong 2-3 năm tới. Mặt khác, năng lượng tái tạo, đặc biệt là gió, lại đang có rất nhiều ở phía nam, giá rẻ và triển khai nhanh chóng."

Ngoài việc giảm bớt những lo ngại về an ninh năng lượng, điện gió có thể bảo vệ đất nước khỏi biến động giá than nhập khẩu. Dù than có giá thành rẻ, nhưng nó lại mang đến rủi ro lớn về sức khỏe. Báo cáo chất lượng không khí thế giới năm 2018 cho thấy 95,5% người Đông Nam Á sống ở những khu vực có chất lượng không khí vượt quá giới hạn an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Vào tháng 10 năm nay, không khí ô nhiễm đặc biệt nguy hiểm đã tấn công Hà Nội và khu vực miền Bắc Việt Nam. Đây là khu vực tập trung hầu hết các nhà máy điện đốt than của đất nước, đưa Hà Nội vào danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới.

Liming Qiao nói rằng có nhiều yếu tố góp phần gây ra vấn đề ô nhiễm không khí ở Việt Nam, nhưng đốt than là một trong những yếu tố nổi bật nhất và năng lượng gió có thể giúp không khí Việt Nam quay trở lại ngưỡng an toàn.

Tuy nhiên, thị trường điện gió Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu và còn nhiều thách thức. Trở ngại lớn nhất là thiếu tài chính cho các dự án, và các yếu tố rủi ro dai dẳng ngăn cản các nhà phát triển và người cho vay quốc tế.

Để đáp ứng nhu cầu năng lượng đang tăng mạnh, Việt Nam cần khoảng 130 GW điện vào năm 2030, tăng từ 47.900 MW tính đến tháng 9 năm 2018. Điều này sẽ cần khoản đầu tư ước tính 150 tỷ USD.

Về cơ sở vật chất, lưới điện Việt Nam hiện tại - cùng với việc thiếu dung lượng lưu trữ - không thể hỗ trợ phát triển nhanh chóng năng lượng tái tạo.Việc củng cố lưới điện quốc gia là rất quan trọng để đất nước tăng tốc triển khai năng lượng tái tạo. Gần đây, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh, thừa nhận rằng ông đã không lường trước được sự tăng trưởng bùng nổ trong công suất tái tạo và đã không phát triển được hệ thống truyền tải điện đầy đủ để chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi.

Đây là lý do tại sao Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã vạch ra một kế hoạch đầy tham vọng để đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng truyền tải và EVN bắt buộc phải đảm bảo rằng công suất truyền tải được sử dụng một cách khẩn cấp. Công việc chuẩn bị thực tế và công trình xây dựng đã bắt đầu.

Và mặc dù có khá nhiều triển vọng tích cực hiện tại, thì tương lai của năng lượng gió ở Việt Nam vẫn chưa thực sự rõ ràng, với biểu giá điện hỗ trợ hiện tại được áp dụng cho tất cả các dự án đi vào hoạt động vào tháng 11 năm 2021. Chính phủ cho đến nay vẫn chưa tiết lộ điều gì sau khi chương trình hết hạn. Điều này ảnh hưởng đến các dự án như trang trại gió ngoài mũi Kê Gà, sẽ không được hoàn thành trước năm 2027.

Theo Hoài Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM