Tập thể dục giúp phòng chống cảm lạnh và nhiều bệnh khác

05/01/2016 16:34 PM | Sống

“Chúng tôi tin chắc, tập thể dục lâu dài và đều đặn có thể cải thiện rõ rệt cơ chế miễn dịch chống lại bệnh tật, chẳng hạn như cảm lạnh hay cúm”.

Theo nghiên cứu mới, tập thể dục có thể phòng chống cảm lạnh và một số chứng bệnh khác. Thường xuyên rèn luyện cơ thể khiến hệ miễn dịch liên tục chịu áp lực, qua đó tăng cường khả năng phòng chống bệnh.

Nghiên cứu mới chỉ được tiến hành trên động vật, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng kết quả cũng có thể đúng với con người. Nếu vậy, đây sẽ là động lực lớn để chúng ta chăm chỉ tập thể dục trong mùa đông.

Hệ miễn dịch phản ứng lại vi khuẩn xâm nhập bằng nhiều tế bào. Một số tế bào không trực tiếp chiến đấu với vi khuẩn mà thúc đẩy sự viêm sưng phát triển. Nhắc tới viêm, chúng ta thường nghĩ đến sốt, sưng và tấy đỏ. Nhưng đây cũng có thể là điều tốt vì nó giúp cơ thể tự chữa lành và chống lại vi khuẩn xâm nhập.

Vấn đề là sự viêm sưng rất dễ vượt khỏi tầm kiểm soát. Phản ứng viêm trước sự nhiễm trùng hoặc vết thương quá mạnh hay bừa bãi có thể gây tổn thương mô và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Các nhà khoa học từ lâu đã cố tìm cách xác định tại sao sự viêm sưng đôi khi lại phát triển quá mức trong cơ thể. Họ nhận thấy các tế bào mỡ chuyên sản xuất chất thúc đẩy quá trình viêm, phần nào để đáp lại thông điệp từ hệ miễn dịch.

Tuy nhiên, các tế bào mỡ cũng thường sản xuất chất gây viêm nhiều hơn mức cần thiết để chống lại mầm bệnh. Đôi lúc tình trạng này xảy ra cả khi cơ thể không thật sự nhiễm trùng. Kết quả là, chứng béo phì ở người và động vật có thể khiến mức viêm tăng lên, đồng thời suy giảm phản ứng miễn dịch trước sự nhiễm bệnh hoặc ốm đau.

Vì mối liên hệ giữa tế bào mỡ và phản ứng miễn dịch, các nhà khoa học từ Đại học Chosun, Gwangju, Hàn Quốc và một số viện nghiên cứu khác đã tìm hiểu xem tập thể dục có ảnh hưởng đến phản ứng của cơ thể với mầm bệnh không. Hai trong số rất nhiều tác động của việc tập thể dục là giảm lượng chất béo trong cơ thể và thay đổi mức viêm sưng.

Nhóm chuyên gia sử dụng 20 con chuột thí nghiệm trọng lượng trung bình, xét nghiệm máu và tế bào mỡ để tìm dấu hiệu của sự viêm sưng cũng như các tế bào miễn dịch khác. Họ cho nửa số chuột tập luyện bằng cách bơi quanh một bể nước ấm trong 10 phút, năm ngày một tuần, ba tuần liên tục.

Chuột không phải những tay bơi bẩm sinh và thường quẫy đạp khi gặp nước. Do đó, bài tập này khá vất vả với chúng, tương đương như khi ta phải đi bộ 30 phút. Ngược lại, nửa số chuột kia không phải làm gì.

Suốt ba tuần, các nhà khoa học theo dõi mức viêm sưng của tất cả lũ chuột để xem có gì xảy ra với các tế bào mỡ của chúng không.

Như dự đoán, nhóm chuột bơi có dấu hiệu viêm sưng tăng lên, nhất là trong cơ bắp, khi cơ thể chúng tự chữa lành những tổn thương nhẹ xảy ra do tập luyện thường xuyên. Nhìn chung, chúng có mức viêm sưng cao hơn nhóm chuột chỉ ngồi yên, các tế bào mỡ cũng giảm đi cả về kích cỡ lẫn số lượng.

Sau ba tuần, để thử phản ứng miễn dịch của lũ chuột, nửa nhóm chuột bơi và nửa nhóm chuột không vận động được cấy mầm tụ cầu khuẩn (Staphylococcus). Ở cả người và chuột, những mầm bệnh này sẽ gây bệnh da và các vấn đề nghiêm trọng về phổi, chẳng hạn như viêm phổi.

Cả hai nhóm chuột đều bắt đầu ốm do nhiễm tụ cầu khuẩn. Nhưng khác biệt về phản ứng miễn dịch của chúng lại rất rõ rệt.

Nhóm chuột không vận động nhanh chóng bị viêm khi hệ miễn dịch tiết ra rất nhiều tế bào thúc đẩy sự viêm sưng. Khá nhiều tế bào trong số đó di chuyển lên phổi, khiến phổi viêm quá mức.

Nhóm chuột bơi có lượng tế bào viêm sưng thấp hơn nhiều, thậm chí thấp hơn cả những con không bị cấy mầm bệnh. Số tế bào này trong phổi của chúng đặc biệt thấp. Không chỉ vậy, cơ thể chúng còn sản sinh một loại tế bào kháng khuẩn hiệu quả có thể trực tiếp diệt mầm bệnh, nhất là trong phổi.

Nhìn chung, nhóm chuột bơi bị cấy bệnh không ốm nặng như nhóm chuột không vận động. Phổi của chúng cũng ít tổn thương hơn nhiều.

Chính xác việc tập bơi thay đổi hệ miễn dịch của nhóm chuột như thế nào vẫn còn bí ẩn. Tuy nhiên, Park Yoonkyung, giáo sư ngành y sinh học tại Đại học Chosun cho biết, dường như bài thể dục có hai tác động.

Dễ thấy nhất là nó giúp giảm béo. Điều này làm giảm lượng chất viêm sưng thường tiết ra quá mức của các tế bào mỡ. Ngoài ra, tập bơi còn liên tục tạo những tổn thương mô nhỏ và gây viêm sưng nhẹ. Quá trình này khiến cơ thể chuột quen với chấn thương và biết cách chữa lành hiệu quả nhất.

Nhóm chuột bơi tỏ ra có phản ứng miễn dịch hoàn thiện và hiệu quả hơn. Hệ miễn dịch của chúng tiết ra một lượng vừa phải chất viêm sưng. Vì thế, khi mầm bệnh xâm nhập, hệ miễn dịch không tiết chất viêm sưng quá mức hay bừa bãi mà tạo tế bào kháng khuẩn một cách tập trung.

Thí nghiệm mới chỉ tiến hành trên chuột. Tuy nhiên, tiến sĩ Park tin rằng, hiệu quả với cơ thể người cũng tương tự. Ông nói: “Chúng tôi tin chắc, tập thể dục lâu dài và đều đặn có thể cải thiện rõ rệt cơ chế miễn dịch chống lại bệnh tật, chẳng hạn như cảm lạnh hay cúm”.

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM