Những cuộc tẩu thoát vĩ đại

11/01/2013 18:27 PM | Sống

(CafeBiz) Đây là những câu chuyện có thật, rất nổi tiếng, về những cuộc chạy trốn, vùng thoát ra khỏi áp bức, đói rét và cái chết.

Sự dũng cảm của những con người đó, có đàn ông, phụ nữ và cả trẻ em, đã chứng minh một điều con người luôn đam mê tự do, công bằng.

Underground Tunnel - Đường hầm dưới chân tường Berlin

Đó là câu chuyện xảy ra trong thời kỳ nội chiến Đức. Clara Becker, một góa phụ với sáu đứa con, sống ở Đông Đức đã quyết định cùng với một số người trẻ tuổi đào một đường hầm nối từ nhà họ, xuyên qua bức tường Berlin, tới Tây Đức để chạy trốn khỏi cảnh cô lập, giam cầm đói khát. Họ đã đào đường hầm đó chỉ bằng cuốc, xẻng và búa, bắt đầu từ một cái giếng cũ.

Ngày 24/01/1962, 28 người tị nạn đã chạy trốn từ Đông Đức sang Tây Đức bằng chính đường hầm này.

Bức phác họa cuộc chạy trốn của những người dân Đông Đức trong đường hầm nhỏ bé tự đào

Comet Line - Cuộc chạy trốn của quân Đồng Minh

Tháng 8 năm 1941, Andrée De Jongh, mới chưa đầy 25 tuổi và là một thành viên của tổ chức Kháng chiến Bỉ, đã giúp 400 binh sĩ quân Đồng Minh thoát khỏi Bỉ, thông qua đại sứ quán Anh ở Madrid - lúc này đang bị Pháp chiếm đóng, để chạy tới Gibraltar (một lãnh thổ ngoài nước Anh, nằm ở phía nam bán đảo Iberia, lối vào Địa Trung Hải).

Ngoài ra Andrée còn hộ tống 118 quân nhân đi bộ xuyên qua dãy núi Pyrenees, biên giới tự nhiên giữa Pháp và Tây Ba Nha, trong số binh sĩ đó có chính trị gia Airey Neave.

Andrée đã được trao thưởng huân chương Tự Do và huân chương George, và được phong tặng danh hiệu Bá tước trong giới quý tộc Bỉ vào năm 1985.

Andrée De Jongh có biệt danh Dédée

Underground Network - Thoát khỏi ách nô lệ

Harriet Tubman là một người Mỹ gốc Phi, bà là nhà hoạt động nhân đạo tích cực nhất trong cuộc chiến chống chế độ nô lệ. Bà đã tổ chức 13 phi vụ giải cứu hơn 70 nô lệ bằng cách sử dụng mạng lưới đường ngầm (do các nhà hoạt động nhân đạo tạo ra).

Tubman lớn lên như một nô lệ ở Maryland, bị chửi mắng đánh đập thường xuyên, trong đó có một chấn thương nặng ở đầu khiến bà phải chịu tổn thương thần kinh suốt đời.

Năm 1849, sau khi chủ nhân chết, Tubman được người ta đưa đến trang trại lân cận làm việc, tại đây bà đã tìm cách chạy trốn thông qua mạng lưới đường ngầm đến Philadelphi. Sau một thời gian ngắn tìm kiếm sự ủng hộ của những nhà hoạt động nhân đạo khác, bà quay trở lại Maryland để hướng dẫn gia đình và hàng chục nô lệ chạy thoát tới Canada.

Harriet Tubman đi vào huyền thoại châu Phi vì những nỗ lực giải cứu nô lệ 

và đấu tranh cho tự do bình đẳng

Thoát chết khi đi lậu vé máy bay

Armando Socarras Ramirez trở thành người may mắn nhất thế giới đã sống sót khi đi lậu vé máy bay từ Cuba đến Mỹ. Ông trèo lên bộ phận hạ cánh và có ý định chui vào khoang trong.

Sau hơn 8 tiếng bay ở độ cao 30.000 feet (tương đương 9144m) một phi hành đoàn đã kinh hoàng phát hiện ra cơ thể đang hôn mê của Armando. Họ vội vàng đưa anh vào bệnh viện. 24 giờ sau, dưới sự chứng kiến của nhiều người, Armando tỉnh lại và hoàn toàn hồi phục.

Có tới 70% thống kê khẳng định trường hợp đi lậu vé như Armando không thể sống sót nổi, nếu không chết vì tiếng ồn và áp suất thì cũng chết vì rơi khỏi máy bay. Với kỷ lục như của Armando, các chuyên gia tin rằng nhờ lòng ham sống, cơ thể Armando đã tự thúc đẩy mình vào quá trình ngủ đông!

Tình trạng của Armando Ramirez vẫn khá ổn sau 8 tiếng chơi vơi trên độ cao 30.000 feet.

Napoleon và cuộc chạy trốn khỏi Elba

Napoleon Bonaparte vị anh hùng của nước Pháp, sau cuộc đảo chính năm 1799, đã trở thành Lãnh sự, năm năm sau đăng quang ngôi vị Hoàng đế Pháp. Nhưng vào năm 1814, sau thất bại ở trận Leipzig, Napoleon bị buộc thoái vị và đày đến đảo Elba (một đảo thuộc Địa Trung Hải). Trong suốt 9 tháng ở Elba, Napoleon được phép nhận thư tín và báo chí. Nhưng từng ấy tin tức và thời gian cũng đủ để ông nhận định ra tình hình rối loạn trong nước.

Tháng 2 năm 1815, Napoleon đã thực hiện cuộc vượt biên nổi tiếng trong lịch sử nước Pháp, trốn khỏi Elba dưới sự che chở của bóng tối để trở về nắm lại quyền hành. Napoleon đã vòng qua nhà trong vài giờ rồi tiếp tục đi về miền Nam nước Pháp cùng một ngàn binh sĩ của mình.

Bức tranh mô tả cảnh Napoleon trốn khỏi nhà tù trên đảo Elba.

Tai nạn mỏ Copiapó

Ngày 5/8/2010, 33 thợ mỏ Chile bị mắc kẹt dưới độ sâu 700m sau vụ nổ gây sập hầm khai thác đồng - vàngSan José. Vụ việc xảy ra quá bất ngờ, gia đình nạn nhân đã hoàn toàn tuyệt vọng và làm lễ truy điệu cho họ trong khi chính phủ các nước liên tục gửi tin chia buồn tới. Thế nhưng sau 17 ngày bặt tin, rạng sáng 22/8 những người tham gia cứu nạn đã tìm thấy dấu hiệu sống sót của họ. Thức ăn, nước uống, thuốc men, các vật dụng tối cần thiết được đưa vào qua một lỗ hổng rộng 33cm.

Sau 69 ngày sống trong tăm tối và đói khát, toàn bộ các thợ mỏ đã được giải cứu đưa lên mặt đất vào ngày 13/10/2010. Ngoài 2 người bị viêm phổi và một số ít bị các vấn đề về răng miệng, giác mạc ra thì những người khác đều có sức khỏe tốt và sẽ hồi phục trong thời gian ngắn.

Những thợ mỏ vẫn sống với tinh thần lạc quan dưới độ sâu 700m trong hơn 2 tháng.

Khánh Sơn

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM