Standard Chartered: Thập niên 2020 là thời điểm Châu Á thống trị tăng trưởng kinh tế thế giới, Việt Nam là một trong những ngôi sao sáng nhất

13/05/2019 10:35 AM | Xã hội

Theo Standard Chartered, thập niên 2020 sẽ là thời điểm Châu Á tỏa sáng khi nhiều nền kinh tế được cho là sẽ giữ vững tốc độ tăng trưởng khoảng 7%. Hàng loạt các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar và Philippines là những thị trường tiêu biểu.

Ngoài ra, Ethiopia và Côte d’Ivoire cũng sẽ đạt mức tăng trưởng 7%, tương đương với việc gia tăng gấp đôi GDP trong vòng 10 năm.

Đặc biệt tại Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng mạnh từ 2.500 USD năm 2018 lên 10.400 USD năm 2030.

Bên cạnh đó, khu vực Nam Á cũng sẽ tỏa sáng do họ sẽ chiếm 1/5 tổng dân số thế giới năm 2030. Ấn Độ sẽ bùng nổ mạnh về dân số trong khi Bangladesh đã đầu tư nhiều năm cho y tế và giáo dục, qua đó thu lại được những thành quả lạc quan về nhân lực.

Cũng theo Standard Chartered, nhóm những nước có tăng trưởng 7% sẽ có tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư chiếm ít nhất 20-25% tổng GDP.

Kể từ năm 2010 đến nay, các nền kinh tế Châu Á đã chiếm vị trí chủ đạo trong bảng xếp hạng các thị trường tăng trưởng nhanh của thế giới. Có khoảng 10 quốc gia thường xuyên nằm trong danh sách này gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh, Việt Nam, Nigeria, Ethiopia, Tanzania, Uganda và Mozambique.

Standard Chartered: Thập niên 2020 là thời điểm Châu Á thống trị tăng trưởng kinh tế thế giới, Việt Nam là một trong những ngôi sao sáng nhất - Ảnh 1.

Việt Nam vượt trội các nước trong nhóm tăng trưởng 7%

Điều đáng ngạc nhiên là Trung Quốc lại vắng mặt trong bảng xếp hạng những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới của Standard Chartered năm nay sau khi đã nằm trong danh sách suốt 40 năm. Nguyên nhân chính là do nền kinh tế này tăng trưởng chậm lại cùng với sự gia tăng mạnh của thu nhập bình quân đầu người khiến tốc độ tăng trưởng khó lòng giữ được như trước.

Theo Standard, Trung Quốc sẽ chỉ giữ được tốc độ tăng trưởng khoảng 5,5% vào thập niên 2020.

Ngoài ra, khu vực Châu Phi cận sa mạc Sahara cũng trì trệ do tốc độ cải cách nền kinh tế chậm lại và giá các mặt hàng nguyên vật liệu, tài nguyên thiên nhiên vốn là nguồn xuất khẩu chính của khu vực đi xuống.

Mặc dù tăng trưởng nhanh sẽ đi kèm nhiều bất cập nhưng rõ ràng gia tăng thu nhập sẽ khiến người dân sống tốt hơn. Ngoài sự phát triển về y tế, giáo dục, người dân các nước cũng sẽ được hưởng dịch vụ và chất lượng sản phẩm tốt hơn trước. Thêm nữa, sự gia tăng thu nhập sẽ đảm bảo được trật tự xã hội, qua đó dễ dàng tiến hành các cuộc cải cách kinh tế, qua đó tạo nên vòng tuần hoàn thúc đẩy phát triển đất nước.

AB

Cùng chuyên mục
XEM