Tại sao bạn sẽ bất ngờ khi nhìn các biển hiệu tại Ghana?

04/06/2016 15:04 PM | Kinh tế vĩ mô

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những cửa hàng có tên như “Công ty trách nhiệm Câu trả lời của Chúa”, “Cửa hàng ống nước Đấng Toàn Năng Chúa Kitô”, “Nhà hàng Thiên thi 23 (trong sách Kinh Thánh)”, “Cửa hàng phần mềm Tạ Ơn Chúa Jesus”...

Khi đến Ghana, bạn có thể thấy nhiều nhà thờ Thiên chúa giáo được xây dựng rộng rãi, nhiều không kém các trạm xăng. Điều này chẳng có gì lạ khi 71% người dân nước này theo đạo Thiên Chúa, nhưng điều kỳ lạ là hàng loạt các quán xá, cửa hàng nhỏ ở đây được đặt tên theo tôn giáo này.

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những cửa hàng có tên như “Công ty trách nhiệm Câu trả lời của Chúa”, “Cửa hàng ống nước Đấng Toàn Năng Chúa Kitô”, “Nhà hàng Thiên thi 23 (trong sách Kinh Thánh)”, “Cửa hàng phần mềm Tạ Ơn Chúa Jesus”...

Tại đây, những từ như “chúa Jesus”, “Thiên Chúa” hay những chữ liên quan đến Kinh Thánh được sử dụng rộng rãi cho các biển hiệu nhờ cảm hứng trong người dân về đức tin của họ.

Bên cạnh đó, dù có đức tin mạnh mẽ nhưng các chủ cửa hàng cũng bị ảnh hưởng từ văn hóa Phương Tây khi kết hợp biển hiệu với phong cách nhạc POP.

Tại một cửa hàng mang tên “Cửa hàng Thời trang Thụ Ơn Chúa”, hình ảnh của ca sĩ Chris Brown và Nicki Minaj được vẽ trên biển hiệu. Có lẽ những khách hàng quen của cửa hiệu này thích phong cách nhạc POP Mỹ.

Thậm chí, nhiều quán bar hay quán bia cũng lấy tên liên quan đến Thiên chúa giáo và điều này có vẻ bình thường với người dân nơi đây.

Không dừng lại ở đó, nhiều cửa hàng ở Ghana còn biến tấu cách đặt tên để không trùng với những cái tên Thiên chúa giáo trước đó, ví dụ như “Cửa hàng tạp hóa Kẻ thù của tôi không phải Đức chúa”, “Công ty trách nhiệm Nếu Chúa nói đúng thì ai có thể nói sai”....

Dẫu vậy, xu hướng này chủ yếu chỉ có ở vùng ngoại ô và nông thôn khi những tập đoàn quốc tế chiếm vai trò chủ đạo tại các thành phố lớn.

Tại một số vùng theo đạo Hồi, bạn cũng có thể thấy tên biển có từ “Allah”, nghĩa là Đấng Tối cao trên các biển hiệu.

Đạo Thiên chúa du nhập vào Ghana vào thế kỷ 15 từ các thương nhân Châu Âu, sau đó trở nên phổ biến nhờ sự đô hộ của thực dân Anh.

Hiện tượng lấy tín ngưỡng làm tên biển hiệu đang lan tràn ở Ghana có thể là do tình trạng xây dựng nhà thờ quá nhiều nơi đây. Năm 2014, ước tính có khoảng 10.000 nhà thờ tại Ghana và thậm chí con số này có thể cao hơn do các cá nhân xây dựng những nhà thờ nhỏ theo nhóm mà không được kiểm kê.

Quốc gia châu Phi này là nước duy nhất trên thế giới có nhà thờ mở cửa phục vụ 24h và liên tục 7 ngày trong tuần không ngừng nghỉ. Hậu quả là người dân không còn muốn ra đồng làm nông nghiệp, ngành nghề chính ở đây, và chỉ đến nhà thờ cầu nguyện với hy vọng “Chúa trời” sẽ ban cho họ lương thực.

Đây là một hiện tượng tất yếu tại lục địa đen, khu vực đông người Thiên chúa giáo nhất thế giới vởi tỷ lệ nghèo đói cao và sự bất bình đẳng trong xã hội diễn ra ngày một nghiêm trọng. Thất vọng với hiện thực cuộc sống, nhiều người dân quay sang tín ngưỡng để hy vọng và trông chờ sự cứu rỗi.

Những nghiên cứu gần đây cho thấy sự liên quan giữa bình đẳng xã hội và tỷ lệ theo tôn giáo. Tại những nơi có nhiều bất bình đẳng xã hội, tỷ lệ người theo tôn giáo thường cao hơn những nơi có sự cân bằng trong cuộc sống người dân.

Có lẽ các cha sứ cũng hiểu được thực tại cuộc sống người dân Ghana nên những bài giảng của họ cũng tập trung nhiều vào sự thịnh vượng và tự do tài chính. Trong một số trường hợp, nhà thờ còn cung cấp các hội thảo về kinh doanh và nghề nghiệp cho giáo dân.

Hiện tại, việc tin tưởng vào Thiên chúa sẽ ban sự thịnh vượng cho các tín đồ là động lực chính cho nhiều người kinh doanh cũng như lao động tại khắp các vùng quê Ghana.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM