Sự tích những đôi dép đình đám nhưng không thương hiệu: Dép tổ ong, tông Lào, dép cao su

02/09/2017 16:00 PM | Kinh doanh

Có mức giá thấp và thiết kế đơn giản, dép tổ ong, dép tông Lào...đã trở thành một phần quen thuộc của nhiều gia đình Việt Nam, không chỉ trước đây mà hiện nay cũng vậy.

1. Dép tổ ong

Cùng với cao Sao Vàng và diêm Thống Nhất, dép tổ ong đã ăn sâu vào tiềm thức mọi người dân Việt Nam thời kỳ bao cấp.

Mẫu dép tổ ong đầu tiên được sản xuất bởi Xí nghiệp nhựa Hải Phòng, mang nhãn hiệu Tiền Phong. Dép làm bằng cao su tự nhiên, màu trắng hoặc vàng ngà, dày dặn, thiết kế đơn giản với quai có nhiều lỗ giúp đôi chân thông thoáng.

Những năm 1986, dép tổ ong là mặt hàng thời trang “xa xỉ”. Một người đàn ông ở Hà Nội cho biết để mua được 2 đôi dép tổ ong cho bố con anh, mẹ anh đã phải bán tới...15 buồng chuối.

“Cũng vì đắt đỏ nên ngày ấy, học sinh nào được bố mẹ mua dép tổ ong cho đi là quý lắm, giữ gìn rất cẩn thận. Giờ chơi, chạy chân đất, chúng tôi thường lấy dây dài buộc dép, thòng qua cổ mang theo kẻo mất.

"Cứ vài ngày, tôi lại chải xà phòng một lần để dép luôn trắng đẹp. Đôi nào bị gãy mũi thì lấy que sắt nóng dí vào rồi hàn lại để đi tiếp. Và ngay cả khi không dùng được nữa, dép vẫn có thể bán đồng nát lấy tiền ăn vặt".

Ngày nay, dưới sức ép của các mặt hàng giày dép với nhiều kiểu dáng, màu sắc, khác nhau, phạm vi sử dụng của dép tổ ong đã thu hẹp lại. Đôi dép “nghìn lỗ” năm nào nay chỉ còn phổ biến ở khu vực nông thôn, dùng để đi trong nhà hay đi trong bệnh viện...

Mức giá bán lẻ dép tổ ong dao động 20.000-35.000 đồng mỗi đôi, tùy xuất xứ hàng Trung Quốc hay nội địa. Nhiều phiên bản mới cũng được ra đời nhưng mẫu dép trắng hoặc trắng ngà vẫn được ưa chuộng hơn cả nhờ kiểu dáng thân thuộc.

2. Dép tông Lào

Ít ai biết dép tông, hay còn gọi là dép xỏ ngón, dép Lào...có xuất xứ từ thời Ai Cập cổ đại, khoảng 6.000 năm trước đây.

Kiểu dép này không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà còn có mặt tại rất nhiều quốc gia trên thế giới, với nhiều tên gọi khác nhau. Người Úc và người Mỹ gọi dép tông là thongs trong khi người New Zealand đặt tên cho loại dép này là jandals, hay nếu đến Nam Phi, đôi dép này có tên gọi là slip-slops...

Việt Nam gọi là dép tông theo từ gốc tong trong tiếng Pháp. Nhiều người giải thích dép tông còn được gọi là tông Lào do trước kia, những người Lào thường sang Việt Nam buôn bán tại khu vực Quảng Trị, Nghệ An...và ai cũng đi loại dép này.

Không chỉ đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, tùy từng vùng người ta sẽ sử dụng các loại vật liệu khác nhau để chế tạo dép tông. Bên cạnh chất liệu phổ biến là nhựa và xốp, ở Ai Cập, dép được làm từ lá cọ và cói, ở Malaysia, dép được làm từ rơm rạ còn ở Nhật Bản, sản phẩm này được làm bằng gỗ.

Dép tông phù hợp với nhiều độ tuổi, nhiều loại trang phục khác nhau lại có thiết kế đơn giản nên “được lòng” nhiều người sử dụng. Tuy nhiên một số nghiên cứu chỉ ra đi dép tông trong thời gian dài có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho đôi chân như gây phồng rộp hay mụn nước, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, làm đau, biến dạng ngón chân...

3. Dép cao su

Dép cao su, hay còn gọi dép lốp, là vật dụng đầy sáng tạo và độc đáo, chỉ riêng Việt Nam mới có. Tương truyền đại tá Hà Văn Lâu (1818-2016) là tác giả của ý tưởng này, nhưng chính ông thừa nhận mình chỉ sử dụng lại cách những người phu xe dùng mo cau hay vỏ ruột xe kéo làm dép.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mỗi anh bộ đội được phát một đôi giày và một đôi dép cao su. Tuy nhiên, các chiến sĩ thường sử dụng dép cao su để hành quân đánh giặc vì trời nắng thì dép nhẹ, dễ vận động. Nếu trời mưa, đường sình lầy, chỉ cần đổ ít nước trong bi đông ra rửa bớt bùn là có thể tiếp tục đi.

Giai đoạn năm 1970 - 1985, sở hữu một đôi dép cao su đúc cùng bộ trang phục gồm mũ cối, bộ quân phục xuân hè dài tay bằng vải kaki Tô Châu hay kaki Nam Định màu xanh lá cây tươi, thắt lưng da quân dụng trở thành "mốt" của thanh niên Việt Nam.

Sự tiện lợi của đôi dép cao su đã phần nào giúp nó trở nên phổ biến và là biểu tượng của chiến sĩ Việt Nam thời bấy giờ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhiều lần sử dụng dép cao su trong sinh hoạt thường ngày, thậm chí Người còn dùng trong một số trường hợp ngoại giao. Bởi vậy, nhiều người đã ưu ái đặt tên đôi dép này là đôi dép Bác Hồ.

Tuy ngày nay, những đôi cao su không còn được sử dụng phổ biến nhưng với nhiều người, đây vẫn là vật mang nhiều giá trị, gợi nhắc lại kỷ niệm một thời vang bóng.

Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM