Sự thành công của iPhone khiến Apple khó rời khỏi Trung Quốc

30/08/2019 14:16 PM | Kinh doanh

Trong khi Google gần đây tuyên bố sẽ chuyển việc sản xuất đến Việt Nam và Thái Lan, Apple vẫn chưa có động thái nào cho thấy hãng đã sẵn sàng để rời khỏi Trung Quốc.

Chính sách thuế mới của Tổng thống Trump đang khiến các hãng công nghệ và người tiêu dùng Mỹ đi vào thế bế tắc. Trong khi Google gần đây tuyên bố sẽ chuyển việc sản xuất đến Việt Nam và Thái Lan, Apple vẫn chưa có động thái nào cho thấy hãng đã sẵn sàng để rời khỏi Trung Quốc, mặc dù đầu năm nay Apple có kế hoạch sẽ chuyển 30% cơ sở sản xuất ra khỏi quốc gia này. Việt Nam là một trong những khu vực được cho là sẽ đặt dây chuyển sản xuất của Apple, nhưng điều này không thể xảy ra một sớm một chiều: Apple cần thêm thời gian để tìm các chuỗi cung ứng mới và đào tạo nhân công.

Một cửa hàng Apple ở Bắc Kinh

Apple có động cơ để dời dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, bắt đầu từ 15/12, iPhone nằm trong nhóm sản phẩm bị đánh thuế 15% khi nhập khẩu vào Mỹ. Tổng thống Trump đã lùi việc đánh thuế lại vì không muốn ảnh hưởng đến doanh thu trong dịp mua sắm cuối năm. Tuy vậy Apple Watch và AirPods vẫn bị đánh thuế 15% kể từ 1/9. Apple có thể sẽ tự chịu toàn bộ thuế, hoặc đẩy toàn bộ hay một phần sang người tiêu dùng – tăng giá các sản phẩm của mình. Nhưng nhìn vào doanh số iPhone trong quý 2/2019 đã giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, khả năng Apple tự chịu toàn bộ thuế là rất cao.

Sự thành công của iPhone khiến Apple mắc kẹt ở Trung Quốc trong khi Google đã thoát ra

Apple có một số lượng ít iPhone sản xuất ở Ấn Độ, điều này được thực hiện khi Apple có ý định tấn công thị trường tỷ dân này. Và mặc dù là thị trường sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới, Ấn Độ vẫn là quốc gia đang phát triển, vậy nên Apple muốn tránh thuế nhập khẩu để người tiêu dùng ở đây có thể mua được iPhone.

Sự thành công của iPhone khiến Apple khó rời khỏi Trung Quốc - Ảnh 1.

CEO Tim Cook thăm một cơ sở sản xuất AirPods

Nhưng điều nhiều người lo sợ nhất khi giá iPhone đang tăng dần theo từng năm là ông lớn công nghệ đang quá phụ thuộc vào các nhà máy ở Trung Quốc. Theo thông tin từ Reuters, thay vì đưa các nhà máy ra thì Apple đang làm ngược lại – tức là đưa vào đây thêm nhiều dây chuyền sản xuất. Đối tác sản xuất chính của Apple là Foxconn đã mở rộng quy mô từ 19 nhà máy năm 2015 đến 29 nhà máy ở Trung Quốc trong năm nay. Pegatron – công ty chịu trách nhiệm lắp ráp cho Apple cũng tăng từ 8 lên 12 nhà máy trong thời gian đó. Dữ liệu về dây chuyền cung ứng của Apple cũng cho thấy hãng đang phụ thuộc vào Trung Quốc. Năm 2015 có 49,9% nhà cung ứng của Apple ở Trung Quốc, con số này năm 2019 là 47,6%.


Sự thành công của iPhone khiến Apple khó rời khỏi Trung Quốc - Ảnh 2.

Sự thành công của các thế hệ iPhone khiến Apple càng phụ thuộc vào Trung Quốc

CEO Tim Cook từng nói “Từng phần của các thiết bị của Apple được sản xuất ở khắp mọi nơi. Chỉ có một vài linh kiện được làm ở Mỹ còn phần lớn được làm ở Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và Châu Âu. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì việc sản xuất này trong tương lai”.

Trong trường hợp bạn thắc mắc tại sao Google có thể dễ dàng chuyển việc sản xuất Pixel sang Việt Nam mà Apple lại không thể, vấn đề vẫn nằm ở doanh số. Cho dù có nhân đôi số lượng máy Pixel được lắp ráp trong năm nay, Google vẫn chỉ sản xuất 8 đến 10 triệu sản phẩm. Trong khi chỉ tính riêng số iPhone Apple bán được trong quý 2/2019 đã là 39 triệu máy. Vậy nên điều dễ hiểu là Apple cần có dây chuyền cung ứng lớn hơn với những công ty mà hãng đã tin tưởng và cho ra những sản phẩm chất lượng nhất.

Sự thành công của iPhone khiến Apple khó rời khỏi Trung Quốc - Ảnh 3.

Hình ảnh xếp hàng quen thuộc mỗi lần ra mắt iPhone mới

Nhưng có lẽ Apple không còn cách nào khác ngoài việc phải giữ các nhà máy ở lại Trung Quốc bởi theo kết quả điều tra: có rất ít nơi có khả năng xuất xưởng 600.000 điện thoại/ngày – như Apple đang làm ở Trung Quốc. Vậy nên có thể nói, chính sự thành công của iPhone đã giữ Apple ở lại Trung Quốc, bất chấp việc tranh chấp và trừng phạt thương mại của hai quốc gia.


Theo Hoàng Trang

Cùng chuyên mục
XEM