Suốt 13 năm thế giới chưa thể có thêm một công ty khởi nghiệp thành công như Facebook, Google: Phải chăng kỷ nguyên startup Internet đã chấm dứt?

26/07/2017 08:02 AM | Kinh doanh

Công ty khởi nghiệp công nghệ thành công nhất thời gian trở lại đây chính là Facebook – tới nay đã 13 năm tuổi!

Thung lũng Silicon được xem là mảnh đất “mát tay” bởi nó đã giúp rất nhiều chàng trai trẻ khởi nghiệp từ garage ô tô hoặc phòng ký túc xá để rồi sau đó tạo nên những công ty thay đổi thế giới.

Đó đúng là những gì đã xảy ra với Apple và Microsoft vào những năm 1970; AOL vào năm 1980; Amazon, Yahoo và Google vào những năm 1990 và Facebook vào năm 2000.

Tuy nhiên, kể từ năm 2010, thế giới dường như trở nên “khát” startup hơn bao giờ hết. Mọi người vẫn khởi nghiệp, dĩ nhiên là thế. Thậm chí startup còn trở thành xu hướng phổ biến nhưng, công ty khởi nghiệp công nghệ thành công nhất thời gian trở lại đây chính là Facebook – tới nay đã 13 năm tuổi!

Cho tới năm ngoái, Uber vẫn được kỳ vọng trở thành gã khổng lồ công nghệ mới nhất của Thung lũng Silicon. Tuy nhiên, hiện tại tình hình đang trở nên rối hơn bao giờ hết. CEO đồng thời là đồng sáng lập Uber đã từ chức, hàng loạt vị trí lãnh đạo cấp cao khác bị bỏ trống và tương lai của công ty hiện hoàn toàn bất định.

Cũng có nhiều công ty công nghệ khác hình thành trong vòng 10 năm qua cũng chưa ai đạt được thành tựu thực sự xuất sắc. Airbnb – công ty công nghệ Mỹ giá trị nhất thế giới chỉ sau Uber hiện được định giá 31 tỷ USD, chỉ bằng khoảng 7% giá trị của Facebook. Một số khác gồm Snap, Square và Slack thậm chí giá trị còn thấp hơn rất nhiều.

Vậy điều gì đang diễn ra?

“Khi chứng kiến Google và Amazon những năm 1990, tôi cảm thấy họ giống những nhà thám hiểm đại tài như Columbus và Vasco da Gama khi lần đầu tiên lái tàu ra khỏi lãnh thổ Bồ Đào Nha vậy”, Jay Zaveri – một nhà đầu tư tại thung lũng Silicon chia sẻ.

Zaveri cho rằng những người tiên phong trong ngành công nghiệp Internet đã nhanh chân lấy được “những trái ngon dễ hái” và cực kỳ may mắn khi “tóm” được những lĩnh vực thực sự sinh lời gồm tìm kiếm, mạng xã hội và thương mại điện tử. Chính vì vậy cơ hội cho những kẻ đến sau như Pinterest và Blue Apron không còn nhiều.

Tuy nhiên, câu chuyện không hẳn đơn giản như vậy!

Những công ty công nghệ khổng lồ hiện nay đã trở nên rất khôn khéo trong việc tiên đoán và đối phó với những đe dọa rình rập đối với vị trí thống trị của họ. Việc này được tiến hành bằng cách liên tục mở rộng mạnh mẽ ra các thị trường mới và mua lại những đối thủ tiềm năng khi chúng vẫn còn khá nhỏ. Một số chuyên gia thì chỉ trích rằng các công ty này đang kiểm soát và nắm giữ chặt một cơ sở hạ tầng Internet, khép cánh cửa bước vào thị trường đối với những công ty Internet nhỏ.

Kết quả là, một ngành công nghiệp vốn nổi tiếng mở cửa cho tất cả mọi người bỗng trông giống như một sân chơi độc quyền với sự thống trị của một vài công ty lớn với vị trí vững chắc.

Cá lớn nuốt cá bé

Ai ở thung lũng Silicon cũng đều biết câu chuyện về những công ty từng cực kỳ to lớn như Digital Equipment Corporation, Sun Microsystem, AOL và Yahoo cuối cùng đều bị mua lại bởi những công ty công nghệ khác. Nhà đầu tư Phin Barnes cho rằng những gã khổng lồ công nghệ hiện nay đã nghiên cứu cẩn thận những sai lầm mà các công ty kể trên mắc phải và quyết tâm không bao giờ lặp lại.

Đội ngũ quản lý tại những công ty công nghệ lớn hiện nay như Facebook, Amaon, Google và Microsoft “hiểu rõ những rủi ro tiềm ẩn”.

Với Facebook, thử nghiệm đầu tiên tới từ việc ra mắt điện thoại thông minh. Khởi đầu, Facebook ra mắt công chúng thông qua giao diện cho màn hình máy tính tuy nhiên để không chịu chung số phận với Yahoo, công ty này đã nhanh chóng chuyển tập trung sang giao diện cho các thiết bị điện thoại và yêu cầu đội ngũ kỹ sư tạo ra những ứng dụng di động tiên phong.

Zuckerberg cũng tích cực “mua sắm”. Anh này thường xuyên săn lùng những công ty đang xây dựng được lượng khách hàng lớn trên các thiết bị di động. Trong năm 2012, Facebook đã mua lại Instagram – khi ấy mới chỉ có một vài nhân viên với giá 1 tỷ USD. Hai năm sau đó, Mark tiếp tục cho mua startup nhắn tin WhatsApp với giá 19 tỷ USD.

Zuckerberg đã theo đuổi cách làm giống như vị tiền bối của mình là Google. Trong năm 2006, Google đã trả 1,65 tỷ USD cho YouTube – một kênh video hàng đầu trên mạng Internet. Ấn tượng nhất là việc Google mua một công ty phần mềm di động ít được biết đến có tên Android vào năm 2005 và sau đó biến đây trở thành hệ điều hành di động phổ biến bậc nhất toàn thế giới.

Hiện tại, những thương vụ này đều cho thấy đó là quyết định đúng đắn: WhatsApp và YouTube hiện là những mạng xã hội hàng đầu trên Internet chỉ sau Facebook. Instagram đứng vị trí tiếp theo trong danh sách – loại trừ những đối thủ tới từ Trung Quốc. Nếu những công ty này vẫn còn độc lập, rất có thể chúng sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với Google và Facebook. Thay vào đó, hiện chúng lại trở thành một phần của những đế chế khổng lồ như Google và Facebook.

Amazon hiện cũng đang theo đuổi chiến lược tương tự. Họ đã mua hãng giày Zappos vào năm 2009 và một năm sau đó là Quidsi – công ty đứng đằng sau website Diapers.com.

Chấp nhận bị mua thì sống, ngược lại chắc chắn chết

Dẫu vậy, không phải startup nào cũng chấp nhận lời đề nghị thâu tóm từ những gã khổng lồ. CEO Snapchat Evan Spiegel là một ví dụ. Anh này đã từ chối lời chào mua trị giá 3 tỷ USD từ Mark Zuckerberg vào năm 2013 và sau đó đổi tên công ty thành Snap để IPO vào tháng trước.

Tuy nhiên, thông qua Instagram, Facebook đã tự xây dựng những tính năng giống hệt Snapchat. Cụ thể, Instagram đã cho ra mắt 6 phiên bản khác nhau của dạng stories như Snapchat vào năm ngoái và trong vòng 6 tháng Instagram stories đã có lượng người dùng hàng ngày nhiều hơn cả chính Snapchat.

Trước áp lực cạnh tranh quá gay gắt từ Instagram, cổ phiếu Snap đã lao dốc không phanh sau ngày IPO.

CEO Instagram chấp nhận "bán mình" cho Facebook

CEO Yelp là Jeremy Stoppelman cũng đã quyết từ chối lời chào mua của Google và Yahoo để đưa công ty IPO vào năm 2012. Google đã phản ứng lại bằng cách phát triển dịch vụ tương tự của riêng họ. Và theo CEO Stoppelman thì Google đã tận dụng lợi thế công cụ tìm kiếm của mình để tạo ra cạnh tranh không công bằng với Yelp.

“Google bắt đầu xếp lại và thay đổi thứ tự kết quả tìm kiếm”, CEO Stoppleman nói trong bài phỏng vấn vào tháng 6. Yelp thường xuất hiện ở những trang sau trong kết quả tìm kiếm từ Google và bởi vậy họ rất khó thu hút được người dùng. Kết quả là Yelp hiện chỉ đủ khả năng để sinh tồn ở thị trường Mỹ còn nỗ lực mở rộng ra nước ngoài của công ty này là thực sự khó khăn.

Chứng kiến viễn cảnh phải cạnh tranh gay gắt như vậy khiến nhiều công ty khởi nghiệp mới nổi sợ hãi và họ đành chấp thuận "bán mình". Quidsi – công ty đứng đằng sau Diapers.com ban đầu tư chối lời mời mua lại từ Amazon. Amazon ngay lập tức giảm giá loại tã trẻ con bán trên trang web này.

CEO Quidsi đã ngồi tính toán phí vận chuyển cộng với hiểu biết về giá mua buôn từ P&G và đưa ra kết luận rằng Amaon đã phải chi khoảng 100 triệu USD trong vòng 3 tháng để theo đuổi chiến lược giảm giá này. "Vừa khởi nghiệp kinh doanh, Quidsi không thể có đủ tiềm lực để chịu chi như vậy vì thế công ty cuối cùng buộc phải bán cho Amazon vào năm 2010".

Trong quá khứ, những startup Internet cổ điển như Yahoo, eBay, Google và Facebook thường ra đời bằng một khoản tiền khiêm tốn và sau đó có lợi nhuận sau vài năm.

“Mark Zuckerberg có một lợi thế to lớn khi thành lập Facebook bởi chi phí để vận hành một website không lớn, kể cả là có hàng triệu người dùng”, theo Mike Maples – một nhà đầu tư tại công ty Floodgate. Chính vì vậy, Zuckerberg có thể nhanh chóng tạo ra lợi nhuận và khi tiếp tục phát triển, website này có sẵn tiền để tham gia những thương vụ thâu tóm.

Tuy nhiên, những năm gần đây mọi chuyện đã khác!

Khi các nhà đầu tư nhận thấy tiềm năng thu được lợi nhuận của một công ty công nghệ, họ sẵn sàng rót tiền và nguồn lực vào để đảm bảo startup được đầu tư sẽ trở thành một trong những kẻ thống trị thị trường. Nhưng chính điều đó, khiến khả năng thu được lợi nhuận càng thấp.

Đó là tình huống đang diễn ra trong thị trường chia sẻ xe. Uber và Lyft đã tham gia cuộc chiến về giá trong suốt nhiều năm, "ngốn" của Uber hàng tỷ USD còn Lyft cũng mất cả triệu. Tình huống tương tự cũng đang diễn ra trong thị trường vận chuyển đồ ăn khi nhiều công ty đã tốn hàng triệu USD để thu hút khách hàng.

Một điểm khác cần lưu ý là: Các công ty công nghệ khổng lồ ngày một gia tăng kiểm soát đối với những startup xây dựng nền tảng tiếp cận người dùng.

Facebook đang ngày càng phát triển lượng người dùng và bất kỳ ai muốn tiếp cận khách hàng qua kênh này đều phải trả tiền. "Hãy đưa cho chúng tôi 4 USD cho mỗi lần cài đặt và chúng tôi sẽ giúp bạn có người dùng và kiếm được thật nhiều tiền nhờ quá trình này”.

Vì vậy, mặc dù chi phí để xây dựng một dịch vụ trực tuyến ngày một rẻ hơn nhưng nhiều công ty sẵn sàng chi ra hàng triệu USD cho quảng cáo để đưa ứng dụng và dịch vụ của họ tiếp cận những người dùng tiềm năng. Và một phần lớn số tiền ấy đã chảy vào túi Google và Facebook.

Rõ ràng với những thách thức mà các startup phải đối mặt, có một sự lo ngại nho nhỏ rằng một sản phẩm đại chúng, mang tính đổi mới có thể tiếp cận được tới khách hàng. Lý do cực kỳ đơn giản để giải thích tại sao đã quá lâu rồi thế giới không có thêm bất kỳ công ty Internet lớn nào là bởi thị trường đã bị những gã khổng lồ khai thác gần cạn kiệt rồi!

Một vài tháng trước, mạng Internet đã sục sôi về một startup kỳ cục mang tên Juicero – họ bán một chiếc máy ép hoa quả với giá "cắt cổ" cùng cách thức hoạt động khá kỳ cục. Dẫu vậy việc thiết bị này vẫn nhận được sự tin tưởng của một vài nhà đầu tư cho thấy khó khăn trên thị trường để tung ra một sản phẩm thật sự cải cách.

Thậm chí một vài startup mới đây như Snap, Square và Pinterest cũng chưa tạo ra được cuộc cách mạng thật sự giống như Apple, Amazon và Google từng làm.

Hiện tượng này từng xảy ra trước đây vào những năm 1950, 1960 và 1970 khi ngành sản xuất chất bán dẫn bùng nổ. Tuy nhiên, cuối cùng thị trường lại lắng xuống với một vài công ty lớn như Intel, Samsung, Qualcomm thống trị thị trường.

Vào những năm 1980, các công ty lớn như Microsoft, Adobe và Intuit đã tạo ra những phần mềm cho máy tính. Đến nay họ vẫn tiếp tục kiếm được tiền bởi vậy không còn nhiều cơ hội để những startup mới nổi phát triển phần mềm cho PC.

Tình huống tương tự có lẽ đang xảy ra với ứng dụng và dịch vụ trực tuyến. Hiện tại chúng ta đang có quá nhiều việc để làm trên một trình duyệt web và điện thoại thông minh và đã phần những "miếng bánh ngon nhất" đều đang được Google, Facebook và Snap kiểm soát.

Dĩ nhiên, điều đó không có nghĩa là tinh thần đổi mới tại thung lũng Silicon đã dừng lại, chỉ có điều sẽ khác một chút so với những gì xảy ra trong 20 năm trước.

Lấy Tesla là một ví dụ. Đây là một công ty thung lũng Silicon cổ điển. Họ có trụ sở tại Palo Alto và có đội ngũ nhà phát triển riêng để thiết kế mọi thứ từ giao diện màn hình tới phần mềm tự lái.

Tuy nhiên nhìn ở một góc độ khác, Tesla lại đại diện cho một thứ gì rất mới mẻ. Trong khi Apple sản xuất iPhone tại Trung Quốc thì Tesla lại vận hành nhà máy sản xuất ô tô tại Fremont, California. Khi những công ty như Uber và Airbnb kêu gọi mọi người không cần sở hữu xe và nhà, Tesla lại chi hàng tỷ USD cho những nhà máy pin.

Vì vậy ngay cả khi những gã khổng lồ như Google, Facebook và Amazon tiếp tục thống trị thị trường dịch vụ trực tuyến thì điều đó không có nghĩa là họ vẫn duy trì là người dẫn đầu trong việc đổi mới công nghệ.

Thay vào đó, sự đổi mới có thể đi theo những hướng khác nhau – như xe điện và máy bay không người lái thay vì ứng dụng điện thoại thông minh. Chúng ta quen với suy nghĩ thung lũng Silicon, Internet và sự đổi mới là những thứ có thể hoán đổi cho nhau. Nhưng, rất có thể làn sóng đổi mới tiếp theo sẽ rất khác so với trước đây.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM