Sự sụp đổ của 'thành trì đào Bitcoin' ở Trung Quốc

02/08/2021 14:14 PM | Kinh doanh

Tính đến tháng 4, Trung Quốc là nơi chiếm 46% hoạt động đào Bitcoin trên toàn thế giới. Mỹ đứng ở vị trí thứ 2 với 16.8%.

Trong một năm rưỡi qua, những âm thanh ồn ào phát ra từ hàng chục nghìn chiếc máy tính công suất cao lấp đầy một nhà kho rộng suốt ca ngày, trái ngược hẳn so với những cánh rừng yên tĩnh bên cạnh, thuộc Khu tự trị dân tộc Tạng-Khương Ngawa, tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc.

Hệ thống máy móc đó thuộc về một "trang trại đào tiền số" - công trình được trang bị vô số các máy tính chuyên biệt được cài đặt để giải những thuật toán phức tạp, qua đó duy trì hoạt động của mạng lưới và thu về Bitcoin.

“Đó là âm thanh của tiền”, Ye Lang, quản lý của trang trại đào Bitcoin tại huyện Hắc Thủy, thuộc khu tự trị, chia sẻ.

Ở thời điểm đỉnh cao của công việc đào Bitcoin, Ye chịu trách nhiệm quản lý tới 80 nhân viên và 80.000 máy tính, ước tính doanh thu lên tới hơn 90 triệu nhân dân tệ (tương đương 14 triệu USD) trong suốt 6 tháng cao điểm, khi mực nước các con sông tại Tứ Xuyên luôn ở mức cao và chi phí điện tương đối rẻ.

Nhưng mọi chuyện đã kết thúc vào 21h ngày 19/6, sau khi một thông báo được gửi đến từ chính quyền Tứ Xuyên yêu cầu cơ sở đào tiền điện tử của Ye phải đóng cửa, cùng với 25 cơ sở khác trên địa bàn tỉnh.

Thông báo yêu cầu đóng cửa được phát đi sau một cuộc họp ngày 21/5 của Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính Trung Quốc, một cơ quan hoạch định chính sách kinh tế và tài chính cấp cao nằm dưới quyền điều hành trực tiếp của Phó thủ tướng Liu He.

Ye buộc phải cho tạm dừng toàn bộ hoạt động cơ sở. Từng bước từng bước một, 2.000 quạt máy cỡ lớn của cơ sở ngừng quay, và hàng nghìn máy tính dừng chạy.

“Hết thật rồi, hết thật rồi”, Ye chia sẻ.

Sự sụp đổ của thành trì đào Bitcoin ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Nhân viên rời khỏi một trung tâm đào Bitcoin sau khi nơi này đóng cửa hôm 19/6. Ảnh: Caixin.


Ye quyết định gia nhập phong trào đào Bitcoin năm 2018 khi ông cho đóng cửa phần lớn hoạt động kinh doanh tiệm café internet, thế chấp căn hộ của tại thành phố An Khánh, tỉnh An Huy, vay mượn tiền của họ hàng và rời bỏ vợ con để đến tỉnh Tứ Xuyên. Tứ Xuyên tính tới thời điểm hiện tại là trung tâm đào Bitcoin lớn thứ 2 của Trung Quốc, sau khu tự trị Tân Cương, nhờ sở hữu nguồn năng lượng điện dồi dào với chi phí rẻ.

Ye gặp may khi tháng 11/2019, anh được giới thiệu gặp một doanh nhân người Tứ Xuyên có tên Liu Weimin, người có nhiều mối quan hệ và vừa mới hoàn tất đàm phán kế hoạch hợp tác với một công ty thủy điện quốc doanh nhằm xây dựng một trang trại đào tiền số tại huyện Hắc Thủy, cách thủ phủ Thành Đô khoảng 300 km. Ye đã được chỉ định làm quản lý của trang trại đó.

“Tôi đã chứng kiến trung tâm đào tiền số đó được xây dựng từng ngày, từng viên gạch một”, Ye cho biết.

Thưc tế rằng nguồn điện phục vụ công tác đào tiền số tại tỉnh Tứ Xuyên được sản xuất bởi các nhà máy thủy điện khiến cho nhiều người tin tưởng đây chính là thiên đường cho những cơ sở đào tiền số. Khi áp lực cắt giảm phát thải khí nhà kính đè nặng lên chính quyền nhiều địa phương, các dự án đào tiền số buộc phải đóng cửa tại nhiều khu vực khác như Tân Cương và Nội Mông, nơi nguồn năng lượng phục vụ đào tiền số phần lớn đến từ than đá.

Và một điểm thuận lợi nữa chính là chính quyền tỉnh Tứ Xuyên tỏ ra khá thiện cảm đối với mô hình kinh doanh này. Trong tháng 7/2019, tỉnh này quyết định thành lập các trung tâm xúc tiến đầu tư, chào mời các dự án công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng nhằm giải quyết tình trạng thừa điện trong các tháng mùa hè và mùa thu.

Tính đến tháng 4, Trung Quốc là nơi chiếm 46% hoạt động đào Bitcoin trên toàn thế giới. Mỹ đứng ở vị trí thứ 2 với 16.8%, theo dữ liệu thu thập bởi Cambridge Center for Alternative Finance.

Nhưng mọi chuyện thay đổi kể từ sau cuộc họp chính phủ hồi tháng 5, diễn ra sau khi một làn sóng đầu cơ Bitcoin toàn cầu đã đẩy giá đồng tiền này lên mốc cao kỷ lục gần 65.000 USD vào giữa tháng 4.

Theo trang web QKL 123, tỷ lệ băm bình quân toàn cầu - lượng năng lượng được sử dụng để đào tiền số và giải các thuật toán - giảm 48% tính tới tháng 6, so với mức đỉnh ghi nhận vào hôm 13/5, thời điểm tỉnh Tứ Xuyên ra lệnh đóng cửa các cơ sở đào tiền số.

Cho dù hạn cuối cho việc đóng cửa các cơ sở đào tiền số của chính phủ đã qua, Ye khẳng định anh vẫn sẽ tiếp tục công việc này. “Ngành này thực sự mang đầy tính biến động. Cảm xúc phấn khích và áp lực là điều luôn song hành với nhau, nhưng đó cũng là nét hấp dẫn của nó”.

“Các doanh nghiệp bị cấm khai thác tiền số nhưng các cá nhân thì không”, Ye cho biết. Anh đang lên kế hoạch khôi phục loại hoạt động đào tiền số thông qua việc mua lại các thiết bị cũ và giảm quy mô hoạt động.

Lui, chủ sở hữu của trang trại đào tiền số mà Ye quản lý, cũng đã kích hoạt các kế hoạch thay thế mà không mảy may suy nghĩ về khoản thiệt hại mà anh nhận về từ các quy định của chính phủ.

Doanh nhân 40 tuổi này đã trở thành một tỷ phú nhờ đầu tư sớm vào Bitcoin. Chỉ tính tại tỉnh Tứ Xuyên, Liu đã sở hữu hơn 10 trang trại đào loại tiền số này. Nhiều người trong ngành ước tính, lượng điện năng tiêu thụ bởi các trang trại của Liu chiếm khoảng 1/8 tổng lượng năng lượng điện tiêu thụ bởi tất cả cơ sở đào tiền số đóng trên địa bàn tỉnh.

Sự sụp đổ của thành trì đào Bitcoin ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Tính đến tháng 4, Trung Quốc là nơi chiếm 46% hoạt động đào Bitcoin trên toàn thế giới. Ảnh: Reuters.


Trong suốt mùa cao điểm, Liu cho biết các trang trại đào tiền số có thể kiếm được 70 đến 80 Bitcoin mỗi ngày. Cũng trong khoảng thời gian đó, chỉ có khoảng 900 Bitcoin được phát hành, theo một nền tảng thông tin trong lĩnh vực tiền số. Giá Bitcoin luôn biến động không ngừng và hiện ở ngưỡng 38.500 USD/Bitcoin ghi nhận vào ngày 26/7, tăng hơn 250% so với thời điểm một năm trước đó, nhưng cũng đã giảm tới 40% so với mức đỉnh hồi tháng 4.

Liu nhận ra tiềm năng của việc đào tiền số vào năm 2016, khi một người bạn từ thời đại học của anh giới thiệu cho anh một máy đào Bitcoin. Vốn đang gánh trên vai khoản nợ 2 triệu tệ từ việc kinh doanh nông nghiệp không thuận lợi, anh bỏ ra thêm 10.000 tệ để mua 10 máy đào Bitcoin, và cho lắp đặt chúng tại một trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tại thành phố Miên Dương, tỉnh Tứ Xuyên.

Với việc chi phí điện năng được tài trợ bởi trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp này, Liu có thể kiếm được khoản lợi nhuận lên tới 200 tệ mỗi ngày thông qua việc vận hành các cỗ máy đào tiền số. Sau đó, anh đã bổ sung thêm 50 máy vào hệ thống. Năm 2017, anh buộc phải chuyển hoạt động đào tiền số ra khỏi trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, vì họ không thể chi trả những hóa đơn tiền điện quá lớn của anh.

Liu sau đó quyết định “chơi lớn”. Đầu năm 2017, anh tiếp tục công việc kinh doanh với trên 200 máy đào Bitcoin. Đến cuối năm đó, con số này tăng mạnh lên khoảng 10.000 máy.

Sau khi trả hết các khoản nợ, Liu quyết định điều chỉnh mô hình kinh doanh và không còn trực tiếp tham gia vào công việc đào Bitcoin nữa. Thay vào đó, anh chịu trách nhiệm xây dựng lên các trang trại đào tiền số quy mô lớn cho những ai có nhu cầu và hỗ trợ họ vận hành máy móc.

“Các trang trại đào tiền số cũng như các trang trại nông nghiệp thông thường. Dù thị trường Bitcoin có biến động thế nào đi chăng nữa thì quá trình đào đồng tiền này vẫn tiếp diễn. Việc mở ra những cơ sở đào tiền số như thế là một khoản đầu tư bền vững, và tôi có thể hòa vốn chỉ sau 1 năm”, Liu chia sẻ với Caixin.

Nhờ vào những chính sách thuận lợi của chính quyền tỉnh Tứ Xuyên, công việc của Liu tiếp tục phát triển trong suốt 3 năm qua. Anh nhanh chóng xây dựng được tên tuổi và là một khách mới quen thuộc tại các sự kiện, cuộc gặp của chính quyền tỉnh, nơi anh được vinh danh là một trong những doanh nhân điển hình giúp xóa đói giảm nghèo cho địa phương.

Nhưng mọi thứ thay đổi nhanh y như cách nó diễn ra. Lời cảnh báo đầu tiên được đưa ra hồi cuối tháng 2, khi chính quyền các địa phương tại khu vực Nội Mông đề xuất việc cấm các dự án đào tiền số mới và cho đóng cửa toàn bộ các cơ sở đào tiền số vào cuối tháng 4, như là một phần của kế hoạch theo đuổi mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính của chính phủ Trung Quốc. Ngay sau đó, các địa phương khác như Thanh Hải, Tân Cương và Vân Nam cũng đã có những động thái tương tự.

Làn sóng “tẩy chay” này cuối cùng cũng chạm tới Tứ Xuyên, khi chính quyền tỉnh này yêu cầu đóng cửa tất cả các cơ sở đào tiền số, bao gồm cả các cơ sở dưới quyền quản lý của Liu, trước ngày 20/6.

May mắn thay, Liu đã đa dạng hóa các khoản đầu tư từ năm 2019 vào các lĩnh vực như y tế, bất động sản và ngành công nghiệp trò chơi, giải trí. Sau quyết định này 21/5 của chính phủ, anh đã bố trí nhân viên tìm kiếm các địa điểm mới tại Bắc Mỹ và Kazakhstan. Giữa tháng 6, công ty của anh đã mua lại một mỏ dầu tại Canada, nơi có thể cung cấp năng lượng cho công việc đào Bitcoin.

Trên thực tế, một số bang giàu năng lượng hóa thạch tại Mỹ cũng đang chào đón các dự án đào tiền số, qua đó giúp tiêu thụ nguồn khí tự nhiên sản xuất bởi các công ty dầu mỏ. Trong tháng 5, Bit Mining, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, ký hợp đồng 26 triệu USD nhằm xây dựng một trung tâm khai thác tiền số tại Texas, nơi đang nhanh chóng trở thành một “thủ phủ” khai thác tiền số mới vì mức chi phí năng lượng rẻ và các chính sách hậu thuẫn được thống đốc bang Greg Abbot ra sức ủng hộ. Ông là một người có tư tưởng mới và rất ưa chuộng tiền số.

Hiện tại, đối với Liu, một địa điểm hoàn hảo cho đào Bitcoin tại nước ngoài phải đáp ứng đủ 2 điều kiện: chi phí năng lượng rẻ và không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

“Đây sẽ là một hành trình hoàn toàn mới”, anh chia sẻ.

Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM