Những thành phố thương mại lớn nhất thế giới (Phần 1)

14/05/2013 13:17 PM | Sống

Dưới đây là 10 thành phố có nền kinh tế phát triển nhanh chóng và đầy tiềm năng trong tương lai của Châu Á.

Châu Á – Tiềm năng kinh tế lớn mạnh

1. Tokyo, Nhật Bản


Tokyo, thủ đô của Nhật Bản, nằm ở Tây Bắc, phía đông của đảo Honshu, có diện tích hơn 2.187 km2 và dân số khoảng 16 triệu người.

Tokyo, từng được gọi là Edo, là nơi đặt các cơ quan đầu não của Chính phủ Nhật Bản, cũng là nơi cư ngụ của Hoàng gia Nhật Bản.

Tokyo có 23 đặc khu, mỗi khu là một đô thị tự trị được liên kết với nhau bởi mối quan hệ hành chính với chính quyền thành phố. Tokyo hiện là một trong ba trung tâm kinh tế toàn cầu, là nơi đặt trụ sở chính của một số ngân hàng đầu tư và công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới.

Thị trường chứng khoán Tokyo có giá trị thị trường lớn thứ hai toàn cầu.

Một số địa danh nổi tiếng ở Tokyo như Nippon Budokan, thiên đường mua sắm Harajuku, công viên Ueno, công viên Inokashira và vườn quốc gia Shinjuku Gyoen...

2. Thượng Hải, Trung Quốc


Thượng Hải nằm ở bờ tây Thái Bình Dương, phía đông Trung Quốc, thuộc vùng đồng bằng châu thổ Trường Giang.

Diện tích hơn 6300 km2, dân số khoảng 23 triệu người,Thượng Hải hiện là thành phố lớn nhất và là thủ phủ kinh tế của Trung Quốc.

Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải đứng thứ ba thế giới về khối lượng chứng khoán giao dịch còn Cảng Thượng Hải đứng đầu thế giới về lượng hàng hóa thông qua.

Một số địa danh nổi tiếng của Thượng Hải như khu Phố Đông, Tháp truyền hình Minh Châu, Tháp trung tâm tài chính thế giới Thượng Hải, Tháp Kim Mậu...

Xuất phát từ một làng chài hẻo lánh, hiện nay thành phố này đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm hải vận quốc tế trong tương lai gần.

3. Hong Kong, Trung Quốc


Hong Kong hay còn gọi là Hương Cảng, nằm trên bờ biển Đông Nam, Trung Quốc, có diện tích hơn 1.100 km2, dân số hơn 7,1 triệu người.

Kinh tế Hồng Kông (còn có cả Ma Cao) là một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, ít có sự can thiệp kinh tế của chính phủ. Đây là một trung tâm tài chính, thương mại quan trọng và là nơi tập trung nhiều đại bản doanh công ty của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nếu tính về GDP bình quân đầu người và tổng sản phẩm nội địa, Hồng Kông là trung tâm đô thị giàu nhất ở Trung Hoa.

Hong Kong vươn lên từ chế tạo công nghiệp nhưng hiện giờ dịch vụ mới là ngành chủ lực.

Một số địa điểm nổi tiếng của Hong Kong như Lan Quế Phường, đỉnh Victoria, Đại lộ Ngôi sao, Tháp Trung Ngân... 

4. Mumbai, Ấn Độ


Mumbai trước đây được gọi là Bombay, tọa lạc trên đảo Salsette, bờ tây Maharashtra.

Với diện tích hơn 600 km2 và khoảng 20 triệu người sinh sống, Mumbai là thủ đô thương mại và giải trí của Ấn Độ.

Đây là nơi có nhiều định chế tài chính quan trọng như Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI), Sở giao dịch Chứng khoán Bombay (BSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Quốc gia Ấn Độ (NSE) và là nơi đóng trụ sở của nhiều công ty Ấn Độ, vương quốc điện ảnh lớn nhất thế giới Bollywood cũng nằm trên thành phố này.

Một số địa danh nổi tiếng của Mumbai như Vườn quốc gia Sanjay Gandhi, Bombay High Court, Haji Ali Dargah ...

Sự thịnh vượng của Mumbai phần lớn là nhờ các nhà máy dệt và cảng biển, nhưng hiện nay định hướng phát triển của Mumbai là các ngành tài chính, công nghệ thông tin và dịch vụ. 

5. Singapore


Singapore là một hòn đảo có hình dạng một viên kim cương bao quanh bởi nhiều đảo nhỏ khác thuộc phía nam bán đảo Mã Lai.

Singapore mang danh thành phố Sư Tử có diện tích hơn 690km2, dân số hơn 5 triệu người.

Đây là nơi hầu như không có tài nguyên nhưng lại phát triển vượt bậc về cảng biển, công nghiệp đóng, sửa chữa tàu, công nghiệp lọc dầu, chế biến và lắp ráp máy móc tinh vi. Vì vậy nền kinh tế phát triển chủ yếu là buôn bán và dịch vụ.

Một số địa điểm nổi tiếng như Vườn bách thảo Singapore, khách sạn Ritz – Carlton, phố thời trang Haji, Chinatown...

Singapore đi đầu thế giới trong việc chuyển đổi thành nền kinh tế tri thức và định hướng trở thành đầu mối của mạng lưới mới trong nền kinh tế châu Á và toàn cầu.

6. Bắc Kinh, Trung Quốc


Nằm ở mũi phía Bắc của đồng bằng Bắc bộ Trung Quốc, được bao phủ bởi những dãy núi kéo dài từ phía bắc, tây bắc và phía tây, Bắc Kinh là thủ đô và cũng là thành phố hậu công nghiệp đầu tiên tại Trung Quốc đại lục.

Thành phố có diện tích khoảng 16,8 triệu km2 và gần 21 triệu người sinh sống.

Thành phố có lịch sử hơn 3000 năm với đầy biến động đáng nhớ. Trong bảy thế kỷ qua, Bắc Kinh là trung tâm chính trị và văn hóa của Trung Quốc.

Một số địa điểm nổi tiếng của Bắc Kinh như Vạn lý trường thành, Tử cấm thành, Di Hòa viên, Thiên An môn, Thiên Đàn, Nhà hát lớn, Sân vận động quốc gia...

Các ngành kinh tế quan trọng nhất của Bắc Kinh hiện nay là tài chính, bất động sản, ô tô...

7. Bangkok, Thái Lan  

        

Bangkok nằm ở hữu ngạn sông Chao Phraya, thuộc đông bắc Thái Lan, có diện tích hơn 1.568 km2 và khoảng 8,3 triệu người sinh sống.

Bangkok là thủ đô, trung tâm kinh tế của Thái Lan, tốc độ phát triển kinh tế của Bangkok có thể sánh với Hong Kong và Singapore.

Các ngành thương mại chính của thành phố là thương nghiệp, bất động sản, dịch vụ cộng đồng, vận tải…

Một số địa danh của Bangkok như Hoàng Cung Thái Lan, Trung tâm Hội chợ Triễn lãm Quốc tế Bangkok, Tháp Baiyoke II, Chùa Phật ngọc Bangkok…

8. Thiên Tân, Trung Quốc


Thiên Tân nằm trên bình nguyên Hoa Bắc,  là nơi các chi lưu của Hải Hà hợp lưu với nhau, giáp với Bột Hải ở phía đông và dựa vào Yên Sơn ở phía bắc.

Thành phố có diện tích hơn 11.860 km2, dân số khoảng 13 triệu người.

Ngành thương mại chính của Thiên Tân là dịch vụ, cảng biển, dầu khí... Năm 2012, Thiên Tân là địa phương dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Trong chiến lược phát triển quốc gia, Thiên Tân chính là cực tăng trưởng thứ ba của kinh tế Trung Quốc.

Một số địa danh của thành phố như quảng trường Tân Loan, trung tâm tài chính Hoàn cầu Thiên Tân và Hải Hà, nhà thờ  Tây Khai. 

9. Seoul, Hàn Quốc


Seoul là thủ đô của Hàn Quốc, nằm bên Sông Hán thuộc phía tây bắc Hàn, có diện tích chỉ khoảng 605 km2, dân số hơn 10 triệu người.

Seoul hợp với thành phố cảng Incheon và tỉnh Gyeonggi trở thành Vùng thủ đô Seoul, là vùng đô thị lớn thứ 2 thế giới sau Vùng thủ đô Tokyo.

Đây là nơi đặt trụ sở đầu não của một số tập đoàn lớn nhất thế giới như Samsung, LG, Hyundai  và  Xe ô-tô Kia... Các sản phẩm xuất khẩu chính là hàng điện tử, ô tô, thiết bị máy móc...

Một số địa điểm nổi tiếng ở Seoul như đảo Bamseom, khu Gangnam, Sân vận động Olympic, công viên Olympic, Lotte World... 

10. Đài Bắc, Đài Loan


Đài Bắc là thủ đô của Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan), Bắc nằm ở đầu phía bắc của đảo chính và nằm bên sông Đạm Thủy, cách thành phố cảng Thái Bình Dương Cơ Long  25 km về phía đông bắc.

Diện tích gần 272km2, dân số hơn 2,6 triệu người.

 Đài Bắc là trung tâm kinh tế của quốc đảo. Với tốc độ phát triển chóng mặt (được mệnh danh là Kỳ tích Đài Loan), Đài Bắc đã trở thành một trong những thành phố toàn cầu về chế tạo các mặt hàng công nghệ cao. Đây cũng là nơi đặt trụ sở chính của các thương hiệu quốc gia như ASUS, Chunghwa Telecom, Mandarin Airlines, Tatung, và Uni Air, D-Link… 

Một số địa điểm nổi tiếng như phủ Tổng thống, nhà tưởng niệm Tưởng Giới Thạch, bảo tàng cố cung Quốc lập, Long Sơn tự…

Hoàng Dũng

khanhnt

Cùng chuyên mục
XEM