Bức tranh ngân hàng quý I/2014: Ì ạch tín dụng, sóng gió nhân sự

19/05/2014 16:16 PM |

Tính đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng niêm yết đều đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý I/2014.

Đúng như nhận định của giới chuyên gia và giới ngân hàng, năm 2014 sẽ còn khó khăn hơn khi quá trình tái cấu trúc diễn ra mạnh mẽ hơn, quy định về hoạt động chặt chẽ hơn. Bởi thế mà bức tranh hoạt động của ngành ngân hàng quý này cho thấy những bất ổn đó, như lợi nhuận sụt giảm, tín dụng vẫn chậm, nợ xấu tăng trở lại và sóng gió nhân sự vẫn chưa dừng.

Gây bất ngờ nhất tính đến thời điểm này là Vietinbank, với chất lượng nợ sụt giảm so với các quý trước. BCTC hợp nhất quý I/2014 cho thấy mặc dù tỷ lệ nợ xấu chỉ tăng nhẹ từ 1% từ cuối năm 2013 lên 1,78% trong 3 tháng đầu năm, nhưng 3 nhóm nợ dưới chuẩn lại tăng mạnh nhất, tới gần 5 lần, từ 515 tỷ đồng cuối năm trước lên trên 2.500 tỷ đồng tại ngày 31/3. Cụ thể, chỉ sau 3 tháng mà nợ nhóm 3, 4 và 5 của ngân hàng tăng thêm 2.535 tỷ đồng, tương đương 67,2% với tổng nợ xấu 6.305 tỷ đồng. Cuối năm ngoái, nợ xấu 3 nhóm này chỉ là 3.770 tỷ đồng.

Nợ xấu tăng, tín dụng ì ạch

BCTC hợp nhất quý I/2014 của MB cũng cho thấy chất lượng nợ của ngân hàng này đang suy giảm. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ 2,5% lên 2,7%, tuy nhiên nợ nhóm 5 đã tăng tới 30%, tương đương 248 tỷ đồng.

Nợ xấu của MB có xu hướng tăng lên. Trong năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của MB tăng từ 1,85% lên 2,46%. Mục tiêu kiềm chế nợ xấu của MB cũng được điều chỉnh tăng từ 3 lên 3,5%. Theo giải thích của MB là do tác động Thông tư 09 và Thông tư 02.

BCTC quý I/2014 của Eximbank cũng cho thấy nợ xấu ngân hàng này tăng lên. Tính đến 31/3, ngân hàng có 1.945 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 2,38% trên tổng dư nợ, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng 16% lên mức 1,246 tỷ đồng. Cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng là 1,98%.

Nợ xấu của Sacombank cũng tăng 33% trong quý I/2014 lên gần 2.400 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này tăng từ 1,45% cuối năm trước lên 1,86%. PGBank cũng ghi nhận việc tăng mạnh nợ xấu trong quý I/2014 lên 554 tỷ đồng, tương đương 35%. Đặc biệt 318 tỷ đồng trong số này là nợ có khả năng mất vốn.

Tính đến 31/3, SHB có 3.506 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 4,25% tổng dư nợ. Riêng nợ có khả năng mất vốn là 2.986 tỷ đồng. Ngoài ra, SHB còn ghi nhận 1.228 tỷ đồng nợ chờ xử lý của Vinashin. Nếu tính thêm khoản nợ này thì tỷ lệ nợ xấu của SHB là 5,75%.

ACB tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 3,02% cuối năm trước lên 3,28% trên tổng dư nợ. Nợ có khả năng mất vốn là 2.311 tỷ đồng, tăng 189 tỷ đồng so với cuối năm trước và chiếm tỷ trọng 66% trong tổng nợ xấu. DongA Bank cũng là ngân hàng có nợ xấu tăng. Tính đến hết quý I/2014, DongA Bank có 2.112 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 3,99% tổng dư nợ.

Đi cùng với nợ xấu tăng đó là sự buồn tẻ của tín dụng, khi nhiều ngân hàng vẫn chưa thể "ngoi" lên mặt đất. Hết quý I/2014, Vietinbank vẫn âm trong tăng trưởng tín dụng. Tính đến 31/3, tăng trưởng tín dụng của Vietinbank âm 5,86% với dư nợ cho vay khách hàng 354.222 tỷ đồng.

ACB cũng cùng cảnh khi 3 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng vẫn âm 0,26%, với dư nợ cho vay khách hàng 106.910 tỷ đồng. DongABank cũng không lấy gì làm vui vẻ khi dư nợ tín dụng tính đến hết quý I/2014 giảm 0,3%, tương đương 52.868 tỷ đồng. Mặc dù ở mức dương nhưng tăng trưởng tín dụng của MB khá khiêm tốn với mức 0,4% trong 3 tháng đầu năm. BIDV cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng, khi mà 3 tháng đầu năm, tín dụng chỉ tăng 1,9%.

Sóng gió nhân sự

Ngay từ đầu năm, nhân sự ngân hàng đã sôi động với những hoạt động sa thải và tuyển dụng. Mặc dù thông tin tuyển dụng của các ngân hàng ngập trên thị trường, tuy nhiên, nó như hoạt động thanh lọc nhân sự do quá trình tái cấu trúc của ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ.

Điển hình như Eximbank. Theo BCTC riêng lẻ của Eximbank, trong 3 tháng đầu năm nay, ngân hàng này đã cắt giảm 476 nhân sự, đưa số cán bộ nhân viên xuống 5.284 người. Các công ty con của Eximbank trong khi đó tuyển thêm 7 người, nên tổng cộng ngân hàng hợp nhất cắt giảm ròng 469 người.

Mặc dù cắt giảm như vậy nhưng Eximbank vẫn đăng tuyển thêm nhân sự cho 19 vị trí, nhưng nhiều nhất là vị trí chuyên viên tư vấn khách hàng cá nhân trên toàn quốc với khoảng 550 người.

Một ngân hàng khác cũng khá mạnh tay trong cắt giảm nhân sự quý đầu năm nay là DongABank. Trong 3 tháng đầu năm, có 168 nhân viên của ngân hàng này bị cắt giảm việc làm, với nhân sự của ngân hàng hợp nhất còn 5.133 người.

Đà cắt giảm nhân sự vẫn chưa đảo chiều khi trong quý I/2014, số lượng nhân viên của toàn hệ thống cũng như riêng ngân hàng mẹ ACB tiếp tục giảm. Tổng số nhân viên của ngân hàng ACB và các công ty con tới hết năm quý I/2014 là 9.099 người, trong đó riêng ngân hàng mẹ ACB là 8.768 người. Như vậy, toàn hệ thống của ACB giảm 32 người trong quý I và riêng ngân hàng mẹ ACB giảm 23 người.

BCTC quý I/2014 của Vietcombank cho thấy, số nhân viên của Vietcombank là 13.859 người, giảm 5 người so với cuối năm ngoái. Dù vậy, Vietcombank từng tuyên bố sẽ tuyển thêm 1.000 người cho 15 chi nhánh sắp mở trong năm nay.

SHB cũng nằm trong xu hướng đó, quý I/2014, SHB đã cắt giảm 100 việc làm, đưa tổng số cán bộ nhân viên xuống 4.902 người.

Tuy nhiên, hoạt động tuyển dụng lại diễn ra khá mạnh mẽ. Ví như Vietinbank trong quý I/2014 đã tuyển dụng thêm 410 người; Sacombank tuyển dụng 102 người.

Chắc hẳn trong thời gian tới, sóng gió nhân sự trong hệ thống ngân hàng vẫn sẽ diễn tiến mạnh mẽ và hứa hẹn sẽ thu hút sự chú ý của giới quan sát, nhất là tại những ngân hàng có kế hoạch sáp nhập, hợp nhất…

Theo Minh Huệ

thanhhuong

Cùng chuyên mục
XEM