Giáo Hoàng theo dòng tu 'thề không làm quan’

22/03/2013 17:04 PM |

Trừ khi được Giáo hoàng bổ nhiệm.

Người ta có nhiều lý do để bất ngờ khi nghe tin Hồng y Jorge Bergoglio được bầu làm Giáo hoàng.

Ông là Giáo Hoàng đầu tiên từ Nam Mỹ, Giáo hoàng đầu tiên không phải người Châu Âu kể từ thế kỷ 8. Ông là Giáo hoàng duy nhất lấy tên hiệu Francis với hàm ý gợi nhớ đến sự khiêm nhường của Thánh Francis xứ Assisi, một người Italy.

Đáng ngạc nhiên nhất là việc ông là người đầu tiên thuộc dòng Tên (the Society of Jesus) được bầu làm Giáo hoàng. Vậy dòng Tên là gì?

Trong Công giáo La Mã có hai loại tu sĩ: tu sĩ thế tục và tu sĩ thuộc một dòng tu nào đó (thầy dòng).

Nhóm thứ nhất còn gọi là tu sĩ theo giáo phận và thường gắn bó với một xứ đạo và có trách nhiệm báo cáo lên giám mục.

Họ học tập tại các trường dòng và không phải tuyên thệ sống nghèo khó hay sống cách biệt với thế giới bên ngoài. Trong một chừng mực nào đó, họ chính là “khuôn mặt” của Giáo hội.

Ngược lại các dòng tu có nhiều quyền tự trị đối với Giáo hội. Họ không thuộc quyền quản lý của Giám mục (do Giáo hoàng bổ nhiệm) và có thể sống hoàn toàn tách biệt với thế giới tùy theo dòng tu họ chọn.

Các thầy dòng sống trong các tu viện thuộc dòng tu của mình dù cũng thường có liên hệ với các cơ sở giáo dục. Ở Anh, dòng tu Benedictine dạy tại Ampleforth College, một trường công ở phía Bắc nước Anh và dòng tu Dominican điều hành trường Blackfriars Hall thuộc ĐH Oxford.

Dòng Tên cũng là một dòng tu như thế. Dòng tu này do Ignatius Loyola thành lập năm 1540 và hiện có khoảng 12.000 tu sĩ. Đây là một trong những dòng tu lớn nhất trong Giáo hội Công giáo.

Dòng Tên còn được biết đến với cái tên “những chiến binh của Chúa” do nhà sáng lập từng tham gia quân đội (Ignatius Loyola ngộ đạo sau khi đọc một cuốn sách về cuộc đời của các thánh khi đang trị thương trong bệnh viện).

Dòng Tên nhấn mạnh tới giáo dục, đặc biệt là học ngoại ngữ, và yêu cầu tu sĩ phải tham gia các sứ mệnh truyền giáo. Tu sĩ trong các giáo phận chỉ cần học tập trong 4-5 năm, tu sĩ dòng Tên phải đào luyện trong 12 năm và thường chỉ được thụ phong khi đã ngoại 30 tuổi.

Khi đã chính thức gia nhập dòng Tên, các tu sĩ đều thề không bao giờ giữ các chức vụ trong giáo hội, ví dụ như Giám mục, trừ khi được lệnh của Giáo hoàng.

Lời thế ấy chính là một trong những lý do khiến người ta đặc biệt bất ngờ khi Giáo hoàng Francis được bầu.

Theo ông Brendan Callaghan, Hiệu trưởng trường Campion Hall thuộc ĐH Oxford, nhiều người theo dòng Tên nghĩ sẽ chẳng bao giờ thấy người của mình lên ngôi Giáo hoàng, dù cho một số người đã được bổ nhiệm làm Tổng giám mục.

Đã quen với việc đứng ngoài mọi chức tước trong Giáo hội nên dòng Tên luôn nổi tiếng với thái độ hoài nghi, đôi khi còn thách thức, đối với Rome.

Đưa một “người ngoài” như Francis I lên vị trí đứng đầu Giáo hội là một bước đi rất ấn tượng, báo hiệu những thay đổi mạnh mẽ sắp tới tại Rome.

Long Chu

tuannm

Cùng chuyên mục
XEM