Tái chế gậy bóng chày gãy thành đũa, muỗng, nĩa… một công ty Nhật Bản đã cứu được cả một khu rừng

03/05/2019 08:58 AM | Kinh doanh

Trước đây, gậy bóng chày hư hỏng sẽ nhanh chóng trở thành… củi đốt để sưởi ấm vào mùa đông, đây là một sự lãng phí vô cùng lớn khi một cây tần bì 50 – 70 năm tuổi chỉ chế tạo được 5 – 6 gậy bóng chày.

Nội dung nổi bật:

Bối cảnh: Sau một thời gian chống lại "vấn nạn" đũa ăn liền, Hyozaemon nhận ra những cánh rừng tần bì Nhật Bản cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ môn thể thao số 1 Nhật Bản - bóng chày.

Kế hoạch: Thu gom tất cả gậy hư để tái chế thành đũa ăn, bót đi giày, muỗng, nĩa … Hyozaemon hy vọng thay đổi được ý thức của người dân cả nước về loại cây đặc trưng của Nhật Bản.

Kết quả: Không chỉ thuyết phục được Hiệp hội bóng chày, các CLB ngày nay cũng ít sử dụng gỗ tần bì hơn, các bên còn chung tay quyên góp để phục hồi cả một cánh rừng hơn 10.000 cây tại Hokkaido.


Vấn nạn "xài một lần"

Số lượng đũa dùng một lần ở Nhật đang tăng cao hơn bao giờ hết, với 24 triệu đôi được sử dụng và ngay lập tức bị vứt bỏ mỗi năm. Nhật Bản hiện chỉ đứng sau Trung Quốc (57 tỷ đôi/năm) về mức độ phung phí.

Tái chế gậy bóng chày gãy thành đũa, muỗng, nĩa… một công ty Nhật Bản đã cứu được cả một khu rừng - Ảnh 2.

Được phát triển vào những năm 1980, những chiếc đũa ăn liền được sinh ra để giải quyết tình trạng gỗ vụn dư thừa trong sản xuất. Nhưng công nghệ chế biến gỗ ngày một hoàn thiện khiến số lượng gỗ "dư thừa" ngày càng giảm. Chính vì thế, các nhà sản xuất đũa ăn liền chuyển sang trực tiếp khai thác gỗ cho sản phẩm của mình.

Cho đến ngày nay, ước tính có đến gần 1/2 đũa ăn liền được làm từ các nguyên liệu rẻ tiền như tre, gỗ dương, gỗ bulô, gỗ vân sam … hoàn toàn đánh mất ý nghĩa "tiết kiệm" thuở ban đầu.

Theo một báo cáo gần đây, "đũa ăn liền" là một trong những nguyên nhân chính đằng sau sự biến mất của hơn 30.000 km2 rừng mỗi năm khắp các nước Châu Á, nhất là ở những quốc gia đang phát triển.

Chính vì thế, đối với công ty Hyozaemon, "ăn liền" là một tệ nạn cần được giải quyết, khác với những công ty sản xuất đồ dùng nhà bếp khác, Hyozaemon đặt chất lượng lên hàng đầu, mong muốn từng đôi đũa sẽ có tuổi thọ lâu nhất có thể, tránh phí phạm nguồn tài nguyên quý giá này.


Chiến dịch "để đời"

Tái chế gậy bóng chày gãy thành đũa, muỗng, nĩa… một công ty Nhật Bản đã cứu được cả một khu rừng - Ảnh 3.

Takeo Minatoya và những cây gậy được quyên góp

Vào đầu những năm 2000, công ty Hyozaemon quyết định tung ra dòng đũa gỗ mới có tên "Kattobashi", làm từ những cây gậy bóng chày đã qua sử dụng.

Hyozaemon bắt đầu thực hiện chiến dịch "tái chế" sau khi đọc được một báo cáo vào năm 2000 chỉ ra sự biến mất nhanh chóng của rừng tần bì Nhật Bản. Là một trong số ít những loại gỗ đặc trưng trong nước, gỗ tần bì được đánh giá cao với độ bền tốt, trọng lượng nhẹ, mềm dẻo và khó bị bong tróc, một nguyên liệu lý tưởng để làm gậy bóng chày.

Với những điểm mạnh trên, những ngôi sao hàng đầu Nhật Bản như Ichiro Suzuki và Hideki Matsui rất ưa dùng loại gỗ này, tạo thành một trào lưu trong giới bóng chày Nhật, nhưng tiếc rằng Bộ Lâm nghiệp lại không đủ khả năng để tái tạo những khu rừng tần bì bị khai thác quá đà.

Chỉ những cây gỗ tần bì tuổi đời từ 50 tới 70 năm tuổi mới đủ lớn để đưa vào sản xuất, nhưng cũng chỉ làm được tối đa từ 5 đến 6 cây gậy.

"Chúng tôi biết là sẽ còn nhiều tần bì sâu trong rừng, nhưng khai thác tại đó sẽ tốn rất nhiều tiền." – một nhân viên khai thác cho hay. Chính vì thế, cả một khu vực phía Bắc Hokkaido gần như bị đốn trụi chỉ để sản xuất gậy bóng chày.

Dẫn đầu chiến dịch tái chế này là ông Takeo Minatoya, một cựu vận động viên bóng chày chuyên nghiệp và hiện là giám đốc vận hành của Hyozaemon.

Dù đã đến gần ngày phải nghỉ hưu, nhưng ông Minatoya vẫn đang cố gắng hết sức để giúp "Kattobashi" trở nên phổ biến hơn, hướng đến mục tiêu khiến cả ngành bóng chày nước Nhật "có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường."

Trước khi có sự xuất hiện của Hyozaemon và những chiếc đũa tái chế, các cây gậy bóng chày không còn đủ điều kiện thi đấu thường được quyên góp hoặc đơn giản là chất vào một góc để dùng làm … củi sưởi ấm cho các vận động viên vào mùa đông.

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi khi Hyozaemon sẵn sàng tiếp nhận chúng để biến thành đũa ăn, bót đi giày, ly rượu và muỗng nĩa …

Tái chế gậy bóng chày gãy thành đũa, muỗng, nĩa… một công ty Nhật Bản đã cứu được cả một khu rừng - Ảnh 4.

Khởi đầu chỉ với mong muốn tái chế thành đũa ăn, nhưng ông Minatoya đã nhanh chóng tìm được cách tận dụng tất cả những phần còn lại.

Phần đầu thân gậy đủ dày để tái chế thành 5-6 đôi đũa ăn. Sau khi được cắt tỉa và mài về đúng kích cỡ tiêu chuẩn, mỗi cặp đũa sẽ được bọc bằng một lớp sơn mài và thêm logo của chính đội bóng đã ủng hộ.

Ngoài ra, phần thon hơn của gậy sẽ được chế tạo thành bót đi giày, phần tay cầm mỏng nhất được tái chế thành cán muỗng nĩa, và cuối cùng là phần đuôi gậy được biến thành những ly rượu đầy tinh tế.

Giờ đây, khách hàng hoàn toàn có thể ăn sushi bằng chính đôi đũa đã tung hoành trên đấu trường danh giá nhất Nhật Bản.


Kết quả

Tái chế gậy bóng chày gãy thành đũa, muỗng, nĩa… một công ty Nhật Bản đã cứu được cả một khu rừng - Ảnh 5.

Những đôi đũa Kattobashi thành phẩm

Tính đến thời điểm hiện tại, Hyozaemon khẳng định với tờ New York Times rằng công ty đang tái chế hơn 10.000 gậy sau mỗi mùa bóng.

Sau một thời gian đấu tranh, các hãng sản xuất và đa phần vận động viên Nhật Bản đã dần chuyển sang sử dụng gỗ được quy hoạch bền vững, gần như chấm dứt việc khai thác tần bì.

Nhận thấy tác động tiêu cực tới môi trường, Hiệp hội bóng chày Nhật Bản đã cam kết quyên góp 31.000 USD / năm và các CLB cũng chung tay ủng hộ hơn 22.000 USD cho Hội bảo vệ Tần bì Nhật Bản, tất cả số tiền trên đã giúp một cánh rừng tần bì hơn 10.000 cây nhanh chóng được phục hồi và xanh tươi.

Thanh Sang

Cùng chuyên mục
XEM