Đại biểu tỷ phú và thách thức của ông Tập Cận Bình

07/03/2013 19:29 PM |

Năm nay, tỷ lệ người thuộc tầng lớp siêu giàu trong các cơ quan lập pháp của Trung Quốc tăng mạnh. Có lẽ, đây là thử thách lớn mà ông Tập Cận Bình sẽ phải vượt qua.

Theo dữ liệu từ Bloomberg, ở Trung Quốc có 90 đại biểu Quốc hội nằm trong danh sách 1.000 người giàu nhất nước này được liệt kê trong báo cáo Hurun Report. Con số này tăng tới 75% so với năm ngoái. Những người lọt vào danh sách của Hurun phải có tài sản trị giá ít nhất là 1,8 tỷ nhân dân tệ (tương đương 289,4 triệu USD) – giàu có hơn so với ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney. 

Giới nhà giàu ngày càng xuất hiện nhiều trong bộ máy lập pháp xảy ra cùng lúc với nỗ lực phòng chống tham nhũng của phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình – người sắp thay thế cho Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khi quá trình chuyển giao quyền lực được hoàn tất. Theo Yang Fengchun, giáo sư đến từ Đại học Bắc Kinh, nhiệm vụ của ông Tập trở nên khó khăn hơn rất nhiều trong bối cảnh giới nhà giàu củng cố quyền lực bằng các vị thế trong cơ quan lập pháp. 

Quan chức cấp cao

Quốc hội là cơ quan quan trọng bậc nhất của chính phủ Trung Quốc, là tập hợp những người quyền lực nhất ở đất nước này. Ngoài ông Tập cùng với người sắp trở thành Thủ tướng Trung Quốc là Lý Khắc Cường và các thành viên còn lại trong Bộ Chính trị, Quốc hội còn bao gồm cả lãnh đạo các tỉnh và CEO của các doanh nghiệp nhà nước cũng như tư nhân. 

Theo báo cáo của Hurun, 90 vị đại biểu Quốc hội này có tổng giá trị tài sản lên đến 637 tỷ nhân dân tệ. Đại biểu giàu nhất cũng chính là người giàu nhất Trung Quốc: Tống Khánh Hậu. Ông chủ 67 tuổi của tập đoàn kinh doanh đồ uống Wahaha sở hữu tài sản trị giá 17,1 tỷ USD.

Trong 1 cuộc phỏng vấn được thực hiện hồi năm 2010, ông Tống đưa ra ý kiến phản đối thuế bất động sản – điều có thể tăng thu ngân sách cho các chính quyền địa phương cũng như giảm khoảng cách giàu nghèo. 

Năm nay, ông đã trình lên Quốc hội ít nhất 10 kiến nghị trong đó có các biện pháp giúp giảm giá nhà ở thu nhập thấp và giảm thuế cho các công ty. “Nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ thần tốc và do đó số lượng người giàu sẽ tăng lên”, ông Tống trả lời bên lề 1 cuộc họp Quốc hội khi được hỏi liệu có phải có quá nhiều tỷ phú trong cơ quan lập pháp hay không. 

Trong danh sách đại biểu Quốc hội còn có Pony Ma – người đồng sáng lập công ty công nghệ Tencent Holdings Ltd. Theo thống kê của Bloomberg, Ma hiện có tài sản trị giá 7,2 tỷ USD. 

Giàu hơn các nghị sĩ Mỹ

90 đại biểu Quốc hội là tỷ phú tương đương với 3% trên tổng số 2.987 đại biểu Quốc hội. Trung bình, họ có tài sản trị giá 1,1 tỷ USD. Thử làm một so sánh với nước Mỹ: 3% người giàu nhất trên tổng số 535 nghị sĩ Thượng viện và Hạ viện (16 người) có tài sản trung bình vào khoảng 271 triệu USD/người. 

Ứng viên đảng Cộng hòa đối đầu trực tiếp với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc bầu cử vừa qua - Mitt Romney - có tài sản ước tính trị giá 254,1 triệu USD. 

Hệ số Gini (hệ số đo chênh lệch giàu nghèo) của Trung Quốc ở mức 0,474 điểm trong năm 2012, cao hơn mức 0,4 được các chuyên gia phân tích cho là sẽ gây nên bất ổn trong xã hội. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng hệ số này đã giảm 4 năm liên tiếp. 

Chính phủ Trung Quốc cũng đã thực hiện nhiều biện pháp như nâng 40% lương tối thiểu trong tháng trước đồng thời tăng chi tiêu vào giáo dục và nhà ở xã hội. 

Rất nhiều người Trung Quốc cũng đã hưởng lợi từ sự phát triển của nền kinh tế, với hơn 600 triệu người thoát khỏi ngưỡng nghèo đói kể từ năm 1978 (theo số liệu của Liên hợp quốc). Năm ngoái, thu nhập bình quân đầu người của vùng nông thôn cũng tăng 10,7% trong khi vùng thành thị tăng 9,6%. 

Hồi tháng 6 năm ngoái, hãng tin Bloomberg cũng đưa thông tin gia đình ông Tập Cận Bình khối tài sản trị giá hàng tỷ USD. Đến tháng 10, tờ New York Times tiết lộ gia đình ông Ôn Gia Bảo cũng có tài sản vào khoảng 2,7 tỷ USD. 

Thu Hương

huongnt

Cùng chuyên mục
XEM