Sức khỏe giới trẻ châu Á nguy cơ suy giảm vì mỳ ăn liền

26/10/2019 11:05 AM | Xã hội

Theo giới chuyên gia, mỳ gói là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu cân hoặc béo phì ở Đông Nam Á.Loại thực phẩm này thiếu nhiều chất dinh dưỡng cần thiết.

Những bữa ăn hiện đại, rẻ tiền như mỳ ăn liền chỉ đơn thuần giúp lấp đầy một cái bụng đói. Chúng thiếu đi những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thiếu cân hoặc béo phì đang ngày một phổ biến tại nhiều quốc gia thuộc vực Đông Nam Á, theo ý kiến từ các chuyên gia.

Philipines, Indonesia và Malaysia là những nền kinh tế đang phát triển. Đi liền với đó là tiêu chuẩn sống của người dân cũng không ngừng được cải thiện. Tuy nhiên, do hoàn cảnh sống khó khăn, nhiều ông bố bà mẹ không có đủ thời gian, tiền bạc cũng như kiến thức cần thiết để loại bỏ hết những thức ăn không tốt cho sức khỏe trong bữa ăn của con cái.

Tại 3 quốc gia nói trên, bình quân có đến 40% số lượng trẻ em dưới 6 tuổi mắc hội chứng suy dinh dưỡng, cao hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới, theo một báo cáo được công bố bởi UNICEF trong tháng 10.

“Các bậc cha mẹ thường nghĩ đơn giản rằng việc quan trọng nhất là lấp đầy những chiếc bụng đói của lũ trẻ. Họ không ý thức được tầm quan trọng của việc các bữa ăn phải bao gồm đầy đủ các loại protein, canxi và chất xơ”, Hasbullah Thabrany, một chuyên gia sức khỏe cộng đồng tại Indonesia, chia sẻ.

UNICEF cho biết căn bệnh suy dinh dưỡng mà nhiều trẻ em đang phải đối mặt hiện tại là hệ quả của tình trạng mức sống thấp trong quá khứ. Đó thậm chí còn là lời tiên đoán một tương lai không mấy sáng sủa cho nhiều gia đình, khi sự thiếu hụt sắt trong các bữa ăn có thể làm giảm khả năng tư duy của  trẻ, đồng thời làm gia tăng nguy cơ tử vong của các sản phụ trong và sau quá trình sinh nở.

Để có cái nhìn rõ hơn về quy mô thực trạng này, Indonesia có tới hơn 24,4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tính đến năm 2018, trong khi đó con số này tại Philipines là 11 triệu và tại Malaysia là 2,6 triệu, theo dữ liệu của UNICEF.

Mueni Mutunga, một chuyên gia dinh dưỡng của UNICEF tại khu vực châu Á, đã cố gắng tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thực trạng này thông qua việc khảo sát nhiều gia đình- những người đã từ bỏ các bữa ăn theo kiểu truyền thống và thay vào đó, chọn các bữa ăn “hiện đại” vốn rẻ hơn, dễ dàng chuẩn bị hơn.

“Nấu mỳ chẳng mất công sức gì nhiều. Mỳ còn rẻ nữa. Chỉ vài phút là chúng ta có thể có ngay một bữa ăn 'thịnh soạn' rồi. Nhiều người đã chon mỳ là thức ăn thay thế trong các bữa ăn hàng ngày”, bà chia sẻ.

Nguyên nhân chính là đói nghèo

Những gói mỳ ăn liền, vốn chỉ có giá 0,23 USD tại thủ đô Manila, thường không bao gồm đủ những chất dinh dưỡng và vi lượng như sắt, đồng thời thiếu đi các loại protein cần thiết. Tuy nhiên, mỳ ăn liền lại chứa một lượng chất béo và muối cao, Mutunga bổ sung.

Indonesia là quốc gia tiêu thụ mỳ ăn liền lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc, với 12,5 tỷ gói được bán ra trong năm 2018, theo Hiệp hội mỳ ăn liên thế giới. Con số này thậm chí còn nhiều hơn lượng tiêu thụ của cả Ấn Độ và Nhật Bản cộng lại.

Những loại trái cây giàu chất dinh dưỡng, rau, trứng, sữa, cá và thịt đang dần biến mất khỏi những bữa cơm, khi ngày càng có nhiều hơn những người dân nông thôn rời bỏ quê hương đến tìm việc làm tại các thành phố lớn, theo báo cáo của UNICEF.

Philippines, Indonesia và Malaysia đã vào danh sách các nước có mức thu nhập trung bình, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, nhưng vẫn có hàng triệu người đang ngày ngày “vật lộn” mới có thể kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống.

“Đói nghèo là nguyên nhân chính”, theo T. Jayabalan, một chuyên gia sức khỏe cộng đồng tại Malaysia. Ông bổ sung rằng có rất nhiều gia đình trong đó cả bố lẫn mẹ đều buộc phải đi làm mới có đủ tiền trả cho những bữa ăn hàng ngày.

Sức khỏe giới trẻ châu Á nguy cơ suy giảm vì mỳ ăn liền - Ảnh 1.

Căn bệnh suy dinh dưỡng mà nhiều trẻ em đang phải đối mặt hiện tại là hệ quả của tình trạng mức sống thấp trong quá khứ. Ảnh: AFP.

Những gia đình có mức thu nhập thấp tại Malaysia thường sử dụng mỳ ăn liền, khoai lang và các sản phẩm làm từ đậu tương trong các bữa ăn chính trong ngày, ông cho biết.

Những loại bánh, nước giải khát chứa nhiều đường và thức ăn nhanh (fastfood) là những loại thực phẩm không lành mạnh và có ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người dân tại những quốc gia kể trên, theo ý kiến nhiều chuyên gia.

Để làm giảm những tác động không có lợi từ các loại mỳ ăn liền lên cuộc sống và sức khỏe của người dân tại các quốc gia Đông Nam Á, cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ từ phía chính phủ các nước.

“Quảng cáo các loại thức ăn này xuất hiện khắp mọi nơi”, theo Thabrany, chuyên gia sức khỏe của Indonesia.

“Các kênh phân phối phủ rộng khắp. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy mỳ ăn liền ở bất cứ nơi đâu, thậm chí cả những nơi héo lánh nhất”, ông cho biết.

Theo Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM