Sẽ có những Ngô Bảo Châu tiếp theo!

11/04/2013 11:03 AM | Sống


Có thực sự chỉ trích của dư luận xã hội sẽ làm thui chột những thiên tài tương lai? Và Việt Nam sẽ không có những Ngô Bảo Châu tiếp theo? 

Xung quang bài phỏng vấn cậu bé Đỗ Nhật Nam, đã có ý kiến cho rằng việc lên án ước mơ của một đứa bé, hay bất kỳ ai, có thể trở thành nguyên nhân cản trở sự xuất hiện, phát triển của những thiên tài ở Việt Nam. Thậm chí, bi quan hơn, mới đây một bài báo phát biểu: “Thiên tài sẽ không xuất hiện ở Việt Nam”. 

Vậy có thực sự chỉ trích của dư luận xã hội sẽ làm thui chột những thiên tài tương lai? Và Việt Nam sẽ không có những Ngô Bảo Châu tiếp theo?

Dư luận xã hội và thiên tài

Trong hệ thống chính trị của các nước phát triển, dư luận xã hội có vai trò rất lớn đối với việc xây dựng và ban hành chính sách trong mọi lĩnh vực. Nó biểu thị sự phán xét, đánh giá của quần chúng đối với các vấn đề mà xã hội quan tâm. 

Dư luận có thể đúng, có thể sai, nhưng không thể phủ nhận nó là phản ánh chân thực nhất nét đặc trưng văn hóa của một xã hội tại các thời kỳ. 

Trong xã hội hiện đại, với khả năng kết nối thông tin tới từng phút, quá trình trao đổi, chia sẻ quan điểm và thái độ cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Điều này cũng làm gia tăng tính cách đa chiều, trái chiều của dư luận xã hội. 

Vậy dư luận xã hội liên quan thế nào với vấn đề thứ hai - Thiên tài. 

Có thể nói, những thành tựu vĩ đại mà các thiên tài đạt được đều là kết quả của hàng ngàn giờ lao động không ngừng, dám chấp nhận hàng trăm lần thất bại. Họ cũng phải có lòng kiên tâm và dũng cảm phi thường để vượt qua những đánh giá nhất thời của xã hội, mà nhiều khi nóng vội, phiến diện, cố chấp, để đi đến cùng con đường lựa chọn. 

Không có thành công nào dễ dàng. Nhà bác học Edison đã trải qua hàng nghìn thất bại trước khi chế tạo được chiếc đèn điện đầu tiên của nhân loại. Nhạc sỹ Mozart phải mất 10 năm mới có được bản nhạc để đời đầu tiên. Nhà sáng lập công ty phần mềm nổi tiếng Microsoft Bill Gates đã mất nhiều nghìn giờ trên máy tính trước khi cho ra sản phẩm đầu tiên của hệ điều hành máy tính phổ biến nhất thế giới Windows, v.v... 

Điểm chung của những người này là thành tựu của họ chỉ được ghi nhận ở kết quả cuối cùng: những cống hiến thực sự cho xã hội mà sản phẩm của họ tạo ra. Đây cũng chính là điểm mấu chốt cho sự công nhận của cộng đồng đối với một thiên tài. 

Thời thế tạo anh hùng hay anh hùng tạo thời thế?

Có lẽ trong trường hợp thiên tài, vế thứ hai sẽ chính xác nhất. Bởi sự ghi nhận của xã hội đối với tài năng của họ đến từ những đóng góp của họ đối với xã hội, và đó là kết quả của biết bao lao động âm thầm, vượt khó khăn, thử thách của họ trước đó. 

Dư luận xã hội nhiều lúc thăng trầm, ngổn ngang, nhưng đến cuối cùng bao giờ cũng rất công bằng. Liệu có ai phủ nhận tài năng của GS. Ngô Bảo Châu khi những thành quả sau nhiều năm lao động miệt mài của ông đã rõ như ban ngày trước mắt tất cả chúng ta. Liệu chính sách phát triển đầu tư cho nghiên cứu toán học của VN đã tạo ra “sản phẩm” Ngô Bảo Châu hay ngược lại, chính ông mới là người tạo ra những tiền đề mới?

Một cậu bé 11 tuổi, dù có những khả năng vượt trội, cũng còn quá sớm để nói đến một thiên tài tương lai. Và những kỷ lục được ghi nhận, cùng những lời ca tụng có thể trở thành nền móng phát triển tốt cho tài năng của em sau này?

Mặt khác, liệu có bi quan và phiến diện khi cho rằng những luồng dư luận chỉ trích là nguồn cơn của việc “thiên tài sẽ không xuất hiện ở Việt Nam”? Liệu có vì những định kiến nặng nề, tư duy dập khuôn của xã hội mà những tài năng như Nam không thể thành thiên tài? 

Những bài học về các thần đồng ”sớm nở tối tàn” có lẽ là không thừa. Một mầm non nếu được chăm sóc tốt sẽ có cơ hội phát triển thành cổ thụ trong tương lai. Thế nhưng cái cây không thể vươn mình nếu suốt ngày chỉ ở trong nhà kính và chăm bón bằng mật ong. 

Cây non dù giàu sức sống đến mấy nhưng nếu đặt dưới ánh nắng chói chang cũng sẽ sớm héo khô. Hãy để nó tự phát triển tự nhiên như lẽ vốn có phải thế.

Cũng như vậy, tài năng rất dễ tàn lụi nếu được đặt quá sớm trong vầng hào quang của ngợi ca. Vì vậy, hãy để mỗi người ở đúng vị trí và khả năng của mình, không tán tụng cũng không chỉ trích vùi dập, và chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một Ngô Bảo Châu khác!

Theo Nguyễn Ngọc Hải
 Nghiên cứu sinh tại Vương Quốc Anh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM