"Startup làm ra tiền ở Việt Nam thực sự rất ít"

29/08/2017 15:44 PM | Kinh doanh

“Các công ty khởi nghiệp theo phong trào thường làm cho có chứ không kiếm được tiền, tỉ lệ startup làm ra tiền ở Việt Nam thật sự rất ít”, Phó Chủ tịch Hội đồng Chiến lược VNPT cho biết.


Người ta thường đề cập một vài tấm gương bỏ học mà vẫn thành công như Bill Gates hay Mark Zuckerberg, nhưng có cả hàng trăm, hàng nghìn trường hợp bỏ học rồi thất bại thì có mấy ai hay.

Đó là một trong những quan điểm của PGS.TS Mai Thanh Phong - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa, Hồ Chí Minh, trong sự kiện "Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội nào cho startup?", được tổ chức tại Đại học Bách Khoa, TP.HCM.

Startup cần nâng cao kiến thức hơn nữa

Theo thầy Phong, học là chuyện gần như bắt buộc, suốt đời; nếu bạn muốn nâng cao kiến thức có rất nhiều chỗ để học, phương thức học khác nhau chứ không nhất thiết phải là trường Đại học.

"Tuy nhiên, học ở nhà trường là phương pháp chính quy, có thể gọi là chuẩn hóa. Nếu các em đã quyết tâm startup thì phải đủ thông minh để quyết định có nên nghỉ học rồi thu thập kiến thức bằng cách đi làm hay không", PGS.TS Phong lập luận.

Người ta thường đề cập một vài tấm gương bỏ học mà vẫn thành công như Bill Gates hay Mark Zuckerberg, nhưng có cả hàng trăm, hàng nghìn trường hợp bỏ học rồi thất bại thì có mấy ai hay, Phó hiệu trưởng ĐH Bách Khoa chia sẻ.

Startup làm ra tiền ở Việt Nam thực sự rất ít  - Ảnh 1.

Hội trường chật kín người, một số khách tham dự còn phải đứng phía sau để theo dõi chương trình. (Ảnh: Tùng Minh)

Đồng quan điểm với thầy Phong, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Phó Chủ tịch Hội đồng Chiến lược VNPT, cho rằng, các nhà sáng lập nên chủ động tìm kiếm kiến thức từ các nguồn trên mạng cũng như các cuốn sách dạy startup đã được dịch sang tiếng Việt.

"Hiện tại ở Việt Nam có hơn 20 đầu sách về startup được dịch hoặc viết bằng tiếng Việt. Các bạn nên tìm đọc để việc trao đổi kiến thức với chuyên gia thực sự có ý nghĩa và bổ ích", ông Hòa nhắn nhủ.

Startup luôn được hỗ trợ

Nhấn mạnh lại quan điểm cảnh báo của Thủ tướng về tình trạng khởi nghiệp theo phong trào, ông Hòa cho biết, các startup nên đặt ra mục tiêu doanh thu và lợi nhuận để tránh tình trạng "a dua".

"Các công ty khởi nghiệp theo phong trào thường làm cho có chứ không kiếm được tiền, tỉ lệ startup làm ra tiền ở Việt Nam thật sự rất ít", Phó Chủ tịch Hội đồng Chiến lược VNPT cho biết.

PGS.TS Dương Anh Đức – Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM cũng đánh giá: "Các startup cần phải xác định mình đang ở đâu, giai đoạn phát triển nào. Đồng thời, các nhà sáng lập phải biết học hỏi thêm; các bạn trẻ tuy rất nhiệt tình nhưng lại thiếu sót rất nhiều về kinh nghiệm".

Startup làm ra tiền ở Việt Nam thực sự rất ít  - Ảnh 2.

Ông Dương Anh Đức phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Tùng  Minh).

Ông Đức nói thêm: "TP.HCM luôn luôn chào đón tất cả các startup hay những người quan tâm đến khởi nghiệp. Hiện tại ban lãnh đạo đang đấu tranh để giảm các thủ tục gây khó cho các công ty khởi nghiệp. Thật tâm tôi mong các bạn thành công, vì kinh tế có lớn mạnh thì thành phố mới phát triển được".

Trong khi đó, đại diện của VNPT và Đại học Bách Khoa cũng khẳng định luôn hỗ trợ tối đa các công ty khởi nghiệp. Theo PGS.TS Phong, Đại học Bách Khoa đã bắt đầu chương trình hỗ trợ startup với mục tiêu giảm rủi ro và tăng khả năng sống sót cho các công ty từ năm 2009.

"Chúng tôi cung cấp cho startup tất cả những gì họ cần từ mặt bằng, văn phòng làm việc, chuyên gia tư vấn trong tất cả các mảng kinh doanh đến cơ sở hạ tầng dữ liệu và cả các nhà đầu tư", thầy Phong chia sẻ.

Về phần mình, ông Nguyễn Văn Tấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty VNPT - Media cho biết, VNPT luôn tạo ra môi trường để các sản phẩm khởi nghiệp được công bố, trưng bày với người tiêu dùng, nhà khoa học và các nhà đầu tư.

Ông cũng bày tỏ hy vọng startup có thể tạo ra các sản phẩm dựa trên thế mạnh của công ty là công nghệ và cơ sở hạ tầng mạng viễn thông, truyền dẫn để VNPT có thể hỗ trợ dễ dàng hơn.

Theo Tùng Minh

Cùng chuyên mục
XEM