Sự thật đen tối đằng sau ngành truyện tranh 19 tỷ USD của Nhật Bản

30/09/2019 13:40 PM | Xã hội

Hàng năm, ngành truyện tranh Nhật Bản đem về hơn 19 tỷ USD doanh thu, thế những những người làm nên các trang truyện đầy cuốn hút lại đang phải sống không khác gì nô lệ.

Đối với những người Mỹ có thời niên thiếu vào những năm 1998, hình ảnh Pikachu có lẽ sẽ chẳng còn lạ lẫm. Trước đó là những bộ truyện tranh về Thủy thủ mặt trăng (Sailor Moon), thế rồi câu chuyện của Pokemon bắt đầu xâm chiếm thị trường truyện tranh, rồi đến 7 viên ngọc rồng, Đảo hải tặc (One Piece), Naruto…

Hàng loạt những tuyệt tác gắn liền với trẻ thơ không chỉ riêng nước Mỹ mà còn nhiều quốc gia trên thế giới đều xuất phát từ Nhật Bản. Trong khoảng 2002-2017, ngành truyện tranh Nhật đã tăng trưởng 100% lên mức tổng giá trị 19 tỷ USD/năm. Thậm chí rất nhiều nguyên tác truyện tranh được dựng thành phim mà gần đây nhất là "Neon Genesis Evangelion" do hãng Netflix phân phối.

Tuy nhiên đứng đằng sau khoản lợi nhuận khổng lồ và danh tiếng vang xa toàn cầu là một câu chuyện buồn về những nghệ sĩ sáng tác ra chúng. Với áp lực công việc lớn, rất nhiều nghệ sĩ truyện tranh phải đối mặt với điều kiện làm việc ngặt nghèo, lương thấp và nguy cơ tử vong cao.

Nói chính xác hơn, sự xung đột giữa nhu cầu lợi nhuận của các nhà xuất bản với mong muốn sáng tác nghệ thuật của tác giả đã tạo nên những kết cục cực kỳ thương tâm trong làng truyện tranh Nhật.

Sự thật đen tối đằng sau ngành truyện tranh 19 tỷ USD của Nhật Bản - Ảnh 1.

Nô lệ vẽ tranh

Hầu như những cuốn truyện tranh nguyên gốc đều được vẽ bằng tay trước khi in ấn xuất bản. Điều này đòi hỏi những nghệ sĩ tài năng và có kinh nghiệm để có thể vừa sáng tác, vừa vẽ đẹp nhưng lại nhanh chóng.

Theo tác giả Shingo Adachi của loạt phim hoạt hình Swort Art Online đình đám, ngành truyện tranh và hoạt hình Nhật đang thiếu nhân lực trầm trọng bởi không phải ai cũng có đủ tài năng. Mỗi năm Nhật Bản cho ra đời gần 200 bộ hoạt hình và không có nhiều nghệ sĩ đủ kỹ thuật và kinh nghiệm để vẽ với khối lượng lớn như vậy.

Bởi vậy, phần lớn các studio truyện tranh lẫn hoạt hình đều thuê ngoài (outsource) một số công đoạn cho những nhân viên bán thời gian, những nghệ sĩ không chuyên nhưng có niềm đam mê với truyện tranh.

Thông thường, những nghệ sĩ chính sẽ lên dàn cốt truyện, vẽ những phân đoạn quan trọng hoặc các nhân vật chính cùng những đường phác họa. Nhiệm vụ của những nhân viên bán thời gian là hoàn thiện chúng thành một cuốn truyện tranh đầy đủ để đem đi in ấn.

Với khối lượng công việc cực lớn như vậy nhưng những nghệ sĩ bán thời gian chỉ kiếm được khoảng 200 Yên cho mỗi bức vẽ, tức chưa đến 2 USD. Nếu vẽ được nhiều thì con số trên khá ổn, nhưng vấn đề là mỗi nghệ sĩ chỉ có thể làm việc khoảng hơn 1 tiếng bởi đau tay, mắt và mất khả năng tập trung.

Xin được lưu ý là truyện tranh Nhật khác với những truyện của nhiều nước khi chú ý rất nhiều đến những chi tiết nhỏ, từ bức tranh về 1 đĩa đồ ăn cho đến cảnh vật nền núi rừng. Những chi tiết này tốn nhiều hơn khoảng 4-5 lần thời gian bình quân thông thường để vẽ truyện tranh.

Sự thật đen tối đằng sau ngành truyện tranh 19 tỷ USD của Nhật Bản - Ảnh 2.

"Kể cả khi bạn được cất nhắc lên họa sĩ chính của bộ truyện thì thu nhập cũng chẳng đáng bao nhiêu. Ngay cả những tựa truyện tranh nổi tiếng như ‘Attack on Titan’, bạn cũng sẽ chẳng kiếm được mấy. Đây là vấn đề của cả ngành công nghiệp truyện tranh và sẽ chẳng có miền đất hứa nào cho các họa sĩ tại đây cả", anh Adachi nói.

Tồi tệ hơn, điều kiện làm việc của các họa sĩ cũng vô cùng khốn khổ. Phần lớn những nhân viên này phải ngủ gục tại bàn vì chẳng có thời gian đi ra ngoài hay làm việc khác. Họa sĩ người Mỹ Henry Thurlow làm việc tại Nhật Bản cho biết anh đã phải nhập viện rất nhiều lần do làm việc quá sức và cường độ công việc quá áp lực.

Thậm chí studio Madhouse, một xưởng sản xuất truyện tranh nổi tiếng của Nhật đã bị cáo buộc bóc lột sức lao động khi bắt nhân viên làm việc bình quân 400 tiếng/tháng, tương đương 13,3 tiếng mỗi ngày kể cả cuối tuần. Studio này bắt nhân viên làm việc xuyên tuần mà không có bất cứ một ngày nghỉ nào.

Năm 2014, vụ việc một nghệ sĩ vẽ truyện tranh tự tử tại Nhật đã làm xôn xao giới truyền thông. Kết quả điều tra cho thấy người đàn ông này đã làm việc hơn 600 tiếng suốt tháng, tương đương 20 tiếng mỗi ngày kể cả cuối tuần, gây nên trầm cảm và dẫn đến quyết định tự sát.

Một điều trớ trêu là các studio truyện tranh Nhật thường thuê ngoài hoặc sử dụng các cộng tác viên để tránh vi phạm luật lao động cũng như có thể bóc lột nhân viên tốt hơn.

Theo họa sĩ Zakoani của Studio "Yuraki and Douga Kobo", việc hoàn thành một cuốn truyện tốn quá nhiều nhân lực cũng như thời gian. Chỉ với một cảnh đã cần đến 3-4 họa sĩ làm việc. Nghệ sĩ chính sẽ phải vẽ thô, rồi 2 người nữa kiểm tra lại, rồi chúng được gửi lên cho nhà giám chế hoặc biên đạo để duyệt. Sau đó bức vẽ mới được chuyển lại cho những nghệ sĩ hợp đồng để hoàn thành.

Số liệu của Hiệp hội truyện tranh Nhật Bản (JACA) cho thấy mỗi họa sĩ trong ngành kiếm được bình quân 1,1 triệu Yên, tương đương 10.000 USD/năm ở độ tuổi ngoài 20 và lên đến 3,5 triệu Yên/năm chỉ khi bước sang ngưỡng 50 tuổi. Trong khi đó, mức thu nhập chuẩn nghèo tại Nhật là 2,2 triệu Yên/năm.

Với thực trạng như vậy, rất nhiều họa sĩ truyện tranh phải làm nhiều nghề để kiếm sống, thậm chí bỏ công việc vì không đủ thời gian cho những hoạt động khác.

Sự thật đen tối đằng sau ngành truyện tranh 19 tỷ USD của Nhật Bản - Ảnh 3.

Cái giá của nghệ thuật

Nền công nghiệp truyện tranh hiện đại của Nhật được cho là khởi nguồn từ Osamu Tezuka, tác giả bộ truyện tranh Astro Boy cùng hàng loạt những tác phẩm nổi tiếng khác. Ông cũng là người đi tiên phong trong cuộc cách mạng truyện tranh tại Nhật.

Đầu thập niên 1960, Tezuka mở rộng mảng truyện tranh sang hoạt hình và gặt hái được những thành công vô cùng to lớn, qua đó kích thích mảng truyện tranh và kiếm được nhiều tiền nhờ kinh doanh hình ảnh các nhân vật trong truyện.

Dẫu vậy, di sản mà Tezuka để lại đang khiến cho những họa sĩ truyện tranh ngày nay khốn đốn. Trước đây việc vẽ truyện khá đơn giản, thậm chí nghệ sĩ chỉ tốn khoảng 10 phút cho mỗi cảnh nhưng giờ đây, sự cầu kỳ của truyện tranh khiến họ phải tốn hàng giờ. Trớ trêu thay, mức lương của họa sĩ vẫn gần như tương tự như thời của Tezuka bởi các nhà sản xuất muốn giữ chi phí thấp nhằm kiếm lợi nhuận.

Trước đây, kinh doanh buôn bán tạo ra nhiều lợi nhuận hơn việc bán truyện tranh hay làm phim hoạt hình, nhưng mọi chuyện đã khác khi truyện tranh cho khoản doanh thu khổng lồ mà nhiều hãng mơ tới. Dẫu vậy, mức lương của các họa sĩ vẫn cực kỳ bèo bọt.

Thậm chí khi người chơi nước ngoài là hãng Netflix nhảy vào thị trường truyện tranh Nhật Bản, người thu được lợi lớn vẫn là những nhà phân phối chứ họa sĩ chẳng được hưởng mấy.

"Thật lòng mà nói, tôi không khuyến khích bạn đến Nhật Bản làm họa sĩ nếu có đam mê với ngành này. Đấy là một cấu trúc kim tự tháp, nơi mà lượng lớn những họa sĩ khốn khổ phải giúp tầng lớp trên đỉnh kiếm lời", anh Adachi nói.

AB

Cùng chuyên mục
XEM