Thức ăn ảnh hưởng thế nào đến tuổi thọ?

20/09/2015 10:44 AM | Sống

Một nghiên cứu từ New Zealand được đăng trên tờ Proceedings of the National Academy of Sciences cho biết, khi theo dõi 1.000 người cùng ở độ tuổi 38, tốc độ già cỗi của mỗi người dựa trên thử nghiệm máu, thể lực, ngoại hình và tâm lý, khác biệt từ 28 đến 61 tuổi. Sự khác biệt này có thể là do di truyền, sức khỏe cá nhân và nếp sống mà trong đó, yếu tố dinh dưỡng chiếm phần quan trọng nhất.

Nhắc đến nếp sống và dinh dưỡng, ai cũng biết một sự thật là đàn bà sống thọ hơn đàn ông. Ðã từ lâu sự thật này được mặc nhiên công nhận với lời giải thích đơn giản là về căn bản di truyền, đàn ông là phái yếu, do ảnh hưởng của hormone nam testosterone, làm thay đổi cân bằng của chất mỡ, cholesterol trong máu.

Tuy nhiên một nghiên cứu mới đây cũng đăng trên tờ báo y khoa Proceedings of the National Academy of Sciences cho thấy vài điều cần suy gẫm. Trong thế kỷ XIX, tuổi thọ trung bình là 50, và tuổi thọ của đàn ông và đàn bà ngang nhau.

Sự chênh lệch về tuổi thọ xảy ra trong thế kỷ XX trở đi, khi tuổi thọ trung bình kéo dài hơn. Ða số, không phải vì chiến tranh, đàn ông chết sớm hơn đàn bà vì hút thuốc lá nhiều hơn, bệnh tim mạch nhiều hơn. Nói chung là đàn ông sống “bạt mạng” nhiều hơn phụ nữ.

Một nghiên cứu khác cho thấy đàn ông sinh trong khoảng từ năm 1950 - 1985 ăn nhiều mỡ động vật hơn đàn bà, và như đã nói, do ảnh hưởng của hormone nam giới, chất béo động vật gây ra nguy hiểm cho tim mạch đàn ông nhiều hơn đàn bà. Như vậy, thức ăn và nếp sống ảnh hưởng đến tuổi thọ rất nhiều.

Tại sao thức ăn lại ảnh hưởng đến tuổi thọ và “mức độ già” của con người? Một nghiên cứu khác của Viện Nghiên cứu National Institute of Allergy and Infectious Diseases cho thấy dân Mỹ nói riêng và dân châu Âu nói chung ăn nhiều đồ hộp, đồ biến chế chứa nhiều đường, nhiều muối, nhiều chất béo động vật và ít ăn trái cây, rau cải.

Hầu hết thức ăn biến chế của Mỹ chứa nhiều đường fructose và chất béo acid pamitic (có nhiều trong các thỏi kẹo đậu phộng, chocolate, kitkat, kẹo tăng năng lực protein bar…) có thể kích hoạt lộn xộn hệ thống miễn nhiễm của cơ thể. Chất béo palmitic làm cho cơ thể tưởng lầm là có vi trùng E. Coli (vi trùng gây tiêu chảy) xâm nhập, làm cho đường ruột và nội tạng bị viêm xoang.

Ngoài ra trong đường ruột của bạn có hàng tỷ vi khuẩn tốt, giúp cho chúng ta tiêu thụ, thẩm thấu chất bổ từ đồ ăn và giúp trừ khử vi trùng xấu. Ðồ ăn biến chế có nhiều phụ phẩm và đường giả hiệu, giết chết hay thay đổi những con vi khuẩn tốt này. Thức ăn của người Tây phương còn làm tăng tỷ lệ bị tiểu đường, béo phì và bệnh ung thư các loại.

Có thể nói, vấn đề không phải đơn thuần là ăn ít hay ăn nhiều, và không phải ăn đồ “cao lương mỹ vị,” nhiều chất bổ dưỡng mới làm tăng tuổi thọ.

Bạn có thể thấy rất nhiều quảng cáo dồn dập trên tivi là thức ăn này bổ, thức ăn kia chống bệnh tật, nhưng cũng cần lưu ý, nhiều chất bổ quá cũng thành chất độc. Ví dụ, có nhiều chất bổ trong nước cam, nước táo, nước nho đóng hộp, nhưng nếu uống “quá liều” cũng có thể thành chất độc cho cơ thể, cũng như việc uống nửa chai vitamin đa sinh tố có thể dẫn đến ngộ độc và mất mạng.

Như vậy, ăn uống đơn giản, càng đơn giản càng tốt, sẽ giúp bạn sống lâu hơn như “đổ xăng dầu đầy đủ cho chiếc xe”. Xe bạn hư phụ tùng, bạn có thể thay được, xe “già” bạn đổi xe mới được, nhưng, bạn chỉ có một đời người. Xe và người, khác nhau mà giống nhau, cũng cần phải “xăng nhớt, bảo trì” đầy đủ!

Theo BS. Hồ Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM