Tín dụng đang là điểm sáng, không phải nỗi lo

20/07/2014 09:06 AM |

“Tăng trưởng tín dụng 3,52% trong 6 tháng đầu năm 2014 là một điểm sáng, là điều nên mừng chứ không phải nỗi lo, các DN đang dần đi vào thực lực sản xuất và không sống dựa vào nguồn tín dụng của ngân hàng”.

Đó là khẳng định của Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong cuộc đối thoại với chúng tôi về lĩnh vực tài chính-tiền tệ.

Phóng viến (PV): Ông đánh giá thế nào về hiệu quả cũng như những tác động của việc điều hành chính sách tiền tệ qua 6 tháng đầu năm 2014?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên: Tiếp nối đà ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2013, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát huy được những mục tiêu như kiềm chế lạm phát, hạ lãi suất, ổn định thị trường ngoại hối, tăng dự trữ ngoại hối góp phần ổn định kinh tế vĩ mô năm 2014.

Qua 6 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục có những dấu hiệu khởi sắc và có những bước đi tích cực vượt qua giai đoạn trì trệ. Đây là một thành công lớn trong điều hành vĩ mô đối với nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi và có nhiều khó khăn như hiện nay. Chúng ta vẫn giữ được ổn định chung, đảm bảo được tốc độ tăng trưởng quý I, quý II năm nay cao hơn so với cùng kỳ năm 2013.

PV: Theo kế hoạch NHNN đề ra, mức tăng trưởng tín dụng năm 2014 đạt 12-14% nhưng đã qua 6 tháng mức tăng hiện chỉ đạt 3,52%, điều này cho thấy nguồn tín dụng đẩy ra nền kinh tế chỉ tăng ở mức thấp, vậy ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên: Cá nhân tôi đánh giá đây là một điểm sáng, là điều nên mừng chứ không phải nỗi lo. Đã nhiều năm liền chúng ta nói nền kinh tế phát triển theo chiều rộng, tăng trưởng nhờ tăng trưởng tín dụng, các doanh nghiệp không có nguồn vốn tự có và tăng trưởng nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng. Đến thời điểm này, chỉ số GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,19% cao hơn cùng kỳ năm ngoái ở mức 4,9%, trong khi tăng trưởng tín dụng hơn 3,5%, tức là chúng ta đang điều chỉnh nền kinh tế theo đúng định hướng tái cơ cấu đã đặt ra.

Các doanh nghiệp phải đi vào thực lực sản xuất, không sống dựa vào nguồn tín dụng của ngân hàng. Các doanh nghiệp phải nhìn nhận thực chất hoạt động ngân hàng cũng là hoạt động của một doanh nghiệp. Họ phải tính toán kỹ lưỡng trước khi cho vay để đảm bảo kinh doanh hiệu quả, hạn chế nợ xấu.

Thời gian vừa qua, NHNN đã xây dựng cơ chế, giảm mặt bằng lãi suất, tích cực đưa ra các giải pháp thúc đẩy tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên như cho vay hỗ trợ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ ngư dân bám biển, chương trình liên kết 4 nhà… Đó là sự chủ động của cơ quan quản lý, nhưng mặt khác cũng đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải tự tìm nguồn vốn và xây dựng kế hoạch phát triển kinh doanh hợp lý để tăng trưởng tốt hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên.


PV: Trong hai năm gần đây, ngành ngân hàng đã đưa ra nhiều gói tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng, kích thích dòng vốn lưu chuyển nhưng lượng giải ngân thấp, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên: Các gói tín dụng hỗ trợ đã thể hiện rất rõ sự chủ động, tích cực của NHNN và các tổ chức tín dụng trong việc thúc đẩy dòng vốn lưu thông trong nền kinh tế. Nhưng mặt khác cũng cho thấy, để triển khai được một lượng tiền đi vào nền kinh tế thực và có tác động tích cực đến việc thúc đẩy hoạt động sản xuất thì chỉ một mình ngành ngân hàng hay chỉ có doanh nghiệp với ngân hàng là chưa đủ.

Tôi ví dụ, gói tín dụng hỗ trợ ngư dân bám biển hiện nay. Việc cho vay hỗ trợ ngư dân đóng tàu sắt thay tàu gỗ thể hiện sự nhanh nhạy, chủ động của người làm công tác tín dụng. Nhưng cũng chỉ ra rằng, tính đồng bộ trong nền kinh tế của chúng ta còn yếu. Việc vận hành một con tàu sắt khác với việc vận hành một con tàu gỗ. Đối với tàu gỗ, khi hư hỏng nhẹ, người dân có thể tự khắc phục, thân vỏ tàu hỏng đâu sửa đó bằng cách tự đóng. Nhưng với tàu sắt, sau mỗi chuyến đi biển, cần phải được bảo dưỡng, cạo gỉ, sửa chữa bằng máy móc hiện đại… Điều này đòi hỏi phải có các xưởng sửa chữa, bảo dưỡng, nghi khí hàng hải hiện đại.

Để triển khai hiệu quả gói tín dụng hỗ trợ ngư dân, ngay từ bây giờ cần phải xây dựng kế hoạch phát triển đồng bộ với các bộ, ngành khác còn nếu chỉ có một mình ngành ngân hàng cũng sẽ rất khó khăn. Điều này cũng đặt ra đòi hỏi vai trò nhạc trưởng của Chính phủ cần phải thể hiện rõ nét hơn nữa.

PV: Theo ông, từ nay đến cuối năm 2014, ngành ngân hàng phải làm gì để đạt những mục tiêu đã đề ra về mức tăng trưởng tín dụng, ổn định tỷ giá đúng như cam kết?

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên: Trước hết tôi phải nói rằng, cam kết tăng trưởng tín dụng 12-14% là một phương án giả định để tính bài toán tổng thể trong điều hành kinh tế vĩ mô chứ không phải là chỉ tiêu kế hoạch bắt buộc. Ngoài ra các chỉ số còn phụ thuộc vào độ ổn định, việc tăng trưởng vĩ mô nền kinh tế của cả nước. Chúng ta đưa ra con số đó để đảm bảo việc cung ứng tiền ra thị trường không làm đẩy nhanh yếu tố tăng giá, không tiềm ẩn yếu tố tăng giá cho thời kỳ sau. Với mức cung tiền đó, nền kinh tế của chúng ta có khả năng hấp thụ được và đảm bảo độ ổn định.

Đối với nền kinh tế đang ở giai đoạn chuyển đổi như hiện nay, ngân hàng lại là thành viên của Chính phủ nên áp lực của ngành là rất lớn. Bên cạnh áp lực từ việc đảm bảo tốc độ tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội, đối với chính sách tiền tệ, ngành ngân hàng còn chịu áp lực từ chính sách tài khóa và rất nhiều khó khăn khác.

PV: Cảm ơn  ông!


>>> Tín dụng vẫn gặp khó

Theo AN LÝ

hangnt

Cùng chuyên mục
XEM