Đừng loại của cải khỏi công thức tính hạnh phúc

29/07/2014 12:36 PM |

Các nhà khảo sát đã đưa ra câu hỏi về hạnh phúc trong nhiều thập kỷ và các nhà kinh tế học đang cố gắng phân tích số liệu thu thập được.

“Liệu chúng ta có thể mua được hạnh phúc?” là câu hỏi thường xuyên được nhắc đến nhưng chưa từng có lời giải thích thỏa đáng. 

Pharrell Williams, người thể hiện bài hát được nhiều người yêu thích “Happy”, tuyên bố rằng bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc “nếu có cảm giác như một căn phòng không có mái”.  

Trong khi đó, Carlos Slim  - ông trùm viễn thông người Mexico Carlos Slim đã giữ vị trí người giàu nhất thế giới trong nhiều năm – cho rằng thời gian chứ không phải tiền bạc là thứ chúng ta nên coi trọng. Tỷ phú này thậm chí còn đề xuất tuần làm việc 3 ngày. Theo ông, mọi người nên làm việc 3 ngày mỗi tuần, mỗi ngày làm 11 tiếng và tận hưởng thời gian còn lại cùng gia đình. 

Ý tưởng của Slim gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Tuy nhiên, đó không phải là điều vô lý. Trong ngày làm việc của người lao động ở Mỹ Latinh có thời gian dành cho ngủ trưa, ăn trưa cùng gia đình. Mặc dù họ nghèo hơn khi xét về mặt kinh tế, nhiều người cho rằng châu Mỹ hạnh phúc hơn châu Âu. 

Các chuyên gia kinh tế muốn đo lường điều này. Tất nhiên, hạnh phúc là một khái niệm trừu tượng và rất khó để cân đong đo đếm. Dẫu vậy, các nhà khảo sát đã đưa ra câu hỏi về hạnh phúc trong nhiều thập kỷ và các nhà kinh tế học đang cố gắng phân tích số liệu thu thập được. 

Nghiên cứu trong những năm 1970 cho thấy trong một quốc gia, những người giàu có sẽ hạnh phúc hơn người nghèo. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng một quốc gia sẽ không hạnh phúc hơn khi giàu có hơn, đồng thời nước giàu cũng không hạnh phúc hơn so với một nước khác nghèo khổ hơn. 

Nhiều người quan niệm rằng cuộc sống là quá trình “theo đuổi hạnh phúc” và mục tiêu hàng đầu của chính sách kinh tế là tối đa hóa tăng trưởng GDP. Tuy nhiên đây chính là mấu chốt của vấn đề: nếu xét theo logic thông thường, điều này có nghĩa là chúng ta không cần phải theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế càng cao càng tốt. 

Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây,  Justin Wolfers – nhà kinh tế học đang làm việc tại Viện nghiên cứu Brookings được “trang bị” các số liệu khảo sát mới – đã cố gắng chứng minh rằng không hề có nghịch lý ở đây. Những phát hiện mới của ông được tóm tắt trong bài phát biểu tại Viện CFA ở Chicago tuần trước. 

Các số liệu được Wolfers sử dụng bao gồm các khảo sát quốc tế được thực hiện bởi World Values Survey  (hoạt động từ năm 1981), Gallup World Poll (bắt đầu từ năm 2005) và khảo sát của Pew kể từ năm 2002.  Các khảo sát này cho thấy mối quan hệ giữa giàu có và hạnh phúc không chỉ chặt chẽ mà còn mạnh mẽ hơn so với suy nghĩ của hầu hết mọi người. Trong phạm vi 1 quốc gia, người dân sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn nếu thu nhập của họ tăng lên. Các khảo sát cho thấy 100% những người kiếm được nhiều hơn 500.000 USD/năm cảm thấy hạnh phúc. 

Mặc dù quy mô số liệu còn hạn chế, kết quả khảo sát đem đến những dấu hiệu cho thấy của cải tăng lên khiến một quốc gia cảm thấy hạnh phúc hơn và ngược lại. Mức độ hạnh phúc của người Mỹ giảm xuống khi nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái trầm trọng năm 2008. Và, người dân của nước giàu thường cảm thấy hạnh phúc hơn nước nghèo. 

Nếu có điều gì gây ngạc nhiên ở đây, đó là của cải đóng vai trò quan trọng hơn nhiều so với tưởng tượng. Cuộc sống đơn giản hơn ở các nước nghèo không thể bù lại số tiền mà cuộc sống phức tạp đầy áp lực mà các nền kinh tế thành công hơn mang lại. 

Wolfers cũng chỉ ra rằng người dân của những người giàu hơn dễ cảm thấy áp lực và lo lắng hơn. Tuy nhiên, mối tương quan này không mạnh mẽ. Ngược lại, người dân các nước giàu có nhiều cơ hội hơn để hạnh phúc: trải qua ít đau đớn về thể xác hơn (bởi vì làm ít công việc chân tay hơn), được thưởng thức nhiều hơn các món ăn ngon, được đối xử theo cách tôn trọng hơn … 

Kết luận trên có ý nghĩa gì? Đầu tiên, tăng trưởng kinh tế nên được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Sâu xa hơn, mấu chốt của vấn đề là phải nâng cao thu nhập cho tất cả mọi người chứ không phải chỉ một bộ phận nhỏ. 

Lời đề nghị của tỷ phú Slim về tuần làm việc 3 ngày có thể đáng để thử, nhưng sự thật là cách tốt nhất để khiến một người lao động hạnh phúc là nâng lương cho họ. 

Thu Hương

huongnt

Cùng chuyên mục
XEM