Xu hướng 'chơi sang' trong tương lai sẽ là gì?

01/01/2015 10:28 AM | Sống

Biến sản phẩm thành dịch vụ và cá biệt hóa sản phẩm (thiết kế sản phẩm riêng cho từng khách hàng theo yêu cầu, cá tính,...) là một trong những dự đoán mà các chuyên gia đưa ra về xu hướng tiêu dùng của giới thượng lưu.

Đồ trang sức ngày nào đó có thể trở thành một loại dịch vụ. Chẳng hạn như một cặp đôi đến cửa hàng trang sức và đặt nhà thiết kế làm một chiếc nhẫn thể hiện được hình ảnh của họ trong mắt nhau. Thời gian trôi qua, khi thấy mối quan hệ của mình tiến triển, họ quay lại cửa hàng. Người thợ kim hoàn lúc này sẽ sử dụng chất liệu cũ nhưng tạo ra một món đồ với kiểu dáng khác để phản ánh giai đoạn tình cảm mới. Mọi chuyện cứ thế lặp lại khi cặp đôi này kết hôn, có con, hay xa hơn nữa.

Đây là viễn cảnh của “tbc”, một nhãn hiệu do công ty tư vấn thiết kế Pearlfisher đề ra dựa trên những quan sát ở thời điểm hiện tại. Trong thế giới luôn thay đổi chóng mặt và công nghệ khiến mọi thứ rẻ đi đáng kể như ngày nay, việc xác định xu hướng tiêu dùng hàng cao cấp tương lai là vô cùng cần thiết. 

Những thứ xa xỉ thời trước thì nay đã trở thành bình dân. Sophie Kleber, giám đốc hãng Huge cho biết, giao hàng nhanh tận nhà từng là dịch vụ chỉ người giàu mới có khả năng chi trả. Tuy nhiên, giờ đây dịch vụ giao hàng tận nơi ngay trong ngày không còn là thứ ngoài tầm với của những người bình thường nữa. Một ví dụ khác chính là Uber. Hãng này đã khiến dịch vụ xe hơi trở nên thông dụng hơn bao giờ hết. 

Người ta ngày càng khó “chơi sang”, khó làm cho mình thật vượt trội vì công nghệ đã xóa nhòa mọi cách biệt. Do đó, nhiều công ty chuyên kinh doanh hàng cao cấp nảy ra ý tưởng nâng quy trình cá biệt hóa sản phẩm lên một tầm cao mới để khiến mình nổi bật lên so với thị trường đại trà. Ví dụ như, trong tương lai không xa, khi khách hàng bước vào một cửa hiệu Prada, các nhân viên sẽ nhận được thông tin về cỡ người và sở thích của họ để nhanh chóng chọn ra những món đồ phù hợp.

Những thiết bị công nghệ cao, theo cách nào đó, đã thu hẹp khái niệm xa xỉ. Ví dụ như chiếc smartphone Vertu Signature Touch có giá tới 10.800 USD, được trang bị camera và loa hàng đầu nhưng chỉ chạy trên nền hệ điều hành Android với bộ xử lý còn không bằng chiếc Moto X giá chỉ 499,99 USD. Bên ngoài, chiếc Vertu được thiết kế rất đẳng cấp, nhưng xét về tính năng của một thiết bị di động thì nó chẳng có gì nổi bật. 

Mọi người không mua chiếc điện thoại này vì tính năng của nó. Họ chi tiền vì muốn sở hữu món hàng hiếm. Các chuyên gia cho biết, những người tiêu dùng chịu chơi sẽ tìm kiếm thứ gì đó không chỉ hiếm mà còn thể hiện được hình ảnh của mình. Pearlfisher gọi đây là bước ngoặt từ “mua nhiều sang mua đồ quý”. Mọi người sẽ không muốn sở hữu quá nhiều thứ đắt đỏ mà chỉ cần những thứ thích hợp.

Bộ phận khách hàng này sẽ muốn mua những thứ thể hiện được phần nào cá tính của mình. Kristen Dillman, giám đốc The O Group nhắc lại quan điểm tiêu dùng phải thận trọng và khôn ngoan. Bà cho biết: “Có lẽ trong tương lai, chúng ta sẽ thấy các nhãn hàng cao cấp tận dụng một quan điểm từ lâu đã ăn sâu vào văn hóa, đó là đầu tư ít dàn trải nhưng khôn ngoan hơn”. 

Bước ngoặt trên có thể còn hàm ý rằng những nhãn hiệu mới nổi, am hiểu về khách hàng sẽ ăn mòn thị phần của các công ty cũ, nhà đồng sáng lập Agence: Luxury, Roxanne Genier giải thích. 

Theo bà, người tiêu dùng tương lai sẽ chuộng những thương hiệu có thể trò chuyện được. “Thế hệ trẻ muốn thứ gì đó thể hiện cái tôi của mình. Họ không muốn trở thành những bản sao giống nhau”. Genier nhắc tới một thương hiệu nhỏ, Anatomie. Nhà thiết kế của hãng thân thiết với các khách hàng đến nỗi anh ta tới tận nhà để thiết kế riêng cho họ.

Các chuyên gia cũng đồng ý rằng những sản phẩm hiếm có thể sẽ được đánh giá cao hơn. Hãng rượu Veuve Cliquot điều hành khách sạn L’Hôtel du Marc ở Reims, France, mà chỉ những người được mời mới có thể đặt chân vào. Nơi đây mang kiến trúc tân cổ điển, được bổ sung bởi một bộ sưu tập luân phiên các tác phẩm nghệ thuật hiện đại. Chỉ với vỏn vẹn 6 phòng, rất ít người có khả năng trải nghiệm các dịch vụ và cảnh quan của khách sạn này.

Nói như vậy không có nghĩa là hàng hóa và công nghệ sẽ không có chỗ đứng trên thị trường hàng cao cấp. Ngày càng có nhiều kỹ sư chuyển kỹ năng của mình thành các thiết bị như phần mềm hay website. Chi phí cận biên của máy móc, tương tự như những phát minh số hóa, sẽ không bao giờ giảm về 0. 

Jessica Banks thành lập Rock Paper Robot, một nhà sản xuất nội thất cao cấp sử dụng các nguyên tắc vật lý để khiến đồ gỗ trông như làm được những điều không thể. Bà phát biểu: “Sự linh hoạt, cá biệt hóa sản phẩm và tính đơn thể là những gì tôi nghĩ sẽ thống trị tương lai. Và tôi đang đầu tư vào đó”. 

Việc cá biệt hóa sản phẩm nội thất cao cấp được thể hiện như thế nào? Hãy tưởng tượng tất cả các bức tường đều được phủ một loại giấy điện tử có thể thay đổi hoa văn và màu sắc chỉ trong phút chốc. Sau đó là đồ nội thất có khả năng tự sắp xếp lại hoặc biến đổi chỉ với mệnh lệnh bằng giọng nói, từ phòng ăn thành phòng làm việc hoặc nơi khiêu vũ.

Có thể cá rằng trong tương lai, người tiêu dùng thời thượng sẽ tìm kiếm những nhãn hàng nói lên cá tính độc nhất của họ. Xa hơn nữa, giới nhà giàu có thể yêu cầu những sản phẩm chỉ dành riêng cho người họ muốn gây ấn tượng.

>> 10 cửa hàng độc quyền xa xỉ nhất thế giới

Thu Thảo

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM