Những quan niệm sai lầm về Yoga

25/08/2015 15:05 PM | Sống

Quỹ Hindu Mỹ (Hindu American Foundation) gọi Yoga là “một trong những món quà tuyệt vời nhất đạo Hindu mang đến cho nhân loại” và giải thích, người tập Yoga sẽ phải chịu ảnh hưởng của Hindu dù muốn hay không.

Yoga đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Tại Mỹ, gần 10% dân số từng tập môn thể thao này. Số người Mỹ tập Yoga tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng 10 năm, từ năm 2002 đến năm 2012. Liên Hợp Quốc thậm chí còn chọn ngày 21/6 là ngày Quốc tế Yoga.

Dù thịnh hành như vậy nhưng vẫn có không ít hiểu nhầm xung quanh môn thể thao nổi tiếng này. Hãy cùng làm sáng tỏ những điều nhiều người còn mơ hồ về Yoga.

Học sinh tập Yoga trên sân trường trước ngày Quốc tế Yoga ở Chennai, Ấn Độ.

1. Yoga có nguồn gốc hoàn toàn từ đạo Hindu

Cả phe ủng hộ lẫn phê phán Yoga đều cho rằng bộ môn này có nguồn gốc từ đạo Hindu. Các mục sư cảnh báo người theo Thiên chúa giáo về việc tập Yoga. Quỹ Hindu Mỹ (Hindu American Foundation) gọi Yoga là “một trong những món quà tuyệt vời nhất đạo Hindu mang đến cho nhân loại” và giải thích, người tập Yoga sẽ phải chịu ảnh hưởng của Hindu dù muốn hay không.

Thủ tưởng Ấn Độ Modi tập Yoga cùng mọi người để kỷ niệm ngày Quốc tế Yoga ở New Delhi.

Trên thực tế, Yoga được hình thành từ các động tác và tư tưởng vùng Nam Á, không chỉ phổ biến ở những người theo đạo Hindu mà còn đạo Phật, Jaina và nhiều đạo khác. Giai đoạn thế kỷ 3 đến thế kỷ 4, “yogacara” -  trường luyện Yoga của đạo Phật ra đời. Vào thế kỷ 6, nhà tư tưởng Virahanka Haribhadra của đạo Jaina viết cuốn sách “Yoga Bindu” - những hạt giống của Yoga.

Yoga hiện đại còn có nguồn gốc đa dạng hơn. Đó là kết quả từ sự trao đổi và ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa, là sự tổng hợp giữa y học hiện đại, thể thao và các chương trình tập luyện.

2. Yoga không phải là tôn giáo

Nhiều người đam mê Yoga tránh miêu tả bộ môn này mang tính tôn giáo. Các viện, hội nghị và tạp chí thường định nghĩa Yoga như một chế độ trị liệu để nâng cao tinh thần hoặc rèn luyện thể chất mà không ràng buộc giáo phái. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa Yoga không thể là tôn giáo.

Một người đang tập Yoga bên hồ nước ở Agartala, Ấn Độ.

Một số kiểu Yoga hiện đại có mục đích tôn giáo rõ ràng. Chẳng hạn như đạo Hindu với Siddha Yoga – tăng cường “sức khỏe và niềm vui đến từ sự hiện diện thần thánh bên trong bạn”, hay đạo Thiên chúa với Holy Yoga mang sứ mệnh “thắt chặt mối liên kết giữa con người với Chúa”.

Các kiểu Yoga khác cũng có những khía cạnh tinh thần, dù không hạn chế trong truyền thống tôn giáo cụ thể nào. Người tập tham gia các nghi thức yêu cầu chuyển động cơ thể theo một chuỗi tư thế, giúp họ thoát ly công việc và áp lực thường ngày, hướng đến mục tiêu phát triển bản thân.

3. Swami Vivekananda đã tạo ra Yoga hiện đại

Swami Vivekananda là một thầy tu, một nhà tư tưởng lớn đến từ Ấn Độ. Ông từng đại diện cho Hindu giáo tham dự Hội nghị Tôn giáo Thế giới. Một số báo phương Tây gọi ông là  “Cha đẻ của Yoga hiện đại”.

Nhà tư tưởng  Swami Vivekananda.

Ông nổi tiếng với bài phát biểu tại Chicago năm 1893 tại Hội nghị Tôn giáo Thế giới. Tuy nhiên, bài phát biểu không đề cập gì đến Yoga. Những cái tên góp phần đặt nền móng cho Yoga hiện đại có thể kể đến như: Ida C. Craddock, người tạo ra một phương pháp Yoga giúp các đôi vợ chồng cải thiện đời sống tình dục vào thế kỷ 19, hoặc Paramahansa Yogananda, người từng đến Mỹ dạy Yoga nửa đầu thế kỷ 20.

Vivekananda nghiên cứu và thuyết giảng những vấn đề liên quan đến sự tự chủ, thiền và tâm lý học. Tuy nhiên, ông không chuyên sâu về các tư thế Yoga.

4. Phải có tiền mới tập được Yoga

Người Mỹ chi tới 10 tỷ USD mỗi năm cho các khóa học, quần áo và phụ kiện tập Yoga. Một số loại thảm - phụ kiện được coi là không thể thiếu khi học Yoga - có giá đến hơn 100 USD. Nhưng thực tế, những món đồ này chỉ mới được đưa vào sử dụng. Trước đó, người ta tập Yoga trên cỏ, khăn hoặc sàn gỗ.

Một cửa hàng bán đồ tập Yoga ở Vancouver, Canada.

Với mong muốn phi thương mại hóa Yoga, nhiều nơi mở lớp học phi lợi nhuận hoặc lập ra các studio không dùng phụ kiện đắt tiền. Họ cho rằng Yoga giúp con người bộc lộ hết tiềm năng của mình - một mục tiêu vô giá. Ngoài ra, Yoga cũng đang được đưa vào giảng dạy tại các nhà tù, trường học ở vùng khó khăn và trung tâm cho người vô gia cư.

5. Mục đích của Yoga luôn là rèn luyện thể chất

Theo khảo sát của tạp chí Yoga, hơn một nửa số người yêu thích Yoga ở Mỹ tập môn thể thao này với mục đích chính là rèn luyện thể chất, 78% cho biết họ muốn cơ thể trở nên dẻo dai. Tuy nhiên, đây chỉ là quan điểm thời hiện đại. Những suy nghĩ như vậy hầu như không hề tồn tại trong lịch sử Yoga.

Yoga không chỉ rèn luyện thể chất.

Bắt đầu từ khoảng thế kỷ 7 và 8, những người theo đạo Phật, Hindu và Jaina điều chỉnh Yoga thành nhiều hệ với các mục đích khác nhau, từ trở thành chúa hiện thân cho đến phát triển những khả năng siêu nhiên như vô hình hoặc bay. Đến thời kỳ đầu của Yoga hiện đại, mục đích chính cũng liên quan đến thiền hoặc tâm lý học chứ không phải rèn luyện thân thể.

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM