Tại sao thiếu ngủ khiến bạn ghi nhớ kém và khó tập trung?

31/12/2015 09:07 AM | Sống

Nghiên cứu cho thấy những người thiếu ngủ thường có trí nhớ và khả năng tập trung kém.

Khi mệt mỏi, não bạn sẽ khó ghi nhớ thông tin còn suy nghĩ thì trở nên uể oải. Sự thiếu ngủ làm trí nhớ và khả năng học giảm mạnh. Nghiên cứu vừa được các chuyên gia từ Đại học California, San Diego, tiến hành trên những người bị chứng ngừng thở khi ngủ đã góp phần lý giải cặn kẽ vấn đề này.

Cứ mỗi hai tiếng trong một ngày, các nhà nghiên cứu kiểm tra nồng độ cortisol máu của 55 bệnh nhân mắc chứng ngừng thở khi ngủ. Các bệnh nhân tiếp tục được kiểm tra vào đêm tiếp theo, sau đó tham gia một số thử nghiệm để đánh giá chức năng nhận thức. Nhóm nghiên cứu quan sát họ bị ngừng thở và giảm lượng oxy bao nhiêu lần do tắc nghẽn đường thở.

Trước đây, việc ghi nhớ kém do thiếu ngủ được cho là vì lượng oxy giảm. Tuy nhiên, nghiên cứu mới lại chỉ ra, sự tăng nồng độ cortisol ảnh hưởng nhiều nhất tới rối loạn chức năng nhận thức.

Kết quả này cũng phù hợp với những nghiên cứu trước cho thấy, nồng độ cortisol thường xuyên tăng có thể làm yếu chức năng nhận thức. Chúng chỉ ra những tác động ngược của việc tăng cortisol đến vùng hồi hải mã trong não. Hồi hải mã là một cấu trúc thuộc thùy thái dương của não, tham gia quá trình thu thập thông tin và đưa vào trí nhớ dài hạn.

Điều này có thể lý giải tại sao những người thiếu ngủ thường có trí nhớ và khả năng tập trung kém.

Như chúng ta biết, người mắc chứng mất ngủ hoặc thường xuyên thiếu ngủ do thói quen sinh hoạt có lượng hormone stress, ví dụ như cortisol, tăng cao. Họ không bị ngừng thở hay có lượng oxy hạ thấp khi ngủ, nhưng vẫn thường xuyên rối loạn chức năng nhận thức giống những bệnh nhân kia. Có lẽ điểm chung của họ là sự tăng hormone cortisol.

Có thể sự kích thích quá mức tuyến thượng thận đã khiến cơ thể tiết ra thừa cortisol. Hậu quả thường gặp là stress, do thiếu ngủ hoặc chứng ngừng thở khi ngủ, ngủ đứt quãng. Đo lượng cortisol ở những bệnh nhân bị ngừng thở khi ngủ và ngủ không đủ giấc có thể là một công cụ chẩn đoán tốt.

Tiến sỹ Robert Rosenberg, tác giả cuốn sách “Sleep soundly every night, feel fantastic every day” hy vọng rằng, điều này sẽ nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của chất lượng giấc ngủ. Đừng coi nhẹ chứng mất ngủ hay các rối loạn khác ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ của bạn.

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM