Sài Gòn dạo chợ

09/02/2016 16:05 PM | Sống

Chợ ở Sài Gòn ra đời nhiều nhất vào thế kỷ XX, khoảng trên 200 chợ. Nhiều chợ có tuổi đời cao vẫn giữ được danh tiếng, vị thế đến bây giờ.

Chắc chắn ở Việt Nam không nơi nào có nhiều chợ như Sài Gòn - TP HCM. Vài chợ có mặt sớm nhất trên đất Sài Gòn xưa đã được định danh trong lịch sử, như chợ Điều Khiển (năm 1731), chợ Tân Kiểng (năm 1748), chợ Sài Gòn (năm 1789)...

Một chợ khác cũng có mặt rất sớm là chợ Bến Thành. Nói chợ Bến Thành có 100 năm tuổi là tính từ năm 1914, khi chợ được khánh thành ở vị trí hiện hữu. Theo nhiều tài liệu về lịch sử hơn 300 năm Sài Gòn - TP HCM, khi chúa Nguyễn xây dựng thành Quy năm 1790, đã có một chợ buôn bán nhộn nhịp bên sông Bến Nghé, ở một bến cận thành Quy, nên gọi là chợ Bến Thành. Chợ xa xưa được cho là nằm ở vị trí khoảng từ cột cờ Thủ Ngữ đến đầu đường Nguyễn Huệ hiện nay.

Thấy chợ Bến Thành là nghĩ đến Sài Gòn. Không phải vì chợ Bến Thành có nhiều điều hay nhất, có kiến trúc đặc biệt nhất, mà vì “chợ” mới là hình ảnh đặc trưng thể hiện đúng nhất tính chất của Sài Gòn - TP HCM - trung tâm kinh thương lớn nhất nước. Từ một chợ chỉ phục vụ cho đời sống cư dân địa phương, Bến Thành nay đã là chợ xuất khẩu hàng đi các nước thông qua khách du lịch nước ngoài và bà con Việt kiều.

“Thượng thọ” trên 80 năm, chợ Bình Tây (quận 6) khi mới xây dựng xong vào năm 1929 đã mang tên chợ Lớn mới, để thay thế cho chợ Sài Gòn cũ. Chợ Lớn mới nhanh chóng trở thành khu kinh doanh sầm uất, là đầu mối bán buôn khắp trong nước và sang các nước láng giềng Campuchia, Lào.

Đến năm 1978, chợ đổi tên thành chợ Bình Tây. Ngày nay, ngoài chức năng buôn bán, chợ còn được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật của thành phố, và là điểm tham quan hấp dẫn du khách quốc tế bởi giữ được nguyên vẹn vẻ đẹp kiến trúc Trung Hoa cổ xưa xây dựng theo kỹ thuật của người Pháp, điểm xuyết bằng những nét hoa văn, họa tiết theo phong cách nghệ thuật Chăm.

Chợ mang nét kiến trúc thời Pháp thuộc cũng tồn tại theo lịch sử Sài Gòn không thể quên là chợ Tân Định, được xây dựng năm 1926. Chợ Tân Định xưa đã được xếp cùng hàng “chợ nhà giàu” với chợ Bến Thành, bởi ngoài thực phẩm, chợ còn bán buôn vải vóc, quần áo, giày dép… đủ kiểu, cập nhật mốt nhanh nhất. Đến tuổi 90, chợ Tân Định vẫn đầy sắc màu của một chợ thời trang lớn, không chỉ quen đối với người lớn tuổi, trung niên, mà thu hút cả người trẻ thích sắm sửa.

Những ngôi chợ già nua có sức sống thật mãnh liệt, tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt xu hướng đổi mới của chợ truyền thống ở Sài Gòn, để chợ không mất đi, mà song hành phát triển với siêu thị, trung tâm thương mại. Nhiều chợ thời nay có trang web quảng bá, có Wi-Fi cho tiểu thương giao dịch liên tục qua mạng, tiểu thương bán hàng nhãn riêng và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng của mình...

Không mất đi lại còn mở thêm

Sài Gòn chẳng những không mất dần chợ, ngược lại chợ có khuynh hướng mở ra thêm với vài hình thức mới.

Sài Gòn Square đã quen thuộc không chỉ với người Sài Gòn mà còn cả khách nước ngoài cũng truyền miệng nhau đến mua sắm. Cái tên nghe Tây nhưng thực ra là một kiểu chợ thời trang được sắp xếp ngăn nắp từng dãy sạp. Ban đầu, chủ chợ nhắm đến khách nước ngoài, trong đó có nhiều thương nhân đóng hàng xuất khẩu, nên hàng vào chợ mà chất lượng không tốt, không đẹp, mẫu mã không mới, độc thì khó mà hút khách.

Khách nước ngoài đến Sài Gòn Square có thể tìm đủ cỡ quần áo, giày dép, nhất là cỡ lớn (big size) với mẫu mã đẹp, được cập nhật liên tục theo mùa, giá cả dễ mua. Phát hiện giá dễ mua, mẫu mã, chất lượng hàng hơn hẳn hàng chợ bình thường, thậm chí nhiều hàng đẹp để chọn hơn cả siêu thị, người ở Sài Gòn sành thời trang cũng thường xuyên vào Sài Gòn Square cho thỏa đam mê mua sắm. Cụm từ “mua hàng thời trang xuất khẩu” xuất phát từ chợ này. Tính đến nay, Sài Gòn Square đã trở thành chợ có nhiều chi nhánh nhất Sài Gòn.

Từ giữa năm 2015, những chợ phiên cuối tuần xuất hiện, hầu như thỏa mãn thú vui vừa mua sắm vừa ăn vặt thoải mái, mang không khí đường phố mà không phải lê la vỉa hè. Mỗi chủ chợ phiên chọn một địa điểm, có thể là một góc sân vận động, nhà văn hóa, khu công viên hay nhà nhiều tầng, đủ cho khoảng 30-100 gian hàng tùy vị trí. Các chợ phiên cuối tuần như I love SaiGon, Thanh Niên, Hello Weekend, Sale Hunter, 2DaySale, Saigon Flea Market, Saigon Holiday Market... dần trở nên quen thuộc với giới trẻ Sài Gòn.

Những nơi này mang đến không khí chợ trẻ trung, hiện đại, điều mà họ không tìm thấy ở chợ truyền thống hay siêu thị. Thu hút giới trẻ nên những người điều hành chợ phiên khai thác tối đa công nghệ thông tin để quảng bá: tạo Facebook thông báo ngày giờ chợ phiên, thông tin khuyến mãi, sáng tạo các chương trình đặc biệt cho khách hàng, tạo ứng dụng tương tác trên điện thoại thông minh (smartphone) để người bán hàng quảng cáo được hàng của mình...

Tiểu thương ở những chợ phiên hầu như không cố định, ai muốn đến bán phiên nào thì đăng ký, đóng lệ phí. Linh hoạt như thế nên những chợ phiên này thu hút nhiều bạn trẻ muốn khởi nghiệp. Người mua đến chợ phiên thích thời trang “không đụng hàng”, đồ làm bằng tay, thậm chí đồ cũ cũng được miễn là độc, lạ; thưởng thức ẩm thực cũng không chỉ có món ngon ba miền Việt Nam mà có cả món Tây, Hàn, Nhật... kiểu món ăn đường phố.

Theo Cát Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM