Startup Đài Loan cho phép du khách đặt tour trải nghiệm trượt tuyết và bơi cùng cá mập… vào phút chót khởi hành, tham vọng thành công ty du lịch số 1 châu Á

09/04/2019 08:32 AM | Kinh doanh

Công ty có 11 văn phòng ở nước ngoài bao gồm Nhật Bản, Việt Nam, Singapore và Trung Quốc…

Ngành công nghiệp du lịch hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Các hãng hàng không giá rẻ cùng website đặt phòng trực tuyến như Expedia hay Booking.com đang phá vỡ mô hình kinh doanh lỗi thời vốn có. AirBnb cùng nhiều dịch vụ chia sẻ phòng khác cũng thu hút rất nhiều khách hàng của các khách sạn truyền thống.

Trong bối cảnh đó, startup đến từ Đài Loan KKday đang tìm cách đánh bại những người chơi lớn hơn. Ứng dụng của hãng giúp kết nối du khách với hàng ngàn hoạt động địa phương từ trượt tuyết ở Hàn Quốc cho đến bơi lội cùng cá mập voi tại Philippines.

Những người thích du lịch tùy hứng có thể đặt các chuyến du ngoạn qua ứng dụng của KKday vào gần lúc đi thay vì đặt trước hàng tuần và thậm chí hàng tháng như thông thường.

Website KKday được CEO 45 tuổi Chen Ming thành lập năm 2014, cho phép người dùng tìm kiếm các hành trình và trải nghiệm khác nhau tại mỗi điểm đến. Hiện Chen đang tập trung vào thị trường châu Á, nơi sự gia tăng mạnh mẽ của smartphone đã thúc đẩy hình thức đi du lịch tự túc. Công ty có 11 văn phòng ở nước ngoài bao gồm Nhật Bản, Việt Nam, Singapore và Trung Quốc… Hàn Quốc và Hong Kong là thị trường ưu tiên hàng đầu của hãng.

Startup Đài Loan cho phép du khách đặt tour trải nghiệm trượt tuyết và bơi cùng cá mập… vào phút chót khởi hành, tham vọng thành công ty du lịch số 1 châu Á  - Ảnh 1.

Nhà sáng lập và CEO của KKday, ông Chen Ming.

Giống như các startup mới thành lập, KKday vẫn đang trong giai đoạn chịu lỗ nhưng đã bắt đầu có lợi nhuận ở Đài Loan và Hong Kong. Hãng từ chối tiết lộ doanh thu và số lượng người dùng. Tuy nhiên, theo ước tính của chuyên gia trong ngành, con số này rơi vào khoảng hơn 1,5 triệu người. Với hơn 400 nhân viên, KKday đang liên kết lượng du khách khổng lồ với gần 20.000 trải nghiệm tại hơn 80 quốc gia và 500 thành phố.

Không chỉ khách du lịch bị hấp dẫn bởi mô hình sáng tạo của KKday mà các nhà đầu tư cao cấp cũng vậy. Tháng 2 năm ngoái, công ty đã huy động được 10,5 triệu USD từ công ty du lịch Nhật Bản H.I.S và một số nhà đầu tư khác. Đến tháng 11, KKday được Line Ventures (chi nhánh đầu tư của ứng dụng nhắn tin Line của Nhật) và quỹ của Alibaba rót thêm số vốn không được tiết lộ. Ngoài ra, startup này còn mở một cửa hàng trực tuyến cung cấp dịch vụ du lịch liên kết với Alibaba với mục đích giành được chỗ đứng tại Trung Quốc đại lục. Các nhà đầu tư hy vọng KKday có thể tận dụng tối đa phân khúc đang phát triển của thị trường du lịch toàn cầu.

Một công ty nghiên cứu du lịch cho biết vé máy bay và chỗ ở vẫn chiếm phần lớn doanh thu của ngành, ở mức gần 75% trong khi các tour du lịch và dịch vụ như KKday cung cấp chỉ chiếm khoảng 10%. Mặc dù vậy, giá trị của phân khúc này dự kiến sẽ đạt 183 tỷ USD vào năm 2020, tăng gần 50% so với năm 2015.

Đối thủ của KKday là Klook, ứng dụng dành cho người du lịch tự túc giúp lên kế hoạch cho hành trình và đặt trước các dịch vụ cũng được thành lập vào năm 2014. Chen đặt mục tiêu biến KKday thành "công ty du lịch số 1 châu Á" và tin rằng mình có thể làm điều đó bằng cách tổng hợp dữ liệu có giá trị từ các nhà điều hành tour du lịch địa phương và nhà cung cấp mới tham gia thị trường.

Sự khác biệt của KKday nằm ở chỗ họ cho phép các nhà điều hành tour và tổ chức hoạt động sử dụng hệ thống quản lý chuỗi cung ứng độc quyền của mình để xử lý những yêu cầu sát nút của du khách. Startup của Chen thu thập thông tin về từng hoạt động thông qua hệ thống bao gồm khối lượng khách hàng và tỷ lệ người dùng đề xuất một hoạt động nhất định. Sau đó, KKday chọn các hoạt động phổ biến để bán tour của riêng mình.

Thậm chí đến tận nửa đêm của đêm trước khi diễn ra hoạt động, du khách vẫn có thể đặt chỗ bởi những tour này không giới hạn số lượng người tham gia. Một trong những đối thủ của KKday cho biết điều này khá hiếm bởi các công ty lữ hành thường ngừng nhận đặt chỗ trước vài ngày để có thời gian quyết định xem hoạt động đó có đáng để tổ chức hay không.

Startup Đài Loan cho phép du khách đặt tour trải nghiệm trượt tuyết và bơi cùng cá mập… vào phút chót khởi hành, tham vọng thành công ty du lịch số 1 châu Á  - Ảnh 2.

KKday đem lại cho du khách trải nghiệm du lịch mới lạ và hấp dẫn.

Chen là một sinh viên kỹ thuật điện tử tại Đại học Chiao Tung của Đài Loan và cũng như bao người khác, ông mơ ước kiếm được nhiều tiền từ bong bóng dot-com. Năm 2000, ông đồng sáng lập công ty du lịch ezTravel. Việc kinh doanh diễn ra suôn sẻ nhưng khi bong bóng vỡ tan, Chen gặp khó khăn trong việc thu hút đầu tư và giữ chân nhân viên. Ba năm sau, ông tham gia sáng lập Star Travel nhưng cũng rơi vào cảnh bế tắc khi đại dịch SARS bùng nổ.

Chen chia sẻ: "Tôi luôn tin rằng một cuộc khủng hoảng có thể đem lại cơ hội không ngờ". Chính vì vậy, ông đã nắm lấy cơ hội để xây dựng kết nối với các hãng hàng không và khách sạn hàng đầu, những người vốn nằm ngoài "tầm với" của startup nhưng ở thời điểm đó lại rất muốn tìm kiếm đối tác kinh doanh.

Chen cũng tìm cách giới thiệu thanh toán trực tuyến bằng thẻ tín dụng, tại thời điểm giao dịch ngoại tuyến vẫn là chuẩn mực. Sự chuẩn bị này cho phép anh nhanh chóng mở rộng quy mô kinh doanh ngay khi Đài Loan bị loại khỏi danh sách "các khu vực bị nhiễm bệnh" của Tổ chức Y tế Thế giới.

Sau đó ezTravel đã được bán cho công ty du lịch trực tuyến Trung Quốc Ctrip với giá không được tiết lộ trong khi Star Travel và Ezfly – một dịch vụ đặt vé máy bay trực tuyến tại Đài Loan nơi Chen trở thành tổng giám đốc năm 2009 – đều trở thành công ty đại chúng.

Đối thủ lớn nhất hiện nay của KKday là Klook, công ty đã huy động được tổng cộng 300 triệu USD vào tháng 8 năm ngoái. Điều đó đã giúp Klook trở thành startup kỳ lân với mức định giá trên 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo Masato Endo, Giám đốc đầu tư tại Line Ventures, đối tác chiến lược của KKday, dù Klook lớn hơn nhiều về giá trị giao dịch nhưng mô hình kinh doanh của họ rất khác so với KKday. Họ tìm cách giành thị phần bằng cách bán vé của các công viên chủ đề nổi tiếng với mức giá ưu đãi và việc này đôi khi sẽ phát sinh thâm hụt.

KKday đang đẩy mạnh mở rộng tại Nhật Bản, Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á. Thị trường Nhật đang thu hút khá nhiều khách du lịch châu Á nhưng việc đưa du khách Nhật ra nước ngoài mới là chiến lược tiếp theo của Chen.

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM