“Thây ma” Lehman Brothers chuẩn bị sống lại?

13/07/2012 07:17 AM |

Thế giới chưa hết bàng hoàng với vụ việc dàn xếp lãi suất Libor gây chấn động thì nay lại run sợ với khả năng một Lehman Brothers phiên bản 2 sẽ xuất hiện. Hậu quả xảy ra nếu có sẽ không hề nhỏ.

Ngày nay, các ngân hàng trên thế giới đang chịu vô cùng nhiều áp lực chỉ trích. Tình trạng căng thẳng tạm thời giữa chính phủ và các ngân hàng chưa chấm dứt. Người đứng đầu các ngân hàng bị giới truyền thông săm soi, nội bộ Quốc hội Mỹ căng thẳng và các nhà điều tiết đang tiếp tục xem xét thắt chặt chính sách hơn nữa.

Tất nhiên, tâm điểm của dư luận vẫn là vụ thao túng lãi suất Libor của ngân hàng Barclays, loại lãi suất tham chiếu được sử dụng để tính toán các khoản vay trị giá hàng nghìn tỷ USD.

Dù ngân hàng Barclays đã đồng ý nộp 450 triệu USD để dàn xếp vụ việc với các nhà điều tiết ngành ngân hàng Anh và Mỹ, giới phân tích tin rằng ngân hàng sẽ tiếp tục tốn nhiều tiền để giải quyết các vụ kiện tụng đến từ các bên chịu tác động. Barclays có thể mất thêm từ 1 đến 10 tỷ USD.

Vụ bê bối đã buộc chủ tịch kiêm CEO của ngân hàng Barclays phải từ chức. Sau vụ bê bối này, chắc chắn ngân hàng Barclays sẽ khác. Giới lãnh đạo của Barclays đang rất cố gắng tìm ra hướng giải quyết các vấn đề hiện tại.

Dưới sự lãnh đạo của Robert Diamond, ngân hàng bán lẻ đặc chất Anh đã trở thành một trong những tổ chức tài chính hùng mạnh nhất trên phố Wall. Diamond làm được điều này nhờ thâu tóm được Lehman Brothers vào năm 2008 sau khi Lehman tuyên bố phá sản. Diamond đã lấy đi “quả tim” của Lehman ra khỏi “lồng ngực đang thoi thóp” bằng cách mua bộ phận ngân hàng đầu tư chỉ với số tiền 1,75 tỷ USD. Ông làm được như vậy mà chẳng cần phải ôm lấy mớ tài sản “độc hại”.

Trong khoảng thời gian 3 năm sau đó, Diamond bơm hàng triệu USD vào bộ phận ngân hàng đầu tư được biết đến với cái tên Barclays Capital. Thành công cũng nhiều nhưng không phải không có thất bại. Dù bộ phận kinh doanh có lãi, đóng góp gần nửa lợi nhuận của ngân hàng trong năm 2011, tỷ suất ROE vẫn thấp, hoạt động của bộ phận không thực sự hiệu quả. Barclays Capital dù có được một số thành công với bộ phận tư vấn thâu tóm và sáp nhập, năm 2011 vươn lên đứng thứ 5 trên thế giới trong lĩnh vực này nhưng lợi ích mang về thực sự chưa lớn.

Bộ phận ngân hàng đầu tư nổi bật trong hoạt động kinh doanh trái phiếu, nhưng bộ phận này cũng được mua từ Lehman Brothers. Trên lĩnh vực kinh doanh trái phiếu, Barclays chỉ đứng sau JP Morgan. Năm 2011, bộ phận ngân hàng đầu tư mang lại 5 tỷ USD tương đương 53% tổng lợi nhuận. Con số không tệ nếu xét đến việc Diamond mua toàn bộ tài sản tại Bắc Mỹ của Lehman với giá chỉ 1,75 tỷ USD.

Thế nhưng mọi thành quả mà Diamond làm được trong thời gian đảm nhiệm chức vụ CEO đã bị cuốn bay sau vụ bê bối dàn xếp lãi suất Libor, loại lãi suất chuẩn cho các khoản vay ngắn hạn và là lãi suất mà tại đó những người vay nợ lớn nhất thế giới có thể vay tiền. Nhiều công cụ đầu tư mang lại thu nhập cố định cũng được tính toán dựa trên lãi suất Libor.

Từ vụ bê bối dàn xếp lãi suất, người ta không khó để suy luận rằng không ít trong số lợi nhuận của ngân hàng có được do hành vi thao túng lãi suất. Vụ việc thậm chí có thể sẽ bị lật lại và Barclays phải nộp phạt nhiều hơn.

Khi tấm thảm kịch đã lộ rõ, cũng không đáng ngạc nhiên nếu ban điều hành của Barclays đang nghĩ đến việc loại bỏ bộ phận ngân hàng đầu tư ra khỏi ngân hàng thương mại vốn mang lại lợi nhuận không kém mà lại ít điều tiếng. Trong quá khứ, không phải người ta chưa từng nhắc đến khả năng loại bỏ nhưng ban lãnh đạo ngân hàng sợ thiệt, họ lo bộ phận ngân hàng đầu tư sẽ bị định giá thấp.

Chính phủ Anh có thể sẽ buộc tất cả các ngân hàng Anh phải cơ cấu lại bộ phận ngân hàng đầu tư. Nhiều tháng qua, không ít người đã đến Barclays để tính toán xem nếu chia tách, hiệu quả hoạt động sẽ đến đâu. Lo lắng có phần dịu đi trong thời gian gần đây khi ủy ban đặc biệt của chính phủ bác bỏ việc chia tách hoàn toàn. Thay vào đó, ngân hàng sẽ buộc phải lập “vành đai lửa” ngăn ngân hàng thương mại phải chịu tác động tiêu cực từ ngân hàng đầu tư.

Vậy điều gì xảy ra nếu bộ phận ngân hàng đầu tư của Barclays bị tách riêng? Nó sẽ giống như Lehman Brothers trước khi ngân hàng gặp khó khăn và sụp đổ vào năm 2008. Nói cách khác, phiên bản 2 của Lehman Brothers sẽ xuất hiện.

Theo hồ sơ mà Barclays nộp lên Fed trong tuần trước, ngân hàng công bố sẽ tiếp tục là nhà cung cấp sản phẩm đầu tư như chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp (RMBS), chứng khoán đảm bảo bằng tài sản (ABS)…

Dù các sản phẩm được chứng khoán hóa không phải lúc nào cũng mang lại tội ác, nhưng cần nhớ Lehman đã suy sụp bởi chính sản phẩm loại này. Quy mô của Lehman vẫn còn nhỏ nếu so với nhóm ngân hàng lớn có cả hoạt động ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Chính phủ Mỹ đã để cho Lehman sụp đổ bởi cho rằng việc khai tử Lehman sẽ không ảnh hưởng đến phố Wall, cuối cùng, thực tế cho thấy họ đã cực kỳ sai lầm.

Người ta đặt ra câu hỏi: nếu Lehman phiên bản 2 gặp rắc rối, liệu chính phủ Mỹ hoặc Anh có can thiệp để cứu không? Chắc chắn không. Nhưng nếu bộ phận ngân hàng đầu tư thuộc Barclays bên bờ vực sụp đổ và Barclays vẫn còn cả bộ phận ngân hàng thương mại, chắc chắn hai chính phủ không dám đứng ngoài cuộc. Khi khủng hoảng châu Âu đang cực kỳ căng thẳng và cuộc bầu cử Mỹ chuẩn bị diễn ra, chẳng chính trị gia nào dám để xảy ra một thảm họa ngân hàng.

Diệp Thanh

ngocdiep

Cùng chuyên mục
XEM