Startup sản xuất protein từ dế với năng suất 45 tấn/tháng và xuất khẩu ra 12 nước Cricket One, vừa giành giải nhất cuộc thi Doanh nhân cộng đồng – Blue Venture Award mùa 2

12/12/2019 08:00 AM | Startup

Sau hơn 4 tháng tranh tài, Blue Venture Award mùa 2 đã kết thúc với phần thắng thuộc về startup Cricket One. Dù là cái tên tương đối mới trên thị trường khởi nghiệp, nhưng thành tựu của Cricket One hết sức đáng gờm: năng suất 45 tấn dế/tháng và đã xuất khẩu ra 12 nước.

Cuộc thi Doanh nhân cộng đồng – Blue Venture Award mùa 2 đã kết thúc với nhiều dư vị ngọt ngào cho cả Ban tổ chức lẫn các thí sinh tham dự giải đấu.

Số lượng thí sinh tham dự cuộc thi gấp đôi mùa một và ngoài Ban giám khảo, các thí sinh còn được mentor từ rất nhiều chuyên gia – doanh nhân uy tín khác

Theo chia sẻ của Ban tổ chức, nhờ sự truyền thông tốt của mùa 1, mùa 2 này đã có những bước khởi đầu hết sức ấn tượng. Ban tổ chức nhận được khoảng 200 hồ sơ tham dự, gấp đôi mùa 1. Ngoài năng lực thuyết trình, khả năng vận hành, tiềm năng…vượt trội so với mùa trước, một vài thí sinh trong mùa này còn bán hàng ra quốc tế từ lâu, khả năng lan tỏa ra thế giới là không cần bàn cãi.

Trong khoảng 4 tháng, Top 5 tham của chương trình, gồm: Cricket One, Vibabo, SiGen, AYA Cup và Green Joy Straw đã nhận được rất nhiều sự đánh giá, góp ý – gợi ý không chỉ từ Ban Giám khảo mà còn từ các chuyên gia ở Chivas Venture, Đại học Oxford và các doanh nhân tên tuổi trong nước. Có thể nói, Top 5 đã được các thế hệ doanh nhân trong và ngoài nước đầu tư rất nhiều tiền bạc, thời gian và tâm huyết để họ có thể tự tin đấu với các startup từ khắp thế giới sau khi vô địch.

"Theo chúng tôi, các startup cộng đồng không chỉ đóng góp những lợi ích cho cộng đồng mà còn cần phải có mô hình kinh doanh hiệu quả, nhằm phát triển lâu dài – bền vững. Thế nên, với chúng tôi, 2 tiêu chí về tác động đến xã hội và doanh thu quan trọng ngang nhau. Các startup sẽ được mỗi giám khảo chấm điểm dựa trên 5 tiêu chí khác nhau.

Bản thân tôi đang rất mong ngóng được đào tạo, huấn luyện "gà nhà" tham gia cuộc thi The Venture 2020 - diễn ra vào tháng 6/2020 tại Canada", Giám khảo Nguyễn Phi Vân - Đồng sáng lập tập đoàn World Franchise Associates - Chủ tịch công ty Retail & Franchise Asia, nhận định.

Startup sản xuất protein từ dế với năng suất 45 tấn/tháng và xuất khẩu ra 12 nước Cricket One, vừa giành giải nhất cuộc thi Doanh nhân cộng đồng – Blue Venture Award mùa 2 - Ảnh 1.

Ban Giám khảo của cuộc thi Doanh nhân cộng đồng – Blue Venture Award mùa 2.

Bên cạnh đó, ông Patrick Castanier - Giám đốc điều hành công ty Pernod Ricard Việt Nam cũng hoàn toàn đồng tình với quan điểm của bà Phi Vân: "Kinh doanh vì cộng đồng là chủ đề rất cần thiết tại Việt Nam, khi 60% dân số của đất nước sống ở các vùng quê. Và đó là lý do Pernod Ricard Việt Nam tiếp tục đồng hành cùng Giải thưởng Doanh Nhân Cộng Đồng Blue Venture Award mùa 2 để tìm ra những giải pháp hữu ích thúc đẩy khu vực phát triển.

Kinh tế Việt Nam đang nở rộ với GDP tăng trưởng hơn 6% trong năm nay. Và với nền kinh tế bùng nổ này, tôi tin chúng ta chỉ có thể phát triển bền vững nếu biết cân bằng hai yếu tố lợi nhuận và tác động xã hội tích cực".

Cricket One dành giải nhất nhờ tiềm lực phát triển mạnh mẽ

Là người mở màn cuộc thi, nhà sáng lập Trần Thuỳ Linh mang đến Blue Venture Award 2019 những sản phẩm được làm từ tre với dự án Vibabo. Mô hình của nữ doanh nhân được đánh giá cao vì mang lại những giá trị xã hội thiết thực như bảo vệ môi trường, tạo ra việc làm cho phụ nữ và người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng quê, dân tộc thiểu số. Startup tự tin máy sản xuất ống hút tre là công nghệ sẽ khiến Vibabo nổi bật so với các doanh nghiệp khác. Ngoài ra, nhà sáng lập chia sẻ thêm cô đang kết nối với nhiều đối tác để xây dựng một hệ sinh thái xanh.

Nữ startup này khẳng định, Vibabo vẫn có thể tồn tại khi không có các hỗ trợ từ các bên hữu quan nhưng cô cho rằng "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau". Trong 3-4 năm tới, khi nhiều tay chơi mới gia nhập lĩnh vực, Vibabo dự định sẽ hạ giá thành đẩy mạnh phát triển sản xuất các mặt hàng khác, hướng đến tầm nhìn phát triển việc trồng tre qua đó lan toả lối sống xanh cho đất nước Việt Nam và vươn rộng đến toàn cầu.

Startup sản xuất protein từ dế với năng suất 45 tấn/tháng và xuất khẩu ra 12 nước Cricket One, vừa giành giải nhất cuộc thi Doanh nhân cộng đồng – Blue Venture Award mùa 2 - Ảnh 2.

Võ Quốc Thảo Nguyên đang thuyết trình cho dự án Green Joy Straw.

Gây ấn tượng không kém, là Nguyễn Hồng Ngọc Bích đến từ Cricket One. Cô mang đến cuộc thi dự án giải pháp phát triển dòng sản phẩm protein bền vững với chi phí hợp lý bằng việc ứng dụng công nghệ và cách thức nuôi dế thâm canh trong container. Mô hình kinh doanh của Cricket One còn giúp cho nhiều nông dân hưởng lợi từ việc chăm sóc dế và tiêu thụ thân cây sắn. Theo startup này, Cricket One đã sản xuất ra 22 triệu dế mỗi tháng tương đương với 45 tấn, với quy mô chỉ gần 30 nông dân tham gia sản xuất và đã xuất khẩu đến 12 nước. Hiện tại, Cricket One đang là chuỗi cung cấp dế lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, nhà sáng lập đã ghi điểm với ban giám khảo khi trả lời các câu chất vấn liên quan đến vấn đề sao chép mô hình giữa các nước Châu Âu và Châu Mỹ khá thuyết phục. Ngọc Bích cho rằng để nuôi dế cần môi trường khí hậu nhiệt đới như Việt Nam và đòi hỏi các nguồn thức ăn đặc biệt của khu vực khí hậu này. Dó đó nếu sao chép mô hình, các doanh nghiệp nước ngoài cần có một nguồn vốn và nguồn nhân lực cực kỳ lớn. Nếu họ cần đến 6 người để hoàn thành công việc thì Cricket One chỉ cần 1 người và công việc sẽ được hoàn tất trong nửa ngày.

Tiếp nối Ngọc Bích là phần thể hiện đầy quyết liệt của nhà sáng lập Hồ Thái Bình với dự án SiGen. SiGen chính là giải pháp tiên tiến giúp giải quyết vấn đề thoát nước, mùi hôi và muỗi phát sinh trong hố ga một cách triệt để, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng tài chính cho chính phủ, đồng thời góp phần cải thiện chất lượng giao thông trong mùa mưa. Startup thể hiện được đam mê sâu sắc của một nhà sáng lập với mô hình kinh doanh đầy ý nghĩa.

Đặc biệt, anh không ngại giấu đi những yếu kém ở mảng tiếp thị và chia sẻ những khó khăn trong quá trình phát triển mô hình B2G. Nhưng bằng tâm huyết của một doanh nhân luôn trăn trở cho các vấn đề của xã hội, Thái Bình quyết tâm sẽ tìm ra giải pháp để nhân rộng mô hình thiết thực này.

Không chinh phục khán giả bằng sự rắn rỏi và lối thuyết trình dứt khoát, nhưng Lê Thuỳ Linh lại khiến người xem ngưỡng mộ bởi cảm xúc và tấm lòng của một nữ doanh nhân luôn nỗ lực vì một thế giới không còn nhiều rác nhựa. Từng xấu hổ khi biết Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên thế giới thải nhiều rác nhất, Thuỳ Linh khao khát đưa ra một giải pháp để thay đổi thực tế này. Và AYA Cup - Giải pháp dịch vụ đầu tiên ở châu Á kết nối các cửa hàng thực phẩm- đồ uống, giao hàng và cá nhân, cung ứng sản phẩm tái sử dụng thay thế đồ nhựa chính là minh chứng cho những nỗ lực của Thuỳ Linh cho cộng đồng.

Là startup thuyết trình cuối cùng nhưng nữ doanh nhân Võ Quốc Thảo Nguyên không hề áp lực. Cô tự tin trình bày về dự án Green Joy Straw với sản phẩm chính là các ống hút được làm từ cỏ bàng khô – loại thực vật phổ biến ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Green Joy Straw đã từng xuất hiện và được rót vốn trên chương trình Shark Tank Việt Nam. Do đó, khả năng tạo ra lợi nhuận của mô hình là điều không khó để bàn cãi.

Startup sản xuất protein từ dế với năng suất 45 tấn/tháng và xuất khẩu ra 12 nước Cricket One, vừa giành giải nhất cuộc thi Doanh nhân cộng đồng – Blue Venture Award mùa 2 - Ảnh 3.

Giám khảo Mai Phương Thúy đang đặt các câu hỏi cho các startup.

Điều khiến các giám khảo quan ngại chính là khả năng cân bằng lợi nhuận và tạo tác động xã hội của Green Joy Straw cũng như khả năng tồn tại của dự án, vì hiện nay đang có rất nhiều mô hình tương đồng. Thậm chí ngay trong cuộc thi năm nay đã có một startup mang giải pháp tương tự là Vibabo.

Tuy vậy, nhà sáng lập vẫn tin rằng cả hai mô hình có hai cách triển khai khác nhau và những lợi thế riêng biệt nhưng điều nữ doanh nhân đặt trọng tâm hơn cả chính là việc tận dụng nguồn nguyên liệu của khu vực để tạo ra được nhiều cơ hội việc làm cho bà con nông dân, từ đó thúc đẩy lối sống xanh để bảo vệ môi trường.

Cuối cùng, nhờ tiềm năng phát triển mạnh mẽ cũng như khả năng scale-up vượt trội, startup Cricket One đã giành giải nhất của cuộc thi, dự án Green Joy Straw giành giải nhì và Vibabo giành giải ba.

Cricket One sẽ đại diện Việt Nam tham dự vòng chung kết The Venture vào tháng 6/2020

Với kết quả này, Cricket One sẽ đại diện cho Việt Nam để tham dự vòng chung kết cuộc thi The Venture diễn ra vào tháng 6/2020 tại Canada, để dành giải thưởng cao nhất trong tổng giải thưởng 1 triệu USD cùng 20 doanh nhân cộng đồng đến từ các quốc gia khác trên thế giới.

Tại lần đầu tiên tham gia The Venture diễn ra vào Hà Lan hồi tháng 5/2019, dự án Vulcan Augmetics -  Startup chuyên sản xuất các cánh tay giả dành cho người khuyết tật đã tạo nên bước ngoặt cho các doanh nhân cộng đồng Việt Nam, khi đánh bại nhiều đại diện khác trên thế giới để tiến vào top 10 chung kết The Venture 2019. Đồng thời, lọt vào Top 5 vòng Bình chọn Online của The Venture 2019.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM