“Thành phố tiền tỷ” dành cho người chết ở Việt Nam

24/02/2016 20:43 PM | Sống

Ngoại ô cố đô Huế của Việt Nam có một ngôi làng chài nhỏ nổi tiếng với tên gọi “Thành phố của người chết”. Nơi đây, những người quá cố còn có cuộc sống dư dả hơn cả những người đang sống.

Theo bình luận của Japan Times, những ngôi mộ đẹp mắt, ấn tượng ở cố đô của Việt Nam là điểm dừng chân của nhiều du khách khi tới thăm thành phố được UNESCO công nhận này. Huế là thủ đô của Việt Nam trong khoảng 140 năm từ năm 1802. Nhưng tại làng An Bằng, những ngư dân địa phương bắt đầu nổi lên với truyền thống chôn cất, xây lăng mộ từ thế kỷ 21.

Các gia đình ở nông thôn đã chi tới 70.000 USD (khoảng 1,5 tỷ đồng) xây dựng các ngôi mộ chôn cất lộng lẫy cho cả gia đình, dòng họ, một cái giá khổng lồ ở đất nước mà thu nhập đầu người hàng năm mới ở mức 2.000 USD.

Người dân Việt Nam ảnh hưởng rất nhiều từ tư tưởng Khổng Tử và Phật giáo và cực kỳ coi trọng việc thờ cúng tổ tiên. Nhưng truyền thống này lại được đẩy lên một tầm cao mới ở An Bằng.

“Lăng mộ của chúng tôi là độc nhất”, ngư dân Đặng Thiên vừa nói vừa dẫn phóng viên đi thăm quan ngôi mộ rộng 400 m2 của gia đình mình. Ông nói thêm: “Điều này thể hiện sự tôn trọng của con cháu dành cho tổ tiên. Một ngôi mộ được chăm sóc tốt sẽ đem đến điều tốt lành cho cả gia đình. Nó sẽ tồn tại mãi mãi”.

Miếng đất của gia đình ông Thiên là một trong những mảnh đầu tiên được cải tạo lại từ năm 1994 khi người dân địa phương bắt đầu đầu tư nhiều tiền vào các ngôi mộ có tuổi đời hàng trăm năm. Nhưng cấu trúc hoa văn với các hình thù rồng phượng đầy màu sắc được khắc trên các cột trụ của ngôi mộ cao 6m này mới được thêm vào thời gian gần đây.

Những ngôi mộ hoành tráng ở làng An Bằng, Huế.
Những ngôi mộ hoành tráng ở làng An Bằng, Huế.

Một số ngôi mộ mới nằm trong khu vực rộng 250 hecta gần bãi biển này còn cao tới 10m và mỗi cm đều được trang trí bằng những hình điêu khắc hết sức tỉ mỉ. Không giống ở trung tâm thành phố Huế, nơi các lăng mộ, quần thể di tích của vua chúa thời xưa được UNESCO công nhận và duy trì bảo tồn; những người dân địa phương An Bằng có thể tự do thể hiện sự sáng tạo của mình đối với mộ của cha ông. Từ các biểu tượng của Phật giáo cho tới kiến trúc Gô-tích, Roman, đều được đưa vào trang trí mộ.

Một số ngôi mộ ở đây vẫn trống không bởi dân làng đã xây trước để chuẩn bị cho cái chết của chính mình. Theo một cảnh sát địa phương, sở dĩ người dân có tiền để xây dựng các ngôi mộ hoành tráng như vậy là do người nhà ở nước ngoài đầu tư, chủ yếu là những người sống ở Mỹ.

“Khi trở nên giàu có hơn, họ gửi tiền về quê hương và người nhà sẽ đầu tư vào việc xây mộ hay nhà thờ họ”, vị cảnh sát tên Khang nói.

Ở An Bằng, việc họ hàng ở nước ngoài rót tiền về quê đã làm dấy lên một cuộc cạnh tranh ngầm trong quá trình xây dựng lăng mộ khi các gia đình sẵn sàng chi tiền hoang phí để sở hữu một ngôi mộ hoành tráng. Ông Khang cho biết các ngôi mộ ngày càng cao hơn, rộng hơn và đắt đỏ hơn mỗi năm. “Mọi người quan niệm rằng, mộ càng cao thì cha ông, tổ tiên có thể quan sát được tốt hơn”, ông Khang nói.

Khi các ngôi mộ này được đầu tư “quá tay”, làng An Bằng ngày càng trở nên nổi tiếng trên khắp Việt Nam khiến chính quyền phải lên tiếng. “Chính quyền địa phương không khuyến khích người dân xây dựng các ngôi mộ lớn như vậy”, một quan chức địa phương cho biết.

Chính quyền Huế cũng đã tổ chức nhiều chiến dịch tuyên truyền để khuyến khích người dân không nên xây dựng các ngôi mộ tốn kém như vậy nhưng chưa thực sự hiệu quả.

Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin từ Japan Times - một tờ báo được xuất bản bằng tiếng Anh tại Nhật Bản và thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn The Japan Times. Tờ báo này được phát hành lần đầu tiên vào năm tháng 3/1897.

Theo Tuệ Minh

Cùng chuyên mục
XEM