Vì sao Tổng thống Obama làm mất lòng người Do Thái?

22/09/2011 10:09 AM |

Từ khi nhậm chức Tổng thống Obama vấp phải không ít khó khăn trong việc lấy lòng người Do Thái. Nhiều nỗ lực cải thiện quan hệ với Israel của ông chỉ khiến cho tình hình thêm phức tạp.

Vừa qua, lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, kết quả bầu cử tại New York bị ảnh hưởng bởi chính sách với Israel của Tổng thống Obama. Đảng Dân chủ phải nỗ lực hết sức để giành phiếu bầu nhưng đảng Cộng Hòa vẫn chiến thắng tại New York, nơi vốn là "địa bàn" của phe Dân chủ.

Trong cuộc thăm dò dư luận trước ngày cuộc bầu cử, đa số cử tri cho rằng vấn đề Israel "cực kỳ quan trọng" trong việc quyết định lá phiếu của họ. Kết quả thăm dò cho thấy ứng viên đảng Cộng hòa Robert Turner chiến thắng với tỷ lệ 71/22. Chỉ có 22% cử tri Do Thái ủng hộ chính sách của Tổng thống Obama với Israel.

Thậm chí, thành viên đảng Dân chủ và cũng là cựu thị trưởng New York ông Ed Koch còn ủng hộ ứng viên Turner vì muốn gửi thông điệp phản đối tới Tổng thống Obama về chính sách với Israel.

Đây được coi là tín hiệu xấu gửi tới Tổng thống Obama khi ông vừa khởi động chiến dịch tái tranh cử.

"Điểm danh" những lần ông Obama "chọc giận" người Israel:

Tháng 7/2009: Tổng thống Obama đón tiếp các nhà lãnh đạo Do Thái tại Nhà Trắng. Khi đó, ông tìm cách "công khai" quan hệ Mỹ và Israel bởi theo ông, trong 8 năm dưới chính quyền Bush, "không có sự công khai giữa Mỹ và Israel; và quan hệ này chẳng có gì tốt đẹp.

Cũng tại cuộc gặp đó, ông Obama tuyên bố với phía Israel rằng họ cần "tự phê bình một cách nghiêm túc”. Tuyên bố này khiến cho nhiều người choáng váng.

Tháng 9/2009: trong bài phát biểu đầu tiên của mình tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Obama dành 5 lần đề cập đến cuộc xung đột Israel - Palestine mà trong đó, ông tuyên bố rằng: "Mỹ không chấp nhận các khu định cư bất hợp pháp tiếp tục được xây dựng Jerusalem”. Đồng thời, ông cũng chỉ trích các cuộc tấn công bằng rocket vào thường dân Israel .

Tháng 3/2010: khi Phó Tổng thống Joe Biden thăm Israel, nước này công bố kế hoạch mở rộng khu định cư tại Jerusalem - hành động bị coi là "vuốt mặt mà không nể mũi". Sau đó, Tổng thống Obama phát động cuộc "tấn công" kéo dài hàng tuần chưa từng có chống lại Israel và ông Biden lập tức rời Israel.

Cùng thời điểm, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton chỉ trích Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong một cuộc điện đàm nổi tiếng 45 phút, rằng Israel đã "làm tổn hại đến mối quan hệ song phương”.

Gần như cùng thời điểm, cố vấn của Tổng thống Obama là ông Axelrod chỉ trích Israel, cáo buộc kế hoạch mở rộng khu định cư Do thái là sự "xúc phạm" và "sỉ nhục" Mỹ. Đồng thời, thư ký báo chí Robert Gibbs chỉ trích trên kênh Fox News, buộc tội ông Netanyahu "phá vỡ lòng tin" giữa hai nước.

Mười ngày sau đó, ông Benjamin Netanyahu đến Washington với tuyên bố rằng Israel sẽ không từ bỏ kế hoạch xây dựng 1.600 căn hộ mới cho người Do thái. Động thái này như "gáo nước lạnh" dội vào những hy vọng từ phía Mỹ.

Khi đó, cuộc tranh cãi giữa Mỹ và Israel về việc xây dựng thêm các khu định cư ở Đông Jerusalem khiến một số nhà phân tích băn khoăn rằng, phải chăng Mỹ đang tìm kiếm sự "thay đổi chế độ" với hy vọng, một Chính phủ mới tại Israel có thể kiến tạo hòa bình với người Palestine.

Tháng 4/2010: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu quyết định không tới khỏi hội nghị thượng đỉnh về vấn đề hạt nhân Washington. Ông e ngại sẽ bị chỉ trích về chính sách hạt nhân của nước mình sau khi biết có một số nước như Thổ Nhĩ Kì, Ai Cập và Hy Lạp cũng sẽ tham dự.

Tháng 3/2011, ông Obama lại kêu gọi Israel “tự phê bình”, mời các nhà lãnh đạo cộng đồng Do Thái tới Nhà Trắng và hướng dẫn họ "tìm kiếm" sự cống hiến của Israel cho hòa bình thế giới.

Tháng 5/2011: Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông báo rằng Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ James Steinberg đến thăm Israel, Jesusalem và Bờ Tây. Việc tách riêng ba địa điểm ông James đến thăm đồng nghĩa với việc Mỹ ám chỉ Jerusalem không phải là một phần của Israel.

Do lá phiếu của các cử tri Do Thái tại Mỹ rất "nặng" nên việc ông Obama xử lý quan hệ với cộng đồng này và Israel thế nào góp phần quyết định ông có tái nhiệm hay không.

Theo Hoàng Linh

Báo Đất Việt / WSJ

thuthuy

Cùng chuyên mục
XEM