Suy cho cùng, chúng ta chỉ là con người và chúng ta không thể có tất cả!

07/01/2017 08:50 AM | Sống

Ai cũng muốn có được mọi thứ trong cuộc sống, công việc lý tưởng với khả năng tài chính dồi dào, những khoảng thời gian hạnh phúc bên gia đình, người thân... Thế nhưng, chúng ta chỉ là con người, chúng ta không thể có tất cả.

Những câu chuyện trên Facebook luôn có phần hư cấu, người ta cho rằng những gì trôi nổi trên mạng xã hội này chỉ có khoảng 30% là thật hoặc nó được viết bởi một đứa xì-tin giẩm dít nào đó để câu Like. Thế nhưng, ngoại trừ những thứ đó, trên Facebook cũng có rất nhiều câu chuyện ý nghĩa (mặc dù có vẻ không phải là thật), dưới đây là một trong những câu chuyện hư cấu đó nhưng nó có thể sẽ khiến bạn phải suy nghĩ.

Câu chuyện "hơi" hư cấu

Câu chuyện này về một người đàn ông có tên Mohammed El-Erian, CEO của một công ty có trị giá tới cả chục tỷ đô và mỗi năm có lãi tới cả trăm triệu USD. Vào tháng 1, Mohammed quyết định nhường quyền cho người khác để dành nhiều thời gian hơn cho cô con gái 10 tuổi của ông.

Nghe có vẻ rất hấp dẫn, thế nhưng một quyết định như thế sẽ làm rung chuyển cả giới kinh doanh và có ảnh hưởng lớn tới nhiều công ty, tổ chức khác nhau. Nó đi ngược lại với những tư duy làm giàu mà nhiều người nghĩ tới trước đó.

Quyết định của Mohammed được đưa ra sau một lần cãi nhau với cô con gái 10 tuổi này, quá tức giận vì con gái không chịu đánh răng, Mohammed đã lớn tiếng quát con. Thật bất ngờ khi cô con gái từ chối làm theo khiến Mohammed phải đưa ra câu nói kinh điển mà cha mẹ nào cũng dùng khi bất lực với con: "Ta là cha của con và con hãy làm theo những gì cha nói!", cô con gái bình tĩnh đáp lại "Cha, dừng lại". Sau đó cô bé nhanh chóng chạy vào phòng và lấy giấy viết ra 22 thứ quan trọng trong cuộc sống của cô từ khi còn bé, những khoảnh khắc mà Mohammed không ở bên con mình.

Từ những thứ đơn giản như sinh nhật, buổi biểu diễn tại trường, hay ngày cô bé rụng răng... Đọc xong những dòng chữ ngô nghê viết bằng bút sáp, Mohammed bỗng im lặng, ông nhận ra mình đã là một người cha tồi tới mức nào.

Chi phí cơ hội và sự đánh đổi

Chẳng có gì miễn phí, nếu hiểu về kinh tế, kinh doanh chắc bạn sẽ biết về khái niệm "chi phí cơ hội". Nếu bạn chưa biết, chi phí cơ hội đồng nghĩa với việc dù bạn làm bất kì thứ gì trong cuộc sống, nó sẽ tiêu tốn của bạn một thứ khác (kể cả trực tiếp hay gián tiếp). Ví dụ cơ bản là ai đó đưa bạn đi ăn trưa, một bữa ăn miễn phí. Mặc dù có được giá trị của bữa ăn trong khoảng thời gian đó, thứ mà bạn mất đi chính là những công việc, hành động khác bạn có thể thực hiện được trong khoảng thời gian này.


Ví dụ khác là bạn đi ngủ vào buổi chiều, bạn đánh mất thời gian, cơ hội để được làm việc hay những hoạt động khác nhau. Đó là lý giải cơ bản cho chi phí cơ hội.

Ví dụ khác là bạn đi ngủ vào buổi chiều, bạn đánh mất thời gian, cơ hội để được làm việc hay những hoạt động khác nhau. Đó là lý giải cơ bản cho chi phí cơ hội.

Trong trường hợp của Mohammed, những gì ông mất là khoảng thời gian với cô con gái 10 tuổi của mình, thứ được ông đánh đổi bằng công việc, sự nghiệp.

Ở xã hội hiện đại, chúng ta thường vinh danh những người giàu có, những người làm điều phi thường, họ thật vĩ đại. Thế nhưng, bản chất của những thứ phi thường đó đôi khi đòi hỏi họ phải đánh đổi rất nhiều, chi phí cơ hội rất lớn. Hãy lấy ví dụ như Bill Gates, giàu như ông nhưng vẫn có khoảng thời gian Bill Gates ngủ tại văn phòng 5 ngày mỗi tuần và độc thân cho tới những năm 30 tuổi.

Tương tự, Steve Jobs là một người cha tồi với cô con gái đầu tiên của ông hay Ngọc Trinh không thể tự do đi ăn tối cùng bạn trai mà không bị người khác nhòm ngó hay máy ảnh chụp liên tục, thứ mà chẳng ai thoải mái khi làm việc của mình cũng không xong.

Quay lại vấn đề ban đầu, để làm được những thứ to lớn, vĩ đại bạn cần hi sinh hay từ bỏ một thứ gì đó tương xứng. Bạn sẽ không nhận ra điều này ngay đâu, thế nhưng một khi nó dồn nén lại, bạn sẽ lĩnh trọn hậu quả về quá trình đánh đổi của mình.

FOMO - Sự sợ hãi của con người hiện đại

Vấn đề là đây, xã hội hiện đại khuếch tán cơ hội của chúng ta lên nhiều lần, từ đó nó cũng khuếch tán chi phí cơ hội của chúng ta, điều đó khiến chúng ta tiêu tốn, đánh đổi nhiều thứ hơn và chẳng có mấy cách để cân bằng mọi thứ mà không cảm thấy nuối tiếc. Bạn có thể hiểu điều trên với khái niệm "FOMO" hay được tạm dịch là nỗi sợ hãi mất mát.

Khoảng 200 năm trước thôi, con người chẳng hề có vấn đề này, nếu bạn sinh ra trong một gia đình làm nông, khả năng lớn là bạn sẽ tiếp tục làm nông cho tới vài thế hệ nữa. Thêm vào đó, sự thiếu thốn cơ hội khiến bạn không nhìn thấy thứ gì khác ngoài làm nông và rồi hiến trọn cả đời mình vào trồng trọt mà không nghĩ ngợi gì. Không có cơ hội = không có chi phí cơ hội và tất nhiên là không có FOMO, mọi thứ thật nhẹ nhàng (ngoại trừ việc hơi nghèo một chút).

Con người đã từng tự tin nói rằng họ có tất cả mọi thứ, từ sự nghiệp, công việc cho tới hạnh phúc gia đình... Họ có mọi thứ, đơn giản vì họ chẳng có thêm được gì vì cơ hội đâu có xuất hiện, phải không nào?

Còn ở thời điểm hiện tại, mất cân bằng trong công việc - gia đình là thứ ai cũng gặp, thứ thay đổi ở chúng ta không phải là khả năng cân bằng cuộc sống, không phải con người hiện đại "kém" hơn trong khoản quản lý thời gian, làm chủ tình huống... Thứ thay đổi lớn nhất chính là cơ hội, nó xuất hiện nhiều hơn, chúng ta có thể làm nhiều hơn nếu thích, chơi nhiều hơn nếu cần và chúng ta cũng hiểu hơn về những gì mình đã bỏ lỡ. Về cơ bản, chúng ta có khoản chi phí cơ hội nhiều hơn bao giờ hết và nó không có dấu hiệu dừng lại.

Vậy, làm thế nào để đối phó với tình huống này, làm cách nào để quản lý FOMO của chính bản thân? Hãy quay lại với câu chuyện của Mohammed.

Mohammed kể lại rằng trong nhiều năm ông không nhớ chút nào tới ngày sinh nhật của con mình, hoặc vì ông quá bận trong công việc hoặc lịch họp, đi công tác dày đặc hoặc đơn giản là ông quên rằng con mình sinh vào ngày nào.

Đây là mô típ điển hình trong câu chuyện mất cân bằng sự nghiệp - cuộc sống, một số người sẽ thốt lên rằng "tôi có quá nhiều thứ muốn làm nhưng không có đủ thời gian".

Thế nhưng, sẽ ra sao nếu câu trả lời không phải là làm nhiều hơn?

Hoặc sẽ ra sao nếu câu trả lời là muốn ít hơn?

Hoặc sẽ ra sao nếu giải pháp chỉ đơn giản là chấp nhận những gì chúng ta đã đánh đổi, suy cho cùng chúng ta chỉ là con người, chúng ta chỉ có thể ở một nơi, một chỗ vào một lúc nào đó và làm những công việc trong khoảng giới hạn đó? Sẽ ra sao nếu chúng ta nhận ra giới hạn của bản thân và rồi làm mọi thứ chúng ta quan tâm theo ưu tiên và theo cái giới hạn đó?

Cuối cùng, sẽ ra sao nếu bạn tự nói với bản thân rằng "đây là những thứ tôi chọn và nó có giá trị hơn bất kì thứ gì trên đời!" sau đó đi theo lựa chọn tới cùng?

Khi chúng ta cố gắng làm mọi thứ, để bù đắp những bản thống kê hàng ngày, những hoạt động cuộc sống hay đơn giản để có tất cả. Thứ chúng ta đang nhắm tới là một cuộc sống vô thực, một nơi mà mọi thứ có giá trị như nhau, không gì lên nhưng cũng chẳng mất đi thứ gì. Tại nơi đó, mọi thứ đều cần thiết và được mong muốn như nhau, bạn biết rồi đó, khi mọi thứ như nhau thì sẽ chẳng còn gì giá trị nữa.

Với những người gặp phải rắc rối trên, họ thường phàn nàn rằng không biết mình nên làm gì. Vấn đề cơ bản ở đây không phải là họ không biết nên làm gì mà là họ không biết mình nên đánh đổi, hi sinh thứ gì để làm được việc đó.

Ưu tiên của Mohammed là 100 triệu USD mỗi năm, ưu tiên của Mohammed là trở thành một CEO hoàn hảo, ưu tiên của Mohammed là có được một cuộc sống giàu sang phú quý... Và để có được những thứ kia, điều mà Mohammed từ bỏ chính là sự hiện diện trong cuộc sống của con gái mình.

Chúng ta không thể có tất cả, một điều được thực hiện đồng nghĩa với một điều phải hi sinh, một thứ mất đi. Khi muốn làm một việc gì đó, hãy xem chi phí cơ hội của nó là gì, bạn đã sẵn sàng hi sinh và đáp ứng chi phí đó chưa?

Van Vu

Cùng chuyên mục
XEM