Sức mạnh mềm của Bắc Kinh bị sứt mẻ vì khách du lịch Trung Quốc

15/07/2016 14:00 PM | Kinh tế vĩ mô

Để cải thiện hình ảnh của người dân Trung Quốc đối với người nước ngoài, chính phủ nước này đã phải công bố sách hướng dẫn cư xử đúng mực dành cho khách du lịch Trung Quốc khi đi đến các nước khác.

Trong mắt người bản địa, mỗi khi nhắc đến khách du lịch Trung Quốc, người ta lại nhớ đến những nhóm người ăn nói ồn ào, mất lịch sự. Họ vung tiền khắp nơi và thường không mấy quan tâm hoặc tôn trọng đến văn hoá đất nước mà họ đến thăm.

Theo số liệu từ McKinsey, năm ngoái số khách du lịch Trung Quốc ở nước ngoài lên tới 70 triệu người, trung bình mỗi người đi du lịch 1,5 chuyến. Hầu hết mọi người trở về nhà mà không gây ra chuyện phiền phức gì.

Tuy nhiên, nhiều bài báo và đoạn video được lan truyền rộng rãi trên mạng cho thấy những mảng tối khác của vấn đề này. Điều đó khiến cho chính phủ Trung Quốc đã phải công bố sách hướng dẫn cư xử đúng mực và thậm chí còn đưa ra một danh sách đen trong đó có những cái tên du khách Trung Quốc đến quốc gia khác bị ghét nhất.

Trong danh sách này là một cặp vợ chồng trong đó người vợ đã quát tháo một tiếp viên hàng không vì muốn được mở cửa thoát hiểm để hít khí trời, trong khi người chồng đã hành hung một nhân viên bán hàng ở Nhật Bản vì cô này bảo vợ anh không được ăn trước khi mua đồ.

Giới lãnh đạo Trung Quốc đã công khai tỏ ra không hài lòng với những cách cư xử tồi tệ của khách du lịch Trung Quốc khi đến các nước khác. Hơn hết, điều đó đã làm tổn thương những nỗ lực của Bắc Kinh bấy lâu nay trong công cuộc xây dựng sức mạnh mềm trên toàn thế giới.

Cuốn sách hướng dẫn cư xử mà giới chức đưa ra cho người dân có ghi rõ: Cấm khách du lịch Trung Quốc có hành vi khạc, nhổ, hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút thuốc, nói quá to, lấy những đồ không phải là hàng tặng trong khách sạn, làm bẩn nhà vệ sinh công cộng, "đuổi theo, đánh đập hoặc cho động vật ăn" và "để lại dấu chân trên bồn cầu vệ sinh".

Rất nhiều đề xuất trong sách hướng dẫn cư xử này được lấy từ hướng dẫn hành vi cư xử được Tổ chức du lịch Hokkaido đưa ra nhằm vào 5 triệu khách du lịch Trung Quốc kéo đến Nhật Bản năm ngoái. Ngoài ra, một quyển hướng dẫn bằng tiếng Nhật cũng được xuất bản khuyên du khách Trung Quốc không ăn cắp dao kéo tại nhà hàng, gây ồn ào ở nơi công cộng và bắt hướng dẫn viên du lịch chờ đợi trong khi mua sắm.

Theo McKinsey, 80% khách du lịch Trung Quốc sẽ đi mua sắm vào kỳ nghỉ và 30% quyết định điểm đến của họ dựa trên cơ hội mua sắm. Điều đó cho thấy thực tế rằng người Trung Quốc vẫn là những khách du lịch tiêu tiền nhiều nhất xét trên cả tổng nhóm và từng người. Ở Anh, trung bình một người khách du lịch Trung Quốc tiêu hơn gấp đôi một khách du lịch Mỹ.

Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn suy thoái, thói quen mua sắm này vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Hội đồng Du lịch thế giới cho biết, năm ngoái, khách du lịch Trung Quốc đã tiêu hết 215 tỷ USD ở nước ngoài, tăng 53% so với năm 2014. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 420 tỷ USD trong năm 2020.

Hơn hết, sức mạnh tiêu dùng này còn đang làm thay đổi cả cảnh quan du lịch ở nhiều nơi. Nhiều quốc gia đã tăng cường những biển báo bằng chữ Trung Quốc tại sân bay và các địa điểm phổ thông. Không chỉ dừng lại ở đó, một số nơi còn có sự thay đổi đến mức lệch lạc. Trên hòn đảo Bali là nơi ở của đa số người theo đạo Hindu ở Indonesia, những món quà lưu niệm nhỏ xinh biểu tượng cho các vị thần Hindu như Ganesha đầu voi được một số cửa hàng thay thế bằng tượng Phật mỉm cười hoặc Quan Âm Bồ Tát của Trung Quốc.

Mặc dù giới chức Trung Quốc tỏ ra thất vọng và nhiều bài báo đã nói lên cách cư xử tồi tệ của khách du lịch Trung Quốc, xung đột với khách du lịch đến từ các quốc gia khác là rất hiếm thấy. Điều đó một phần là do khách du lịch Trung Quốc thường là tránh xa những hoạt động, địa điểm nghỉ dưỡng như tắm nắng, đi bơi ở bãi biển hay đến những quán bar. Nơi duy nhất bắt gặp cả khách du lịch phương Tây và khách du lịch Trung Quốc là những địa điểm tham quan lịch sử như bảo tàng Louvre, hay đấu trường La mã. Phần lớn người Trung Quốc đi du lịch đến các quốc gia khác nhưng vẫn thích ăn đồ Trung Quốc. Bất kể họ đang đứng ở đâu, họ vẫn đi ăn đồ ăn Trung Quốc.

Theo Anh Sa

Cùng chuyên mục
XEM