Tại sao một số người già vẫn rất minh mẫn?

24/11/2014 17:51 PM | Sống

Theo nghiên cứu mới, một số người già cũng có khả năng học tốt như giới trẻ bằng cách khai thác phần não bộ mà những người trẻ khỏe thường không dùng để tiếp nhận kiến thức.

Chất xám và chất trắng

Não gồm hai thành phần chính là chất xám và chất trắng. Chất xám chứa rất nhiều tế bào thần kinh, nhờ đó chúng ta có thể nhìn, nghe, xử lý cảm xúc và học kiến thức mới. Chất trắng gồm những sợi liên kết tế bào thần kinh giúp điều khiển các vùng não hoạt động nhịp nhàng với nhau.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vừa phát hiện ra chất trắng cũng có thể giúp chúng ta học và đóng vai trò quan trọng trong chức năng tiếp nhận thông tin cũng như quyết định trí thông minh của con người.

Khi chúng ta già đi, chất xám thường teo nhỏ lại hoặc bị xuống cấp, khiến chúng ta gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu não có bộ phận nào đó giống như một máy phát dự trữ - nguồn năng lượng bổ sung khi những cơ quan gốc của chúng ta hư hại? Đối với một số người cao tuổi, dường như chất trắng chính là chiếc máy phát dự trữ này.

Sự linh hoạt của não

Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học quan sát 39 tình nguyện viên khỏe mạnh gồm cả người già và thanh niên. Những người già với chất trắng linh hoạt nhất ghi nhớ thông tin hình ảnh mới dễ dàng không kém các tình nguyện viên trẻ vốn chỉ dựa vào chất xám.

Phát hiện trên dường như khá mâu thuẫn với quan niệm phổ biến về tuổi tác rằng: khi già đi, não sẽ mất sự linh hoạt, khiến chúng ta khó có thể nhớ được mọi thứ hay học những kỹ năng mới.

Quá trình nghiên cứu và kết quả

Nghiên cứu được tiến hành như sau: 21 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 19 đến 32 và 18 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 65 đến 80 sẽ nhìn vào màn hình và ấn nút khi họ nhận thấy hình ảnh hiển thị thay đổi.

Các tình nguyện viên sau khi làm nhiệm vụ sẽ tham gia một buổi huấn luyện để giúp họ đạt kết quả tốt hơn. Trong buổi huấn luyện, các tình nguyện viên được dạy phải ghi nhớ một chữ cái xuất hiện trên màn hình giữa khoảng thời gian các hình ảnh thay đổi. Việc nhớ chữ cái giúp họ tập trung vào trung tâm bức hình.

Khi thực hiện nhiệm vụ lần thứ hai, kết quả được cải thiện đáng kể ở cả người già và người trẻ với mức độ tương đương nhau.

Để tìm hiểu nguyên nhân, trước và sau mỗi nhiệm vụ hoặc buổi huấn luyện, các nhà nghiên cứu đều tiến hành quét não của các tình nguyện viên. Họ quan sát vỏ não thị giác, phần chất xám sử dụng cho phân tích hình ảnh, để xem có sự thay đổi nào không. Họ cũng để ý cả phần chất trắng nằm bên dưới nữa.

Trong khi các tình nguyện viên trẻ có nhiều thay đổi ở vùng vỏ não thị giác cấu thành từ chất xám thì người già lại thay đổi nhiều ở phần chất trắng.

Dựa theo các kết quả này, những người cao tuổi có thể được chia thành hai nhóm: “học viên tốt” với kết quả cải thiện trên 20% sau khi được huấn luyện và “học viên kém” chỉ tiến bộ dưới 20%.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người già có chất trắng thay đổi càng nhiều thì khả năng học càng tốt.

Giáo sư ngành Khoa học thần kinh tại Đại học Brown, đồng tác giả của cuộc nghiên cứu - Takeo Watanabe nhận xét: “Chúng ta biết rằng não của người già sẽ ngày càng kém. Nhưng dù già hay trẻ thì mọi người cũng gặp phải những nhu cầu học hỏi như nhau trong cuộc sống thường nhật, và dường như một số người cao tuổi có khả năng bù đắp được những thiệt thòi về não mà thời gian gây ra”.

Dù hiện tại, phát hiện này chỉ giới hạn trong phạm vi một hình thức huấn luyện thị giác nhất định với nhóm người nhỏ, đây vẫn là bằng chứng thú vị cho thấy cách não người cao tuổi có thể bù đắp, thậm chí triệt tiêu một số thay đổi của chất xám mà người ta vẫn cho là dấu hiệu suy giảm nhận thức.

>> Công việc nào giúp bạn không bị đãng trí khi về già?

Thu Thảo

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM